CHUYỆN VỀ NHỮNG CẶP ĐÔI CƯỚI NHAU Ở CHIẾN TRƯỜNG TÂY NGUYÊN

                         Nguyễn Đình Thi 

  

  Chiến trường Tây Nguyên là một chiến trường đặc biệt khó khăn , gian khổ và ác liệt . Thế nhưng có ai biết rằng ở một chiến trường khó khăn, gian khổ và ác liệt như thế nhưng tình yêu vẫn nẩy nở , vượt lên cả bom đạn , đơm hoa , kết trái. Quả thực đó là những mối tình thật tuyệt vời, người ngoài cuộc khó có thể tin . Để các bạn hiểu thêm về những câu chuyện tình này , tác giả xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về những cặp đôi yêu nhau và kết hôn tại chiến trường Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


1. Đám cưới đầu tiên ở chiến trường Tây Nguyên của những người lính là đám cưới của nhạc sỹ Đoàn văn công Quân giải phóng Tây Nguyên , anh Thanh Phát với chị Y Mau - diễn viên múa của Đoàn . Nhạc sỹ Thanh Phát quê ở Bình Thuận , trước ở  Sư đoàn 324 , khi thành lập Đội Văn nghệ xung kích Tây Nguyên tháng 3/1967 , anh được điều về Đoàn . Anh là một nhạc sỹ tài hoa , vừa sáng tác vừa là ca sỹ . Anh diễn hề , hài rất giỏi , anh còn có biệt tài là bắt chước tiếng chim , thú rất giống . Còn Y Mau vợ anh là cô gái dân tộc Sê Đăng . Trước khi về Đội Văn nghệ xung kích Tây Nguyên , Y Mau công tác ở Văn công tỉnh Kon Tum . Y Mau là một cô gái xinh xắn và là cô gái trẻ nhất của Đội Văn nghệ xung kích Tây Nguyên lúc đó . Cô là diễn viên múa , đặc biệt rất giỏi biểu diễn đàn Kloongput . Chỉ với các ống nứa dài , ngắn khác nhau được xếp lên bàn rồi dùng 2 bàn tay vỗ vỗ Y Mau tạo nên một bản nhạc không lời tuyệt vời . Các tiết mục do Y Mau biểu diễn luôn được bộ đội ngợi khen , yêu thích . Thanh Phát và Y Mau yêu nhau khá lâu nhưng lúc đó chuyện yêu đương ở chiến trường Tây Nguyên được nghiêm cấm nên họ cũng không dám thổ lộ tình yêu . Nhưng rồi cái gì đến cũng sẽ đến . Trong lúc Thanh Phát được Đoàn Văn công cử  ra Bắc tuyển diễn viên và học thêm về nghiệp vụ ở Nhạc viện Hà Nội thì Y Mau ở chiến trường sinh con . Thế là Thanh Phát tức tốc được gọi trở lại chiến trường . Chuyện đã đành , cuối cùng Tổ chức cũng chấp nhận cho hai người cưới nhau . Những năm đó ở chiến trường Tây Nguyên vô cùng khó khăn , gạo mỗi ngày chỉ có 2, 3 lạng còn phải ăn độn sắn nhưng anh em Văn công xúm lại mỗi người một chân một tay giúp đỡ , người giúp cân đường , hộp sữa , người giúp mảnh dù làm chăn . Rồi các họa sỹ của Ban Tuyên huấn Mặt trận đứng ra trang trí . Đám cưới của anh chị vật chất không tuy có gì nhưng rất vui . Ai cũng mừng và chúc phúc cho anh chị . Vì là đám cưới đầu tiên của Mặt trận Tây Nguyên nên hôm cưới rất đông anh chị em trong 3 Cơ quan của Mặt trận đến chúc phúc cho anh chị . Sau giải phóng anh Thanh Phát và chị Y Mau về công tác tại Đoàn văn công Quân khu 5 cho tới lúc nghỉ hưu . Anh chị sống bên nhau rất hạnh phúc , anh chị có 2 con trai , trong đó có một cháu sinh năm 1973 tại chiến trường Tây Nguyên . Con lớn của anh chị cũng theo nghiệp bố mẹ , hiện công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 5 . Con thứ 2 hiện là Trung tá trong Quân đội . Nhạc sỹ Thanh Phát mất năm 2016.


 2/. Cặp cưới thứ 2 của Đoàn văn công xung kích Tây Nguyên đó là cặp chị Mai Hoà và anh Vũ Quý . Chị Mai Hoà quê ở Hà Nội . Học xong lớp Y sỹ chị xung phong đi chiến trường . Chị vào Tây Nguyên từ năm 1965 và làm y sỹ của Viện 211 , sau chuyển về làm Y sỹ của Đoàn văn công Quân giải phóng Tây Nguyên . Còn chồng chị - anh Vũ Quý trước công tác ở Trung đoàn 40 - Pháo binh . Do có năng khiếu về âm nhạc anh được điều về Văn công xung kích Tây Nguyên từ năm 1967 , phụ trách Đoàn phó và là nhạc sỹ của Đoàn . Rất nhiều bài hát do anh sáng tác được lính Tây Nguyên rất yêu thích . Tình yêu của anh chị cũng kéo dài nhiều năm . Những năm đó ở chiến trường Tây Nguyên việc yêu nhau được nghiêm cấm , nhiều cặp đôi yêu nhau phải giấu kín nhưng riêng anh Vũ Quý thì công khai báo cáo với Tổ chức chuyện yêu chị Minh Hoà nhưng Tổ chức rất khoát không chấp nhận . Chuyện tình yêu của cặp đôi này  tưởng như là chuyện cổ tích trong mơ nhưng không ngờ sau hiệp định Pa Ri tháng 1/1973 , phái đoàn của đồng chí Tố Hữu vào Tây Nguyên , khi đến thăm Đoàn văn công xung kích Tây Nguyên , khi trò truyện , chị em Văn công có đề đạt nguyện vọng được yêu nhau và được cưới nhau sau đó Tổ chức mới đồng ý . Nghe đâu đám cưới của chị Hoà và anh Quý còn được chính Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên lúc đó là - Trần Thế Môn chọn cho ngày cưới là ngày 20/5/1973 , tức ngày 18/4 năm Quý Sửu - ngày Đại an . Anh chị có 3 con , con trai lớn cũng theo nghiệp bố mẹ , hiện giảng dạy tại Trường Cao đẳng nghệ thuật tỉnh Yên Bái . Sau giải phóng chị Hoà về quê chồng ở Yên Bái và làm chuyên môn Y sỹ ở một cơ quan cuả tỉnh , anh Quý cũng chuyển về quê Yên Bái công tác , làm Hiệu trưởng Trường Văn hoá nghệ thuật Yên Bái , rồi làm Phó giám đốc Sở Văn hoá Yên Bái . Gia đình anh chị Hoà - Quý sống rất hạnh phúc .


3/  Cặp cưới thứ 3 của Văn công xung kích Tây Nguyên tại chiến trường Tây Nguyên đó là cặp chị Thanh Lịch và anh Xuân Cước . Chị Thanh Lịch quê ở Quảng Bình , là y tá của Viện Quân y 103 , chị vào chiến trường Tây Nguyên từ năm 1965 cùng với các y , bác sỹ của Viện 103 . Khi thành lập Đội Văn nghệ xung kích Tây Nguyên , Thanh Lịch từ Viện 211 được chuyển về Văn công xung kích . Thanh Lịch có giọng hát trời phú , cao và khỏe , được coi là Tường Vi của Tây Nguyên . Thời ở chiến trường Tây Nguyên cái tên Thanh Lịch đã để lại những dấu ấn rất đặc biệt . Đến biểu diễn ở bất cứ đơn vị nào Thanh Lịch cũng được lính ta hò reo cổ vũ , có những bài hát chị phải hát đi , hát lại tới 3 lần . Sau giải phóng chị về công tác ở Nhà hát Quân đội . Anh Xuân Cước - chồng chị quê ở Sóc Sơn - Hà Nội . Trước lúc về Văn công Tây Nguyên anh là lính Tiểu đoàn đặc công K37 . Anh có giọng ca rất mượt mà , những làn điệu hát chèo của anh luôn mê hồn các chiến sỹ . Chuyện tình yêu của chị Thanh Lịch và anh Xuân Cước thật đặc biệt , khác hẳn các cặp đôi khác ở Mặt trận Tây Nguyên thời gian đó , anh Xuân Cước lúc đó trẻ lại rất đẹp trai , còn chị Thanh Lịch nhan sắc không được đẹp , lại hơn tuổi anh Xuân Cước . Đã có nhiều dị nghị về cặp đôi này nhưng tình yêu đã vượt lên tất cả . Cuối năm 1973 , đám cưới của anh chị cũng đã được tổ chức rất đông vui tại chiến trường Tây Nguyên . Anh chị có 2 con , một gái , một trai trong đó có một con sinh tại chiến trường . Con gái của chị sau này cũng theo nghiệp của bố mẹ . Cháu hiện công tác ở nhà hát ca múa nhạc Việt Nam , con trai anh chị làm nghề xây dựng . Sau giải phóng anh Cước  được cử đi học ở Học viện chính trị rồi về làm công tác tuyên huấn ở Tổng cục Hậu cần với chức danh Trưởng ban . Mặc dù cuộc sống của anh chị gặp khá nhiều khó khăn do anh bị suy thận nặng phải chạy thận liên tục nhưng Anh chị vẫn rất yêu thương nhau . Giờ đây anh chị đều đã ngoài 70 tuổi rồi , mỗi lần gặp mặt đơn vị tôi vẫn thấy anh chị dắt nhau đến dự và thật cảm động tôi chứng kiến cảnh chị gắp thức ăn cho anh và động viên anh ăn như thưở trẻ ngày nào . Hiện anh chị ở khu văn công Mai Dịch - Hà Nội .


4. Cặp cưới thứ 4 của Văn công xung kích Tây Nguyên đó là cặp chị Tuyết Minh và anh Xuân Thọ . Chị Minh và anh Thọ đều quê ở Hà Tây cũ . Chị Minh trước đây là y sỹ của Viện 211 . Chị vào chiến trường từ năm 1965 . Do có gương mặt xinh xắn và giọng hát hay , năm 1967 chị được điều về Văn nghệ xung kích Tây Nguyên . Ở Văn nghệ xung kích Tây Nguyên chị vừa làm diễn viên hát , múa , vừa làm MC của Đoàn . Cũng như những cô gái khác ở Văn công và Viện 211 , Tuyết Minh và Xuân Thọ cũng bị cấm không được yêu nhau vì theo như Tổ chức các chiến sỹ ngoài Mặt trận đang từng giờ , từng phút chiến đấu hy sinh . Do vậy việc yêu đương lúc này là có tội với các chiến sỹ . Mãi đến tháng 3/1973 , sau khi có đoàn của đồng chí Tố Hữu vào chiến trường Tây Nguyên , anh Thọ và chị Minh mới được tổ chức chấp thuận cho cưới nhau . Tháng 11/1973 , hai anh chị đã tổ chức đám cưới . Về đám cưới của anh với chị Tuyết Minh nhiều lúc anh Thọ vẫn thường đùa vui : Chuyện lạ mà có thật . Đầu năm 1974 , lúc chị có bầu được 4 tháng , chị đã được Mặt trận cho ra Bắc , sau chị về công tác ở Quân y Viện 105 . Anh Thọ , chồng chị trước ở Đoàn Chèo Quảng Ninh , anh vào chiến trường Tây Nguyên năm 1968 . Sau giải phóng anh về công tác ở tỉnh đội Hà Tây và công tác ở đó cho tới lúc nghỉ hưu . Các con của anh chị đều thành đạt nhưng có cháu đầu tiên bị di chứng chất độc da cam , đến nay cháu đã 48 tuổi nhưng nhiều việc mẹ cháu vẫn phải chăm sóc cháu như đứa trẻ lên ba . Tuy vậy vợ chồng anh chị sống với nhau rất hạnh phúc .


5/ Đám cưới đầu tiên ở chiến trường Tây Nguyên được Tổ chức chính thức đồng ý là đám cưới của một cán bộ cấp cao -  Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên - Nguyễn Đức Giá với Y sỹ Nguyễn Thị Liệu . Anh Nguyễn Đức Giá quê ở Thái Bình , lúc đó làm Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên . Sau anh Giá làm Sư trưởng Sư đoàn 10 . Còn chị Nguyễn Thị Liệu quê Nam Hà cũ . Chị vào Tây Nguyên từ năm 1965 , sau đó được đào tạo Y sỹ tại Tây Nguyên rồi về làm Y sỹ ở Cơ quan Mặt trận . Tình yêu của anh chị xuất phát từ “ lửa gần rơm “ . Anh chị tổ chức cưới nhau năm 1973 và sinh được một con tại chiến trường . Ở Tây Nguyên có nhiều giai thoại về cặp đôi này nhưng anh chị sống với nhau hạnh phúc tới cuối đời . Hiện anh Giá và chị Liệu đều đã mất .


6/ Cặp cưới thứ 6 là cặp chị Đồng Thị Hiển và anh Thủy . Chị Đồng Thị Hiển quê ở Bắc Ninh . Học xong lớp Y sỹ chị xung phong đi chiến trường . Chị vào chiến trường Tây Nguyên từ năm 1965 cùng các cán bộ của Quân y Viện 1 . Anh Thủy - chồng chị cũng quê Bắc Ninh . Anh Thủy trước là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 37 đặc công . Một lần bị thương , anh về điều trị tại Viện 1 và tình yêu của anh chị nảy nở từ đó . Theo như thổ lộ của chị Hiển , lúc đầu chị cũng không có ý định yêu anh Thuỷ , chị quan niệm vào chiến trường mà dính chuyện yêu đương là rất phức tạp , cố gắng chịu đựng để toàn tâm toàn ý phục vụ bộ đội , thương binh . Rồi chị bảo : anh này rất lỳ , cứ bám riết , cuối cùng chị cũng “ đổ “ . Năm 1973 , anh chị tổ chức lễ cưới . Năm 1974 , chị sinh đôi được 2 cháu Sơn và Hà . Nuôi 2 cháu sinh đôi đã khó , nuôi ở chiến trường còn vất vả , gian khó gấp bội phần . Thời gian đó vừa công tác , vừa chăm sóc hai con sinh đôi sức khỏe của chị giảm sút nghiêm trọng tưởng không sống nổi , mọi người trong Viện phải dồn lực giúp đỡ chị , người cân đường, người hộp sữa tiêu chuẩn bồi dưỡng đều gom lại giúp chị vượt qua khó khăn . Sau giải phóng chị chuyển về công tác ở Viện Quân y 10 . Anh Thủy chồng chị sau này phát triển trở thành cán bộ cấp Sư đoàn . Tiếc rằng lên cán bộ cấp Sư đoàn được mấy tháng thì anh lâm bệnh nặng , 12 năm liền anh nằm liệt một chỗ , một mình chị vừa công tác vừa chăm sóc chồng , nuôi con , kinh tế lúc đó rất khó khăn nên vô cùng vất vả nhưng chị không hề kêu ca . Chị bảo mình vất vả thật nhưng so với nhiều đồng đội còn nằm lại ở chiến trường thì mình hạnh phúc hơn rất nhiều . Hiện giờ chị sống tại Bắc Ninh . Anh chị có tất cả 2 con . Con trai lớn nối nghiệp cha mẹ vào Quân đội , giờ công tác ở Học viện Hậu cần với quân hàm Đại tá , con thứ 2 công tác tại bệnh viện Bắc Ninh . 


  7/ Cặp cưới thứ 7 là cặp Hạnh - Trưng . Đây là đám cưới gặp rất nhiều trắc trở .  Hạnh và Trưng  cùng vào chiến trường với Viện 211 từ năm 1965 và cùng công tác ở khoa Hoá nghiệm của Viện . Lúc đi chiến trường , chị em phụ nữ của Viện ai cũng nghĩ vào chiến trường một thời gian rồi ra Bắc , không ngờ cuộc chiến làm cho họ ở tới 8 năm . Suốt 8 năm , bất chấp khó khăn , gian khổ , bất chấp đạn bom , tình yêu của Hạnh - Trưng vẫn không hề thay đổi , họ càng yêu thương nhau hơn . Do hoàn cảnh chiến trường ngặt nghèo , Viện lúc đó đang có phong trào 3 khoan : Khoan yêu , khoan cưới và khoan chửa , thành ra cặp đôi Hạnh - Trưng nhiều lần đề nghị vẫn không được tổ chức chấp nhận và còn bị đe kỷ luật , mãi tới khi Hạnh có chửa , tổ chức mới “ đành “  đồng ý .  Mặc dù chấp nhận cho cặp đôi này thành vợ chồng nhưng Chính ủy của Viện lúc đó cho rằng làm như vậy là vô tổ chức , kỷ luật , đặt Tổ chức vào việc đã rồi nên rất khoát không tới dự cưới và yêu cầu Viện trưởng cũng không tới dự . Không những thế Chính ủy Viện  còn dặn chủ nhiệm khoa Hoá nghiệm chủ trì lễ cưới hôm đó : “  không tuyên bố công nhận 2 đồng chí lấy nhau “. Tuy vậy Viện trưởng Lê Cao Đài vẫn tới dự , anh em trong Khoa hóa nghiệm vẫn tổ chức cho họ một đám cưới vui vẻ , đầm ấm , có liên hoan và còn làm cho họ một ngôi nhà riêng . Cặp Hạnh - Trưng cũng có một cháu được sinh ở chiến trường và họ sống với nhau cũng rất hạnh phúc                


  8/ Cặp thứ 8 là cặp của chị  Dung và anh Quyền . Chị Dung quê tại Ninh Bình . Chị vào Tây Nguyên từ 1965 , là nhân viên khoa Hoá nghiệm của Viện 211 . Còn anh Quyền chồng chị cũng quê Ninh Bình . Anh Quyền trước ở đơn vị chiến đấu . Bị thương về điều trị tại Viện 211 , trong thời gian điều trị ở Viện 211 tình yêu của anh chị đã nảy nở . Cũng như các cặp yêu nhau khác , chị Dung và anh Quyền cũng phải giữ bí mật về chuyện yêu nhau. Mãi sau khi đoàn của Phó Thủ tướng Tố Hữu vào Tây Nguyên tháng 3 năm 1973 , tổ chức mới chấp nhận cho anh chị yêu nhau . Cuối năm 1973 , anh chị cưới nhau và có 1 cháu được sinh tại chiến trường . Anh chị sống với nhau cũng rất hạnh phúc . 


   9/ Cặp cưới thứ 9 là cặp Nguyễn Thị Tiện và Nguyễn Đình Cầm . Chị Nguyễn Thị Tiện quê ở Bắc Ninh .Chị là con gái độc nhất trong một gia đình . Cha chị hy sinh trong kháng chiến chống Pháp . Sau khi học xong lớp Y sỹ , chị xung phong đi chiến trường và là Y sỹ của đội điều trị 17 đi phục vụ chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1970 . Năm 1971 , khi Sư đoàn 320 vào Tây Nguyên , đội điều trị 17 của chị cũng đi cùng Sư 320 . Trước lúc đi chiến trường chị đã có người yêu là bác sỹ . Tưởng đi một thời gian rồi về ai ngờ ở miết tới 7 năm . Phận gái ở chiến trường có người yêu thương chẳng lẽ từ chối . Chồng chị anh Nguyễn Đình Cần - quê Nghệ An , công tác ở Cục hậu cần Mặt trận . Anh bị bệnh về điều trị ở Đội điều trị 17 . Tình yêu của anh chị từ đây nảy nở . Năm 1973 anh chị cưới nhau . Cưới nhau được 3 ngày anh trở về đơn vị , năm 1974 , anh được cử ra Bắc học , chị vẫn ở chiến trường . Khi giải phóng đến lượt chị ra Bắc thì anh lại vào Nam , rồi cuộc chiến ở CPC tiếp diễn  , anh tiếp tục cùng Quân đoàn tham gia chiến đấu và hy sinh ở CPC ngày 3/1/1979. Từ đó chị vẫn ở vậy nuôi con . Con trai duy nhất của anh chị sau này cũng noi gương cha mẹ vào Quân đội , giờ là Trung tá , công tác ở Cục khoa học và Công nghệ Bộ Quốc phòng.


  10/ Cặp cưới thứ 10 là cặp của một cán bộ cấp cao , Đại tá Thái Bá Nhiệm và Y sỹ Kinh . Ông Thái Bá Nhiệm quê ở Quảng Bình . Ông vào Tây Nguyên tháng 3/1966 . Lúc cưới y sỹ Kinh ông là Thường vụ Đảng ủy , Chủ nhiệm chính trị Mặt trận Tây Nguyên . Đây là đám cưới của một cán bộ có chức sắc cao nhất ở Tây Nguyên lúc đó và có lẽ là một cán bộ có chức sắc cao nhất của cả nước cưới vợ ở chiến trường . Sau này ông Thái Bá Nhiệm là Uỷ viên Trung ương Đảng - Bí thư tỉnh Quảng Bình . Trước lúc cưới y sỹ Kinh ông đã có 2 đời vợ , nhưng cả 2 đều đã mất . Y sỹ Kinh cũng quê Quảng Bình , cô đi Thanh niên xung phong từ năm 1965 , sau đó được chuyển về Viện 211 , cô được đào tạo y tá rồi y sỹ ở Tây Nguyên . Gần cuối năm 1973 , y sỹ Kinh và ông Thái Bá Nhiệm tổ chức cưới . Năm 1974 , y sỹ Kinh được ra Bắc điều trị bệnh ở Viện Quân y 108 và mất tại đây . Ông Thái Bá Nhiệm và y sỹ Kinh không có con chung với nhau . Ông Thái Bá Nhiệm cũng đã mất năm 2015 .


  11/ Cặp cưới thứ 11 là cặp Lộ - Chúc . Chị  Lộ quê ở Gia Lâm - Hà Nội . Chị là Y tá của Đội điều trị 17 . Năm 1970 , chị cùng đội điều trị 17 đi phục vụ chiến dịch đường 9 - Nam Lào . Cuối năm 1971 , chị và Đội điều trị 17 đi cùng Sư đoàn 320 vào Tây Nguyên . Anh Chúc chồng chị cũng là Y tá của Đội điều trị 17 . Cặp đôi này yêu nhau từ khi còn ở Đội điều trị 17 , rồi cả 2 đều vào chiến trường Tây Nguyên , những năm tháng gian khó ở chiến trường Tây Nguyên càng làm cho tình yêu của họ bền chặt hơn . Năm 1974 , cặp đôi này làm lễ cưới và có một con sinh ra ở Tây Nguyên . Sau giải phóng 2 vợ chồng về quê chồng ở Thái Bình sinh sống và lập công ty kinh doanh buôn bán phụ tùng ô tô rất phát đạt .


  12/ Cặp cưới thứ 12 là cặp Loan - Ban . Nguyễn Thị Loan quê ở Hà Tĩnh , đi Thanh niên xung phong từ năm 1965 . Năm 1966 , cô được chuyển về Viện 211 rồi được đào tạo Y tá rồi Y sỹ . Chồng cô , Y sỹ Ban cũng công tác cùng khoa Mổ với cô . Hai người yêu nhau cũng đã lâu nhưng do trước năm 1973 việc yêu đương chứ chưa nói đến việc cưới được cấm kỵ rất nghiêm ngặt thành ra họ phải giữ kín trong lòng . Mãi sau này vào tháng 3/1973 , khi phái đoàn của đồng chú Tố Hữu vào Tây Nguyên , chị em đề đạt nguyện vọng được yêu nhau , được cưới nhau . Nguyện vọng trên được đồng chí Tố Hữu chấp nhận nên cặp đôi này mới được tổ chức cưới vào năm 1974 .


  13/ Cặp cưới thứ 13 là cặp Xuân - Khâm . Nguyễn Thị Xuân quê ở Hà Tĩnh , đi Thanh niên xung phong năm 1965 , năm 1966 được chuyển về Viện 211 . Cô được đào tạo Y tá rồi Y sỹ ở Tây Nguyên . Anh Khâm - chồng cô cũng quê Hà Tĩnh , là cán bộ Quân lực của Viện 211 , tình yêu của cặp đôi này nảy nở từ tình cảm cùng là đồng hương Hà Tĩnh . Năm 1974 , cặp đôi này tổ chức cưới và có tất cả 4 người con , trong đó có một cháu sinh ở chiến trường . Cặp đôi này sống với nhau rất hạnh phúc và hiện giờ sống tại thành phố Play Cu .


  14/ Cặp cưới thứ 14 là cặp Hiếu - Trường . Y sỹ Hiếu quê ở Hà Tĩnh , đi thanh niên xung phong năm 1965 , năm 1966 được chuyển về Viện 211 . Hiếu là cô gái trẻ , xinh xắn , thường được khen là hoa khôi của Viện 211 . Anh Trường chồng Hiếu quê ở Nam Hà cũ . Anh công tác ở khoa Dược . Anh Trường và chị Hiếu yêu nhau xuất phát từ sự yêu thương nhau của những ngày gian khó. Nhưng cặp đôi này cũng phải ngấm ngầm yêu nhau . Mãi sau này tổ chức đồng ý họ mới thổ lộ tình yêu . Chị Hiếu và anh Trường cưới nhau năm 1974 , có một con sinh tại chiến trường . Cặp đôi này sống với nhau cũng rất hạnh phúc .


  15/ Cặp cưới thứ 15 là cặp Lương Thị Huệ và Nguyễn Minh Tân . Lương Thị Huệ quê ở Hà Tĩnh . Đi thanh niên xung phong năm 1965 , sau đó được chuyển về Viện quân y 211 năm 1966 . Ở Viện 211 , Huệ được tổ chức cho đi học Y sỹ . Nguyễn Minh Tân quê ở Hưng Yên . Vào chiến trường cùng Trung đoàn 28 năm 1968 , chiến đấu bị thương rồi chuyển về công tác ở Cục chính trị Mặt trận Tây Nguyên . Huệ và Tân cưới nhau cuối năm 1973 và có 2 cháu được sinh đôi ở chiến trường . Huệ - Tân có tất cả 3 con , các cháu đều trưởng thành , con lớn sinh ở chiến trường vừa tốt nghiệp Phó Tiến sỹ y khoa tại Nhật Bản . Huệ và Tân cũng sống với nhau rất hạnh phúc. Xin bật mí với bạn đọc , Huệ chính là em dâu của tác giả bài viết này . Chú thím tôi có 2 con , trong đó chỉ có Tân là con trai , khi Tân đi chiến trường cả nhà đều rất lo lắng . Cuối năm 1974 , Tân đưa vợ và 2 con từ chiến trường ra . Chú tôi mừng khôn xiết nói : “ nhà mình thật phúc lớn , đi 1 không mất mà còn về 4 “ . 

 

  Lời tác giả : Không biết có còn sót cặp đôi nào cưới nhau ở Mặt trận Tây Nguyên nữa không nhưng qua 15 cặp đôi yêu nhau rồi cưới nhau ở chiến trường Tây Nguyên trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước mà tôi giới thiệu với bạn đọc ở trên phải công nhận đó là những mối tình thật tuyệt vời những mối tình vượt lên cả bom đạn và cái chết , những mối tình giống như chuyện cổ tích . Trong 15 cặp đôi trên sau này có một số cặp đôi trở về với cuộc sống đời thường họ gặp rất nhiều khó khăn : về kinh tế , rồi bệnh tật do nhiều năm sống gian khó ở chiến trường và di chứng chất độc da cam nhưng không có một cặp đôi nào chia tay nhau họ vẫn sắt son yêu thương nhau cho tới cuối cuộc đời . Tình yêu của họ , sự hy sinh của họ thật đáng trân trọng , thật xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi gương , học tập .

  



Nhận xét