QUÂN ĐOÀN 3 TRONG CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC 

                                 Nguyễn Đình Thi 


    Ngày 19 tháng 2 năm 1979 , trong lúc toàn Quân đoàn đang tiếp tục truy quyét tàn quân Pôn Pốt ở Bát Tam Bang , Xiêm Riệp , Pua Sát , Svay Riêng thì cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc nước ta đã nổ ra . Do cuộc chiến ở CPC lúc này đang ở thời điểm rất quan trọng nên Quân đoàn không trở ra miền Bắc tham chiến đánh quân xâm lược Trung Quốc  nhưng đã cử 350 cán bộ từ cấp Tiểu đội đến cấp Tiểu đoàn, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu gấp rút lên máy bay từ sân bay Xiêm Riệp ra bổ xung cho Quân khu 1 . Lúc này tuy vẫn đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở CPC nhưng tình cảm của tất cả cán bộ , chiến sỹ toàn Quân đoàn đều hướng về biên giới phía Bắc và mong muốn được nhanh chóng trở ra Miền Bắc đánh quân xâm lược . Tháng 7 năm 1979 , sau khi hoàn thành nhiệm vụ truy quét bọn tàn quân địch ở biên giới phía Tây CPC  , Quân đoàn trở ra miền Bắc thì cuộc chiến ở biên giới phía Bắc đã kết thúc .

  Tháng 4/1984 , tình hình biên giới phía Bắc nước ta lại tiếp tục căng thẳng, quân Trung Quốc liên tiếp mở các đợt tấn công vào các tỉnh nước ta ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên , Hoàng Liên  Sơn, đặc biệt là ở Vị Xuyên - Hà Tuyên , địch đã sử dụng tới 4 Sư đoàn bộ binh , 2 Sư đoàn pháo binh và một số Trung đoàn xe tăng liên tục tấn công vào các khu vực điểm cao từ bình độ 1800 tới bình độ 1200 , chúng đã chiếm được một số điểm cao có lợi như điểm cao 226 , 685 , ấp Na La . Để hỗ trợ cho các lực lượng của ta ở Vị Xuyên , giữ vững biên cương của Tổ Quốc, cuối tháng 2 năm 1985 , Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam đã ra lệnh điều động một số đơn vị bộ binh và pháo binh của Quân đoàn 3 tăng cường cho Quân Khu 2 . Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của của Tổng tham mưu trưởng , cuối tháng 2 năm 1985 , Tư lệnh Quân đoàn Khuất Duy Tiến đã ra quyết định điều Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn bộ binh 977 và Tiểu đoàn 11 pháo binh của Trung đoàn 4 - Sư đoàn 31 lên tăng cường cho Quân Khu 2 . Đây là hai đơn vị đầu tiên của Quân đoàn tham chiến tại biên giới phía Bắc . Trong quá trình tham chiến tại Vị Xuyên hai đơn vị trên đã góp phần cùng các đơn vị của Quân khu 2 đánh bại nhiều lần lấn chiếm của quân Trung Quốc . 

   Tháng 9 năm 1985 , cuộc chiến biên giới tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang càng trở nên khốc liệt , quân Trung Quốc liên tục mở các đợt tấn công vào các khu vực của ta ở Vị Xuyên , có ngày chúng bắn tới hàng vạn quả đạn pháo sang đất của ta , đồng thời liên tiếp tổ chức đưa quân đánh chiếm các điểm cao ở Đồi Đài , đồi C6 , Đồi A5 , bình độ 400 , 1100 , 1150 , khu H , 4 hầm . . . Trước tình hình trên, Bộ Quốc Phòng quyết định giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 3 chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đưa Sư đoàn 31 lên tăng cường cho Quân khu 2 chiến đấu . Việc Bộ Quốc phòng quyết định điều động một Sư đoàn của Quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược của Bộ lên tham chiến tại biên giới phía Bắc đã cho thấy cuộc chiến lúc này đã trở lên khá căng thẳng . Có thể nói sau 6 năm xây dựng đơn vị trong thời bình , đây là lần đầu tiên Quân đoàn chính thức đưa một Sư đoàn bộ binh vào tham chiến ở biên giới phía Bắc . Tuy là đơn vị Anh hùng trong chiến đấu nhưng lúc này Sư đoàn 31 cũng gặp không ít khó khăn đó là do huấn luyện, xây dựng trong hoàn cảnh thời bình nên tổ chức biên chế của Sư đoàn đều rút gọn ở cả 3 Trung đoàn bộ binh , ở cả 3 Trung đoàn 866 , 922 và 977 quân số đều thiếu nhiều so với quy định. Trung đoàn 866 là Trung đoàn sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn nhưng cũng chỉ bảo đảm được 60% quân số, Trung đoàn 977 , huấn luyện chiến sỹ mới chỉ đủ nhân cốt, Trung đoàn 922 rút gọn thành khung huấn luyện quân dự bị , Trung đoàn pháo binh 4 đã tăng cường một Tiểu đoàn cho Quân khu 2 . Để thực hiện tốt nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao cho , Chỉ huy  Quân đoàn cùng các Cơ quan của Quân đoàn đã trực tiếp xuống Sư đoàn 31 nắm tình hình, kiểm tra cụ thể công tác chuẩn bị và đã kịp thời bổ xung đầy đủ những gì Sư đoàn 31 còn thiếu . Ngày 7 tháng 11 năm 1985 , Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - Lê Trọng Tấn chính thức ra mệnh lệnh số 30/ML/TM “ Điều Sư đoàn bộ binh 31 , ( thiếu Trung đoàn bộ binh 922 và Tiểu đoàn cao xạ 16 ) thuộc Quân đoàn 3 , phối thuộc với Quân khu 2 làm nhiệm vụ tác chiến ở hướng Vị Xuyên - Hà Tuyên , thay cho Sư đoàn bộ binh 313 và Sư đoàn bộ binh 356 của Quân khu 2 “ . Mệnh lệnh cũng quy định rõ thời gian hoàn thành thay của Sư đoàn bộ và Trung đoàn 866 là ngày 1 tháng 12 năm 1985 , của Trung đoàn 977 là ngày 1 tháng 1 năm 1986 . 

  Để giữ bí mật trong thời gian chiến đấu ở Vị Xuyên , các đơn vị trong Sư đoàn đều thay đổi phiên hiệu, Sư đoàn 31 đồi thành Sư đoàn bộ binh 411 , Trung đoàn 977 đồi thành Trung đoàn 981 , Trung đoàn 866 đổi thành Trung đoàn 982 , Trung đoàn 4 pháo binh đổi thành Trung đoàn 620 . 

  Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Tổng tham mưu trưởng, ngày 14 tháng 11 năm 1985 , đoàn đi tiền trạm của Sư đoàn để đưa toàn bộ Sư đoàn lên Vị Xuyên - Hà Giang do Trung tá Nguyễn Quang Vinh - Phó Sư đoàn trưởng- Tham mưu trưởng đã lên đường , tiếp đến từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 11 khối hành quân đầu tiên sử dụng 146 xe ô tô chở Sư đoàn bộ , Trung đoàn 866 và các đơn vị trực thuộc cũng bắt đầu cơ động lên Vị Xuyên . Do thời tiết bất thường đúng những ngày Sư đoàn cơ động lên Vị Xuyên lại gặp mưa rất to làm trôi cầu Nông Tiến và phà Bình Ca , Sư đoàn xin phép Quân đoàn thay đổi lộ trình hành quân , đi theo trục đường 3 về Phù Lỗ rồi theo Quốc lộ 2 đi Hà Giang . Mặc dù phải đi xa thêm 400 km nhưng khối Sư đoàn bộ và Trung đoàn 866 cũng đã đến Vị Xuyên an toàn, bí mật. Tiếp đến từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 12 năm 1985 , khối thứ hai gồm toàn bộ Trung đoàn bộ binh 977 do Thiếu tá Nguyễn Khang Đàm - Trung đoàn trưởng Trung đoàn chỉ huy , đi trên 61 xe ô tô cũng vào vị trí tập kết ở Vị Xuyên đúng thời gian quy định . Từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 3 tháng 12 , Trung đoàn 4 pháo binh đã hoàn thành việc vào thay cho Trung đoàn pháo binh 457 , Trung đoàn bộ binh 866 cũng hoàn thành việc vào thay cho 3 Trung đoàn bộ binh 982 , 881  và 754 của Quân khu 2 . Tiếp đó từ ngày 20 tháng 12 năm 1985 đến ngày 10 tháng 1 năm 1986 , Trung đoàn 977 cũng đã hoàn thành việc vào thay cho Trung đoàn bộ binh 981 , Sư đoàn 356 . Do có kế hoạch rất cụ thể, sâu sát tới từng người, từng phân đội, từng căn hầm, từng loại vũ khí nên mặc dù vào thay chốt ban đêm có nhiều vị trí rất gần địch như Đồi Đài , Cô Ích , khu A6 , đồi Cót ép , đồi 21 , khu H , khu 4 hầm , khu bình độ 1000 nhưng việc vào thay đều đảm bảo an toàn tốt . 

    Trong thời gian làm nhiệm vụ chiến đấu ở Vị Xuyên , Sư đoàn 31 còn được bổ xung thêm Trung đoàn bộ binh 754 và Trung đoàn pháo binh 150 của Quân khu 2 và Tiểu đoàn bộ binh 6 - Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 . Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 cũng quyết định cử Đại tá Đinh Xuân La- Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn lên trực tiếp chỉ đạo, giúp đỡ Sư đoàn 31 .


Theo nhiệm vụ được Quân khu 2 giao , Sư đoàn 31 có trách nhiệm chốt giữ địa bàn khu vực thuộc huyện Vị Xuyên , chủ yếu ở địa bàn hai xã Thanh Thuỷ và Minh Đức . Đây là khu vực trong suốt những ngày qua chiến sự giữa ta và địch diễn ra rất khốc liệt . Chính diện tuyến phòng ngự của Sư đoàn dài 7 km , chạy suốt từ bờ sông Lô đến điểm cao 1509 và có chiều sâu 6 km từ tiền duyên trận địa cơ bản tới làng Pinh , Cóc Nghè . Địa hình tuyến phòng ngự có nhiều núi đá , dốc đứng lại bị chia cắt bởi con sông Lô và suối Thành Thuỷ nên việc cơ động lực lượng gặp nhiều khó khăn . Lực lượng địch trên hướng phòng thủ của Sư đoàn 31 là Quân đoàn 67 của Quân khu Tế Nam , sau này là Quân đoàn 47 thuộc Quân khu Lan Châu . So sánh tương quan về lực lượng và hỏa lực thì Sư đoàn 31 đều bất lợi . 

 Vừa vào thay chốt , thậm chí ở một số điểm chốt bàn giao chưa xong thì ngày 2 tháng 12 năm 1985 , địch đã tổ chức tấn công vào toàn bộ tuyến phòng ngự của Sư đoàn 31 , bộ đội của Sư đoàn 31 đánh trả quyết liệt nhưng do lực lượng của địch đông , hỏa lực của chúng nhiều nên chúng đã chiếm được một số điểm cao quan trọng ở tiền duyên như điểm cao H3 . Từ ngày 3 đến ngày 10 tháng 12 năm 1985 , Sư đoàn 31 đã 3 lần tổ chức đánh chiếm lại điểm cao H3 nhưng đều không thành .


   Xác định nhiệm vụ giữ vững toàn bộ tuyến phòng ngự mà cấp trên giao cho , ngay sau khi đến Vị Xuyên , Sư trưởng Sư đoàn 31 - Trần Tất Thanh đã ra “ Mệnh lệnh chiến đấu phòng ngự “ chỉ đạo cho tất cả các đơn vị vừa sẵn sàng chiến đấu vừa tập trung vào củng cố lại toàn bộ các công sự , hầm hào đã có , xây dựng thêm các một số công sự , hầm hào mới , làm hệ thống đường chui giữa các công sự , hầm hào, làm cầu thang sắt , cải tạo các hang núi , hốc đá ở  Hang Dơi , Hang Mán , Làng Lò thành các nhà kho , hầm trú ẩn , nơi chứa các thương binh , gia cố các hầm bằng bê tông kiên cố ở các điểm cao gần địch để các hầm này chịu được đạn pháo 130 đến 160 ly , kè hàng trăm khối đá trước các cửa hang để hạn chế sát thương . Chỉ trong một thời gian ngắn toàn Sư đoàn đã củng cố được 1358 hầm hố , trong đó có 404 hầm bê tông, 428 hầm gỗ đất , 101 hầm 3c22, đào mới được 10834 m giao thông hào . Về phương thức tác chiến , để đánh bại các thủ đoạn tấn công của địch, Sư đoàn 31 đã lập ra mạng đài quan sát ở các cấp nhằm phát hiện địch từ xa , dùng hỏa lực sát thương phá thế tiến công của chúng. Khi địch áp sát khu vực phòng ngự thì tập trung pháo cối và các loại hỏa lực tiêu diệt chúng trước tiền duyên , khi chúng đột nhập công sự thì kiên quyết đánh chặn , khi có thời cơ thì tổ chức tấn công vào những mục tiêu nhỏ để cải thiện thế trận. Các trận địa pháo binh của Trung đoàn 4 và Trung đoàn 150 cũng như hỏa tiễn , pháo cối các loại được bố trí thành nhiều tầng để chi viện tới tất cả các điểm chốt . Thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo tác chiến phòng ngự là “ tích cực , chủ động , đánh tiêu hao , tiêu diệt nhỏ bằng các loại vũ khí , bằng các lực lượng, biện pháp “ . 


    Hơn 7 tháng làm nhiệm vụ giữ chốt ( từ cuối tháng 11 năm 1985 đến 30 tháng 6 năm 1986 ), tuy không xảy ra các trận đánh lớn nhưng hầu như không ngày nào  không xảy ra các trận đánh nhỏ giữa ta và địch . Đặc biệt ở đây địch tập trung hoà lực pháo binh rất nhiều . Nhiều điểm chốt của ta ở các khu vực như điểm cao 6A , 6B , Đồi Đài , Cây Chuối , Khu 4 hầm có ngày hứng tới cả ngàn quả đạn pháo các loại của địch nhưng nhờ có nhiều biện pháp thiết thực như trên cộng với tinh thần chiến đấu kiên cường của bộ đội nên mặc dù trong suốt 7 tháng trời làm nhiệm vụ giữ chốt địch vẫn không chiếm thêm được một mục tiêu nào của ta , không những thế nhiều đợt tấn công của địch vào các chốt của ta đều bị các chiến sỹ Sư đoàn 31 đánh thiệt hại nặng , buộc chúng phải rút về . Nổi bật là trận đánh ngày 16 tháng 1 năm 1986 , ta nắm được tin địch sẽ tấn công vào chập tối , tiếp đó đài quan sát của ta cũng phát hiện được sự tập trung quân của địch , ngay tối hôm đó Sư đoàn quyết định dùng hỏa lực đánh tập kích vào khu vực địch đang tập trung quân , gây thiệt hại lớn cho địch làm cho chúng buộc phải bỏ kế hoạch tấn công vào chốt của ta . Hay trận đánh ngày 28 tháng 1 năm 1986 , địch tập trung hỏa lực bắn phá suốt 1 giờ đồng hồ vào các điểm chốt của ta ở đồi Cót Ép , đồi Đài , điểm A6 , A21 , âm mưu của chúng là dùng hỏa lực phá nát trận địa phòng ngự của ta , sau đó dùng bộ binh tấn công suốt từ 7 giờ 30 đến 11 giờ . Do Sư đoàn đã chuẩn bị kỹ tọa độ nên khi bộ binh địch tấn công, Sư đoàn sử dụng pháo binh và các loại hỏa lực bắn phá dữ dội vào khu vực tiền duyên , bị thiệt hại nặng buộc chúng phải rút lui về phía sau . Cuối tháng 6 năm 1986 , Sư đoàn được lệnh bàn giao lại tuyến phòng ngự cho Sư đoàn 313 - Quân khu 2 , rút về đội hình của Quân đoàn ở Thái Nguyên . 

   Kết quả sau 7 tháng làm nhiệm vụ phòng ngự giữ chốt tại Vị Xuyên , Sư đoàn 31 đã cùng các đơn vị được tăng cường đánh thiệt hại nặng 1 Trung đoàn , 3 Tiểu đoàn , 4 đại đội địch . Loại khỏi vòng chiến đấu 851 tên địch , phá hủy 14 khẩu pháo lớn, 6 khẩu cối 100 ly , 4 trận địa cối 82 ly , 5 pháo phòng không 37 ly , 8 ĐKZ , 6 súng đại liên, 6 khẩu 12,7 ly , bắn cháy 8 xe quân sự , phá hủy 30 hầm đạn , trong đó có một kho đạn lớn ở Paliho nổ suốt 25 giờ liên tục . 


   Để góp phần vào chiến công trên , công tác đảm bảo Hậu cần của Quân đoàn và của Sư đoàn 31 đã có rất nhiều cố gắng . Mặc dù chiến đấu ở một khu vực địa hình rừng núi, mà chủ yếu là núi đá, địch lại suốt ngày đêm dùng pháo binh bắn ngăn chặn . Cục hậu cần Quân đoàn cùng Phòng Hậu cần Sư đoàn 31 đã luôn tìm mọi biện pháp để đảm bảo cho bộ đội có đầy đủ lương thực, thực phẩm, súng đạn , thuốc men để chiến đấu . Cục Hậu cần Quân đoàn đã cử Trung tá Trần Công Bình - Phó Cục trưởng trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo Phòng Hậu cần Sư đoàn 31 , đồng thời tổ chức một cơ sở hậu cần ở phía sau khu vực phòng ngự đảm bảo cung cấp kịp thời vũ khí , súng đạn , xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội . Hậu cần Quân đoàn đã cử một đội phẫu gồm những bác sỹ giỏi của Viện 211 để tăng cường cho Sư đoàn 31 . Ở phía Sư đoàn 31 , Hậu cần Sư đoàn và các Trung đoàn cũng được tổ chức thành 2 bộ phận, phía trước và phía sau. Mặc dù những năm đó Đất nước còn rất nhiều khó khăn , thiếu thốn nhưng nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ những người làm công tác hậu cần của Quân đoàn, Sư đoàn và Trung đoàn nên việc cung cấp lương thực , thực phẩm, xăng dầu , súng đạn , thuốc men cho bộ đội ở từng điểm chốt vẫn được đảm bảo . Nhiều sáng kiến đảm bảo cho bộ đội ăn ở , sinh hoạt ở các điểm chốt trên núi cao , các hang , hốc đá được áp dụng có kết quả tốt như trang bị bếp dầu cho các chốt gần địch , một số chốt nấu ăn ở phía sau rồi đóng trong các túi ni lông vận chuyển lên trận địa, nước uống đóng dự trữ trong các bi đông để sử dụng từ 3 đến 7 ngày , do trên chốt không có nước để tắm, bộ độ được tắm theo cách dùng 3 khăn mặt để lau . Sư đoàn 31 còn tổ chức lắp đặt một hệ thống bơm nước từ Hang Dơi lên tận Pháp 2 dài 1400 m và xây một bể chứa nước lớn bằng đá ở Bắc Thanh Thủy để cung cấp nước cho các điểm chốt . Với nhiều biện pháp sáng tạo như trên đã giảm được nhân lực phục vụ và thương vong , vừa chủ động trong sinh hoạt . Việc chăm lo sức khỏe cho bộ đội cũng được Sư đoàn 31 hết sức chú trọng, bộ đội ở trên chốt đều có sạp để nằm, lực lượng ở phía sau đều có lán trại, tất cả đều được cấp phát quân trang chống rét , công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh được coi trọng, các bệnh sốt rét, lỏng lỵ , hắc lào , ghẻ lở được chủ động phòng ngừa . Mặc dù chiến đấu ở một vùng đất khô cằn , nhiều núi đá rất hiếm rau xanh , Sư đoàn 31 đã phát động phong trào trồng rau xanh nhưng tất cả các đơn vị ở phía sau trong Sư đoàn 31 đều rất tích cực trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn , ngoài ra các đơn vị còn chủ động chế biến thực phẩm như làm đậu , làm giá đỗ , làm dưa muối , vừng , lạc đưa lên chốt . Với những nỗ lực liên tục, trong quá trình làm nhiệm vụ chốt giữ ở Vị Xuyên , các đơn vị trong Sư đoàn 31 đã trồng được 19 200 kg rau xanh, chế biến được 5 470 kg đậu phụ, 810 kg giá đỗ , 2 640 kg dưa muối. Cùng với công tác đảm bảo hậu cần , công tác đảm bảo kỹ thuật của Sư đoàn 31 cũng thu được nhiều kết quả . Sư đoàn đã tiếp nhận được 1 729 tấn vũ khí, súng đạn, làm được 205 hầm đạn , xây dựng được 80 gian nhà xe . Công tác Đảng , công tác chính trị được Quân đoàn và Sư đoàn 31 luôn chú trọng, quan tâm. Đặc biệt là việc xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, tình đoàn kết yêu thương , đồng cam cộng khổ giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Trong 7 tháng chiến đấu ở biên giới Vị Xuyên , nhiều phong trào thi đua đột kích đã được Sư đoàn 31 phát động như phong trào “ Xây dựng công trình M2 “ , “ Mừng Đảng , mừng Xuân “ , phong trào “ Tuổi trẻ với 55 ngày truyền thống “ , “ phong trào bắn tỉa “ , “ phong trào nuôi quân phòng bệnh “ , các phong trào thi đua trên đã tạo được không khí thi đua sôi nổi ở tất cả các đơn vị trong Sư đoàn, tạo nên sức mạnh to lớn , làm chuyển biến tình hình đơn vị , góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Nhiều tấm gương chiến đấu tiêu biểu trong Sư đoàn đã xuất hiện như Đại đội 9 , Đại đội 10 , Đại đội 11 / Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 866 , Tiểu đoàn 9 - Trung đoàn 977 , Tiểu đoàn 18 công binh , Đại uý Tô Đình Ngữ - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 866 , đồng chí Quỳnh - Đại đội trưởng Đại đội 10 , đồng chí Bình - Đại đội 9 , đồng chí Nuôi - Đại đội 11 , 17 đồng chí  bị thương của Trung đoàn 866 trong trận đánh ngày 28/1/1986 . Sau 7 tháng chiến đấu ở biên giới phía Bắc, Sư đoàn đã có 88 tập thể và cá nhân được tặng Huân chương chiến công , 252 đồng chí được tặng Bằng khen, 1272 đồng chí được tặng giấy khen . Sư đoàn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân công hạng 2 , Trung đoàn 866 cùng 86 tập thể , cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng Ba . Ngoài ra Sư đoàn 31 còn được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tặng cờ “ Đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ “ 

  Để có được chiến công trên đã có 116 cán bộ, chiến sỹ của Quân đoàn đã ngã xuống trên mảnh đất biên giới Vị Xuyên cùng với hàng ngàn thương binh . 

Dù thời gian tham chiến ở biên giới phía Bắc của Quân đoàn 3 không dài và không đầy đủ nhưng đây là những bài học kinh nghiệm rất quý báu để xây dựng Quân đoàn trở thành một Quân đoàn hùng mạnh, thiện chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam .

Nhận xét