GA TIỀN TRUNG - HẢI DƯƠNG ĐÊM 3/11/1971
Nguyễn Đình Thi
( Thân tặng các đồng đội Trung đoàn 24 thân yêu đã cùng tôi lên đường ra Mặt trận đêm 3/11/1971 tại Ga Tiền Trung - Hải Dương )
Đã 50 năm trôi qua, nhưng lần nào có dịp đi Hải Phòng, qua cái ga Tiền Trung nhỏ bé, nằm phía dưới Cầu Phú Lương ( Hải Dương ) chừng gần 3 km, cạnh quốc lộ 5 là tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động. Nơi đây đêm 03/11/1971, cả Trung đoàn 24 chúng tôi do Trung đoàn trưởng Hoàng Minh và chính ủy Nguyễn Quang Thoan chỉ huy đã lên tàu hành quân ra mặt trận. Đêm ấy một đêm giữa đông, trời rất lạnh. Tầm gần 12 giờ đêm , đội hình Trung đoàn đã có mặt đầy đủ sau gần 2 ngày hành quân từ điểm xuất quân Tràng An - Đông Triều - Quảng Ninh. Đã khuya rồi mà khi đến ga Tiền Trung tôi hoàn toàn bất ngờ thấy rất nhiều người nhà ra tiễn đưa . Ngày ấy thông tin cho nhau còn khó khăn lắm, không thuận tiện như bây giờ, thế mà không hiểu bằng cách nào có rất nhiều bố, mẹ, anh, chị, em, người yêu của người lính Trung đoàn 24 đã có mặt tại đây , có những gia đình ở mãi Quảng Ninh , Thái Bình , Hải Phòng . Nhìn cảnh các gia đình có người thân ra tiễn , tự nhiên tôi thấy thèm được gặp những người thân trong gia đình mình . Tôi trách mình sao không biết để báo cho người nhà mình đến gặp . Chiến tranh ai mà biết trước được điều gì ! Không biết bố, mẹ, các anh và em gái tôi ở nhà có biết đêm nay tôi ra mặt trận không ? Dưới ánh trăng mờ mờ về khuya và những ngọn đèn điện cũng sáng mờ mờ của một cái Ga đường sắt nhỏ thời chiến , từng đại đội tập trung quán triệt và phổ biến nhiệm vụ hành quân. Thế là đêm nay chúng tôi chính thức xa những người thân yêu, xa quê hương Miền Bắc lên đường ra mặt trận . Hai chữ Hoà Bình lúc này mới thấy thấm thía làm sao !
Trong cái ồn ào của đêm ra trận nhưng ẩn sâu trong những khuôn mặt của người đưa tiễn và cả của người lính, tôi nhận thấy những nét buồn thật khó tả. Có lẽ chẳng có giấy bút nào tả hết được cuộc chia ly của những người lính và người thân của họ trong những giây phút sinh ly, tử biệt này. 1957 người lính ra trận đêm nay sẽ có bao nhiêu người trở về ? Những người lính như anh em chúng tôi đều xác định ra đi vì Tổ Quốc, dù có hy sinh. Nhưng những bà mẹ kia, những người vợ, những người yêu của người lính kia họ sẽ ra sao khi con họ, chồng họ, người yêu họ mãi mãi không trở về ? Nhìn những người ra đưa tiễn tự nhiên thấy lòng buồn se sắt , thương quá đi thôi . Giá mà có một phép nhiệm màu nào để không có cảnh chia ly như đêm nay nhỉ ? Cũng may đêm đó tàu về muộn nên cuộc gặp giữa những người lính Trung đoàn và người thân kéo dài hơn cũng an ủi được phần nào người ra đi và người ở lại . Tầm 1 giờ 30 phút chúng tôi lên tàu. Đây là những giờ phút xúc động nhất. Trên các cửa sổ của đoàn tàu hàng ngàn những cánh tay của lính và của những người thân nắm chặt tay nhau như không muốn dời, tiếng dặn dò, tiếng nói chào nhau âm vang suốt cả đoàn tàu. Và tôi đã thấy những giọt nước mắt của những bà mẹ, của những người vợ, người yêu lính . 2 giờ sáng, tiếng còi tàu xé màn đêm, báo hiệu tàu chuẩn bị chuyển bánh, tiếng khóc bắt đầu to hơn, nhiều hơn và khi tiếng uỳnh uỵch ... Uỳnh uỵch của đoàn tàu chuyển bánh thì không còn là tiếng khóc như lúc trước, một số người vợ , người yêu của lính đã khóc thét lên chạy theo đoàn tàu :
- Anh ơi ... Ới anh ơi ... bao giờ anh về với em ! Con ơi ! Con ơi ...., tiếng khóc chìm trong màn đêm lạnh giá và tiếng đoàn tàu lao vun vút nghe thật nghẹn lòng .Tôi nhớ mãi chị vợ của đồng chí Phượng - Y sỹ Tiểu đoàn 3 , chị khóc chạy theo con tàu, ngã dúi, ngã dụi. Hình ảnh của chị cứ day dứt mãi trong tôi suốt những năm tháng ở chiến trường. Lúc đó tôi cầu mong anh sẽ trở về với chị. Thật may mắn, ngày chiến thắng anh đã trở về. Đoàn tàu xé màn đêm lao đi, nhìn qua cửa sổ, sương đêm mùa đông giăng trắng xoá cả cánh đồng , cả làng quê . Gió bấc thổi hun hút, lạnh thấu da, thấu thịt . Nhìn bóng những người ra đưa tiễn xa dần , nhìn làng quê miền Bắc thân thương đang lùi lại phía sau nước mắt tôi cứ thế nhạt nhoà . Thương những người ở lại quá thôi ! Không biết những bóng hình thân yêu kia những người lính chúng tôi ra đi đêm nay có ai còn được gặp lại họ nữa hay không ? Cảm xúc buồn , thương cứ ào đến trong tôi . Tôi ngồi lặng im không nói nhìn qua cửa sổ cố gắng ghi lại trong đầu hình ảnh làng quê miền Bắc thân thương và cố gạt đi những cảm xúc buồn nhưng những suy nghĩ miên man về cuộc chia tay ở sân Ga vẫn cứ hiện lên , nước mắt tôi lại chảy .
Bài hát : Giải Phóng Miền Nam , chúng ta cùng quyết tiến bước ... vang lên từ loa phóng thanh của đoàn tàu, giai điệu hào hùng của bài hát làm mọi người dịu đi phần nào cuộc chia ly nghẹn ngào vừa diễn ra. Tất cả chúng tôi cùng hát theo sôi nổi, hào hùng. Kỷ niệm ngày lên tàu ra mặt trận của những người lính Trung Đoàn 24 chúng tôi 49 năm trước là vậy. Trong số 1957 người ra đi đêm hôm đó, sau ngày giải phóng đã có gần 600 người không trở về , không kể gần 1000 người mang thương tích suốt đời do chiến tranh gây ra . Tính ra cứ 3 người ra đi đêm hôm đó có 1 người không trở về. Cái giá phải trả cho Độc lập - Tự do của Đất nước mà người lính Trung đoàn 24 và gia đình họ phải trả không hề nhỏ. Chúng tôi đồng đội của các anh , những người may mắn sống sót qua cuộc chiến mãi mãi biết ơn các anh, mãi mãi không bao giờ quên các anh . Các anh đã không tiếc máu xương để cho đất nước yên bình hôm nay. Chúng tôi tự hào về các anh những người Lính TRUNG ĐOÀN 24 ANH HÙNG .
Nhận xét
Đăng nhận xét