SƯ ĐOÀN 10 TRONG CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG CĂM PHU CHIA THÁNG 1/1979
Nguyễn Đình Thi - Sư đoàn 10
ĐẬP TAN TUYẾN PHÒNG THỦ MẶT TRẬN ĐƯỜNG 7
Vào tháng 11 và tháng 12/1978 , tình hình biên giới của ta ở hướng Tây Nam tiếp giáp với Căm Phu Chia càng trở nên nghiêm trọng , quân Pôn Pốt càng ngày càng hung hăng gây hấn với ta trên toàn tuyến biên giới , chúng đã huy động tới 19 trên tổng số 23 Sư đoàn ra biên giới Việt Nam - Cam Phu Chia . Ngày 13/12/1977 , chúng cho 2 Sư đoàn đánh vào huyện Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp , 2 Sư đoàn đánh vào Bảy Núi - An Giang , 1 Sư đoàn đánh vào Trà Phô , Trà Tiến - Kiên Giang . Trên hướng biên giới Tây Ninh , chúng đưa 3 Sư đoàn 340 , 221 , 703 tấn công vào hướng Bến Sỏi với ý định đánh chiếm thị xã Tây Ninh của ta trong tháng 12/1978 . Nhằm đập tan âm mưu của địch , Bộ Tổng tư lệnh của ta quyết định cùng lực lượng vũ trang của bạn mở chiến dịch giải phóng CPC khỏi ách chế độ Pôn Pốt . Quân đoàn 3 được Tiền phương Bộ Quốc Phòng giao nhiệm vụ : " Tấn công tiêu diệt và làm tan dã toàn bộ 5 Sư đoàn địch ở Nam , Bắc đường 7 , ... Mở rộng căn cứ cho lực lượng cách mạng Căm Phu Chia ... Nhanh chóng ổn định nhân dân , phát triển lực lượng cách mạng , giành thắng lợi trọn vẹn về cả quân sự và chính trị " .
Thực hiện nhiệm vụ của Tiền phương Bộ Quốc phòng giao , Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ra " Mệnh lệnh tiến công A88 " . Trong chiến dịch này Sư đoàn 320 có nhiệm vụ tấn công quân địch ở thị trấn Suông , Chúp . Sư đoàn 31 đánh từ bình độ 50 xuống phía Nam đường 7 . Sư đoàn 302 của Quân khu 7 bổ xung cho Quân đoàn có nhiệm vụ đánh địch từ tuyến biên giới Lò Gò , Xa Mát lên phía Nam đường 7 phối hợp với cánh quân của Sư đoàn 10 .
Sư đoàn 10 được Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ : đánh vào giữa phòng tuyến của địch trên trục đường 7 , tiêu diệt lực lượng địch ở khu vực phía Đông Bắc đường 7 , sau đó thọc sâu , bao vây tiêu diệt Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận đường 7 và các mục tiêu Krếc , Mô Lu , Tà Hiêu , Xtoeng , đồng thời tổ chức một mũi luồn sâu vào hậu phương địch , cắt đường 7 tại Chrưm , chặn địch từ phía trong ra và diệt địch từ phía ngoài chạy về . Phạm vi khu vực tác chiến của Sư đoàn có chiều dài 80 km và chiều sâu từ 35 đến 40 km . Sư đoàn được tăng cường 4 đại đội xe tăng , xe thiết giáp ( 37 chiếc ) , một đại đội pháo binh , một tiểu đoàn công binh công trình , một tiểu đoàn và hai đội công tác của bạn ( CPC ) , quá trình chiến đấu được không quân chi viện .
Hướng tấn công của Sư đoàn 10 là hướng địch phòng thủ mạnh nhất trên toàn tuyến biên giới Tây Ninh - Căm Phu Chia . Ở hướng tấn công của Sư đoàn lúc này địch có hai Sư đoàn , đó là Sư đoàn : 310 và 450 cùng Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận đường 7 . Đây là những Sư đoàn sừng sỏ nhất của quân đội Pôn Pốt đã giao chiến với Sư đoàn 10 trong suốt hai năm 1977 và 1978 . Phát hiện ta có khả năng tấn công trên tuyến đường 7 , địch tổ chức bố phòng khá vững chắc , lập thành hai tuyến phòng thủ , tuyến thứ nhất chạy dọc theo đường 7 suốt từ Phsâm , Chư Piêng , Krếch , Mô Lu , XTưng tới Suông , Chúp . Tuyến thứ hai chặn ngang đường 7 kéo dài từ Tà Nột , Tà Âm qua Krếch tới Chông Chếch , Đầm Be . Ở giữa hai tuyến chúng rải rất nhiều mìn các loại .
Thực hiện nhiệm vụ của Quân đoàn giao cho ngay trong tháng 12/1978 , Sư đoàn đã khẩn trương tiến hành trinh sát nắm địch và lập kế hoạch tác chiến . Các công tác đảm bảo vũ khí , súng đạn , xăng dầu , lương thực , thực phẩm cũng được tiến hành rất khẩn trương . Do lần này thực hiện nhiệm vụ trên đất nước bạn nên Sư đoàn đã giành nhiều thời gian để quán triệt cho toàn thể cán bộ chiến sỹ thấy trách nhiệm vẻ vang trong chiến dịch đặc biệt này , giúp bạn cũng chính là giúp mình , đồng thời đề ra những quy định rất chặt chẽ cho cán bộ , chiến sỹ khi làm nhiệm vụ trên đất nước bạn như không được sử dụng bất kỳ thứ gì ngoài hai thứ là củi khô và nước lã . Có thể nói vào những ngày cuối của năm 1978 không khí chuẩn bị ra trận của Sư đoàn nhộn nhịp , náo nức chẳng khác gì khí thế ra trận chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 .
Sau khi nghiên cứu kỹ cách bố phòng của địch . Kế hoạch tác chiến của Sư đoàn như sau :
- Sử dụng Trung đoàn 66 cùng xe tăng , xe bọc thép tấn công trên hướng chủ yếu của Sư đoàn , đánh theo trục đường 7 .
- Trung đoàn 28 đảm nhiệm mũi phối hợp , có nhiệm vụ bí mật luồn rừng , ém sẵn lực lượng ở phía Đông và Đông Bắc bình độ 125 , đánh chiếm khu vực Nam và Bắc đường đất , từ bản Dài xuống , sau đó tập trung lực lượng đánh vào sườn quân địch ở Krếc 1 và 2 , Phum Sâm , truy quyét địch tại Mô Lu , En ni Mít .
-Trung đoàn 24 sử dụng tiểu đoàn 5 luồn sâu vào hậu phương địch , cắt đứt đường 7 ở đoạn Chrưm , lực lượng còn lại làm dự bị cho Sư đoàn .
Ngày 27/12 /1978 , đơn vị đầu tiên của Sư đoàn là tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 24 do Trung đoàn phó Lê Văn Lâm và tiểu đoàn trưởng Phạm Quang Hợi chỉ huy đã bí mật luồn sâu vào hậu phương địch tới 40 km nhằm cắt đứt đường 7 từ phía sau . 8 giờ sáng ngày 30/12/1978 , khi tiểu đoàn tới En ni Mít cách đường 7 chừng 5 km thì bị địch phát hiện . Địch dùng một Trung đoàn bao vây tiểu đoàn 5 . Cuộc chiến đấu giữa các chiến sỹ tiểu đoàn 5 với địch diễn ra rất quyết liệt trong suốt ngày 30/12 , các chiến sỹ tiểu đoàn 5 đã bám trụ đánh lui 13 đợt phản kích của địch . Do lúc này ta chưa tấn công trên toàn tuyến biên giới nên địch càng có điều kiện để bao vây tiêu diệt tiểu đoàn 5 . Trước khó khăn của tiểu đoàn 5 , ngay trong sáng 30/12 , Sư trưởng Bùi Đình Hoè lệnh cho công binh khẩn trương mở đường để đưa pháo lên phía trên bắn hỗ trợ cho tiểu đoàn 5 và yêu cầu Tiểu đoàn 5 giữ vững trận địa , cầm chân địch , chờ đại quân ta tấn công vào ngày hôm sau 31/12 .
Tại hướng tấn công của Trung đoàn 66 , một tổn thất lớn đã xảy ra đối với Sư đoàn . Đêm 29/12/1978 , Sư đoàn phó Vũ Đình Thước cùng đoàn cán bộ của Trung đoàn 66 đi lên chiến tuyến nghiên cứu hướng đột phá cho Trung đoàn 66 thì bị địch phát hiện , chúng cho nổ mìn và bắn như vãi đạn về phía ta làm Sư phó Vũ Đình Thước và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 - Phương Đức Từng bị thương nặng , một số chiến sỹ khác bị thương và hy sinh .
5 giờ 30 phút sáng ngày 31/12/1978 , lệnh tấn công trên toàn Mặt trận được phát ra , các cánh quân của Quân đoàn trên toàn tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh đã đồng loạt nổ súng tấn công phối hợp với các cánh quân trên toàn Mặt trận . Mở đầu trận đánh , pháo binh của Sư đoàn đã tới tấp nã đạn vào tuyến phòng thủ của địch ở đường 7 và Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận đường 7 ở Mô Lu . Kết hợp cùng pháo binh , Không quân ta cũng ném bom vào Sở chỉ huy quân địch ở Mô Lu , thị trấn Suông , Kampong Chàm . Trong lúc pháo binh và không quân ném bom , bắn phá các mục tiêu địch , bộ binh và xe tăng , xe thiết giáp của Sư đoàn cũng được lệnh tấn công đánh thẳng vào tuyến phòng thủ của địch ở Bắc đường 7 .
Trên hướng tấn công chủ yếu của Trung đoàn 66 ở đường 7 , bộ binh và xe tăng ta tập trung hỏa lực bắn phá liên tục vào các trận địa chốt của địch . Trước sức tấn công dũng mãnh của bộ binh và xe tăng ta , tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch đã nhanh chóng bị phá vỡ . Thừa thắng Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 - Bùi Thanh Sơn lệnh cho tiểu đoàn 9 phát triển đánh chiếm ngã ba Stoang , tiểu đoàn 7 cùng xe tăng , xe thiết giáp đánh vào Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận đường 7 ở nam Mô Lu . Bị hỏa lực của ta đánh mạnh bọn địch ở Sở chỉ huy Mặt trận đường 7 có cả cố vấn Trung Quốc phải vất cả đồ tháo chạy . Xe tăng , xe thiết giáp chở bộ binh của ta tiếp tục xông lên truy kích , rất nhiều tên địch đã bị tiêu diệt . 10 giờ sáng ngày 31/12 , Trung đoàn 66 đã chiếm được ngã tư Công Cang ( giao điểm giữa đường 7 và đường 24 ) . Khi phát triển tới ngã ba Chrum các chiến sỹ đại đội 3 phát hiện 2 xe thiết giáp chở đầy lính đang mở hết tốc độ tháo chạy về phía thị trấn Suông , lập tức quân ta vận động chặn đánh , 2 chiếc xe địch hoảng sợ lao cả xuống đầm nước chạy trốn nhưng chúng cũng không thể thoát . Các chiến sỹ đại đội 3 đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ bọn địch này . Thừa thắng mũi tấn công của tiểu đoàn 7 cùng xe tăng , xe bọc thép dưới sự chỉ huy của Trung đoàn phó Vũ Minh Thái tiếp tục tiến đánh Sở chỉ huy Sư đoàn 450 ở Kra Nhung , bọn địch ở đây chống trả yếu ớt rồi cũng bỏ chạy . Tại Sở chỉ huy Sư 450 , quân ta thu rất nhiều vũ khí và xe cộ của địch . Phát triển tiến công , tiểu đoàn 7 cùng xe tăng , xe thiết giáp tiếp tục truy kích địch theo đường 7 về hướng thị xã Kông Pông Chàm . Đến 17 giờ ngày 31/12 , cánh quân của tiểu đoàn 7 đã phát triển tới thị trấn Suông , bắt liên lạc được với cánh quân của Sư đoàn 320 từ hướng Đầm Be đánh xuống . Ở hướng tấn công của tiểu đoàn 9 , sau khi pháo binh bắn , tiểu đoàn cùng xe thiết giáp đánh thẳng vào cụm quân địch ở ngã ba Stoang . Sau 30 phút chiến đấu , tiểu đoàn đã chiếm được ngã ba SToang . Phát triển tiến công , tiểu đoàn đánh thẳng theo đường 7 , chiếm Âm Púc .
Trên hướng phối hợp của Trung đoàn 28 ở sườn bên phải , sáng 31/12 , sau khi được lệnh tấn công , tiểu đoàn 2 đã dùng đại đội 6 đánh chiếm trận địa pháo địch ở bản Luông , đại đội 7 tấn công quân địch ở điểm cao 113 , đại đội 5 chốt chặn địch ở bản Dài . Tiểu đoàn 1 dùng hỏa lực tấn công địch ở điểm cao 125 . Bị tấn công bất ngờ cả ở phía trước và phía sau thế trận của địch đã nhanh chóng bị phá vỡ . Lúc 7 giờ sáng ngày 31/12 , Trung đoàn đã chiếm được điểm cao 113 và trận địa pháo ở bản Luông . Bị mất một số vị trí , địch rút về tuyến công sự ở phía sau tổ chức chống trả . Trung đoàn trưởng Vũ Khắc Đua lệnh cho tiểu đoàn 1 dùng xe tăng , xe thiết giáp tiếp tục đột phá vào tuyến phòng thủ thứ 2 của địch ở điểm cao 114 và 125 . Địch tuy có tổ chức chống trả nhưng vẫn không chặn được các mũi tấn công của ta . Đến 11 giờ trưa ngày 31/12 , tiểu đoàn 1 đã làm chủ được các điểm cao 114 và 125 . Lúc này nhận được thông báo từ Sư đoàn cánh quân của Trung đoàn 66 đã phá vỡ được tuyến phòng thủ của địch ở đường 7 , đang truy kích địch tháo chạy về hướng Kampong Chàm . Thấy thời cơ phát triển tiến công đang thuận lợi , Trung đoàn trưởng Vũ Khắc Đua lệnh cho tiểu đoàn 1 cùng 6 xe tăng , xe thiết giáp tiếp tục phát triển tiến công ra hướng đường 7 để phối hợp với cánh quân của Trung đoàn 66 . 16 giờ ngày 31/12 , tiểu đoàn 1 tổ chức tấn công cụm quân địch ở căn cứ Krết2 . Sau 45 phút chiến đấu tiểu đoàn đã chiếm được Krếc2 . Phát triển tiến công Trung đoàn đánh tiếp sang Krếc1 . Mặc dù quân địch ở Krết1 chống trả quyết liệt nhưng được sự chi viện của pháo binh Sư đoàn , lúc 17 giờ , Trung đoàn 28 đã làm chủ hoàn toàn Krếc1 .
Tối ngày 31/12 , biết tuyến đường 7 ở phía sau đã bị ta chiếm giữ , một xe chở đầy lính và 3 xe tăng địch từ phía trước đã xuyên rừng chạy về hướng Kampong Chàm . Khi tới Mô Lu chúng gặp bộ đội Trung đoàn 28 đang hành quân trên đường . Vì trời tối , xe tăng của ta và địch lại giống nhau , bộ đội ta lầm tưởng là xe tăng của ta nên không đề phòng , chỉ khi chúng trà lên đội hình bộ đội tiểu đoàn 3 đang hành quân trốn chạy lúc đó các chiến sỹ ta mới nhận ra là xe tăng địch . Các chiến sỹ ta nổ súng tấn công diệt được một xe vận tải chở đầy lính , 3 chiếc xe tăng địch chạy thoát lên phía trên đã bị xe tăng Lữ đoàn 273 và các chiến sỹ ĐKZ của đại đội 15 - Trung đoàn 66 chốt chặn ở phía trên bắn cháy .
Sau một ngày chiến đấu liên tục các mũi tấn công của Sư đoàn đều lập công xuất sắc , toàn bộ tuyến phòng thủ Mặt trận đường 7 của địch mà chúng đã dày công xây dựng đã bị phá vỡ , 2 Sư đoàn 310 và 450 của địch đã bị Sư đoàn đánh thiệt hại nặng trong đó có cả Sở chỉ huy Mặt trận đường 7 , ta thu nhiều vũ khí , súng đạn của địch . Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của giai đoạn 1 mà Quân đoàn giao cho , mở toang cánh cửa để đại quân ta tiến đánh thị xã Kông Phông Chàm .
Đêm 31/12/1978 , Sư đoàn được lệnh chuyển sang giai đoạn 2 - truy quyét địch .
ĐÁNH CHIẾM PHÍA BẮC THỦ ĐÔ NÔNG FÊNH
Sau 2 ngày truy quyét bọn tàn quân địch ở phía Đông Kampong Cham . Ngày 3/1/1979 , Sư đoàn được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ là lực lượng thọc sâu của Quân đoàn đánh vào thủ đô Phnom Pênh từ hướng Bắc - hướng bến phà Tông Lê Sáp , phối hợp Quân đoàn 4 đánh vào Phnom Pênh từ phía phà Nếch Lương và Quân khu 9 đánh vào Phnom Pênh từ phía Tà Keo .
Phương án tấn công Phnom Pênh của Sư đoàn lúc đầu được thực hiện bằng 2 mũi , một mũi dùng Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 24 được xuồng máy chở đánh theo đường thủy từ thị xã Kampong Cham về Phnom Pênh và một mũi của Trung đoàn 28 đánh theo đường bộ từ thị xã Kampong Chàm theo quốc lộ 7 và quốc lộ 6 về Phnom Pênh . Trong các đêm 3,4/1/1979 , Trung đoàn 24 đã tổ chức cho cán bộ , chiến sỹ ra sông Mê Kông tập luyện vượt sông nhưng sau đó phương án đánh theo đường thủy bị hủy bỏ .
Kế hoạch đánh chiếm thủ đô Phnom Pênh của Sư đoàn như sau : Toàn Sư đoàn được ô tô của Bộ và Quân đoàn chuyên chở , hành tiến tấn công địch bằng bộ binh cơ giới . Trung đoàn 28 là đơn vị đi đầu của Sư đoàn , được tăng cường một đại đội xe tăng T54 , một đại đội xe thiết giáp M113 , một đại đội xe tăng lội nước PT85 , 2 pháo 105 ly , 2 pháo 85 ly , 16 M72 , một đại đội pháo phòng không 37 ly , một đại đội công binh cầu phà có nhiệm vụ đánh địch theo đường 7 và đường 6 từ Thị xã Kampong Cham tới bến phà Tông Lê Sáp . Sau khi Trung đoàn 28 chiếm được bến phà Tông Lê Sáp , Trung đoàn 24 sẽ tổ chức vượt sông đánh chiếm Phnom Pênh . Trung đoàn 66 đi sau cùng làm nhiệm vụ dự bị .
Vào những ngày này trên trục đường 7 , xe ô tô chở bộ đội , xe tăng , xe bọc thép , xe kéo pháo , xe chở cầu phà của công binh , xe chở hậu cần của Sư đoàn và Quân đoàn đỗ dày đặc , dài hàng chục km . Khí thế tấn công của bộ đội ta lúc này thật nhộn nhịp , khẩn trương .
10 giờ 30 , sáng ngày 6/1/1979 , sau khi Sư đoàn 320 chiếm được thị xã Kampong Cham . Sư đoàn 10 được lệnh nhanh chóng vượt sông Mê Kông tiến về Phnom Pênh . Do địa hình đường 7 chật hẹp , các phương tiện xe chở vũ khí , khí tài và xe chở bộ đội rất đông nên ảnh hưởng tới xe bắc phà của công binh lúc này đi ở phía sau , mãi tới 15 giờ 30 ngày 6/1/1979 , Lữ đoàn 7 và Lữ đoàn 249 công binh mới ghép xong phà . Hai chiếc phà trọng tải 50 tấn của bộ đội công binh hối hả đưa bộ đội và khí tài qua sông . Đến 23 giờ đêm 6/1 , đội hình Trung đoàn 28 mới qua hết được sông .
Theo yêu cầu của Bộ chính trị , các đơn vị tấn công Phnom Penh phải giải phóng xong Phnom Penh trước ngày 8/1 để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của bạn ( CPC) tại Liên hợp quốc nên lúc 3 giờ đêm ngày 6/1/1979 , Trung đoàn 28 được Sư trưởng Bùi Đình Hoè và chính ủy Lưu Quý Ngữ giao nhiệm vụ nhanh chóng tổ chức đội hình , hành tiến tấn công ngay . Để tăng cường sức mạnh đột phá cho Trung đoàn 28 , Quân đoàn đã điều thêm 6 xe tăng lội nước PT85 đang đi cùng đội hình Sư đoàn 320 sang cho Trung đoàn 28 . Sư đoàn cử Sư đoàn phó Trần Đình Ngự đi cùng , trực tiếp chỉ đạo Trung đoàn 28 . Đi đầu đội hình của Trung đoàn 28 là Tiểu đoàn 1 do Tiểu đoàn trưởng Đỗ Bá Tỵ chỉ huy . Trung đoàn 28 cử Trung đoàn phó Võ Hồng Kháng trực tiếp đi cùng Tiểu đoàn 1 .
Mặc dù vẫn đang là đêm nhưng do tính cấp bách của nhiệm vụ giải phóng Phnom Pênh nên sau khi nhận lệnh của Sư đoàn , Trung đoàn 28 đã khẩn trương sắp xếp , dàn đội hình xe , pháo để lên đường tấn công . Do đã có kinh nghiệm trong tác chiến hành tiến hợp đồng binh chủng của năm 1975 , cách đánh của Trung đoàn 28 trong ngày 7/1 như sau : Xe thiết giáp đi đầu , sau đó đến xe tăng , trên các xe đều có bộ binh , đi cùng lực lượng thọc sâu có pháo binh , pháo cao xạ 37 ly , trinh sát , công binh , hỏa lực còn lại như ĐKZ , cối 82 , 12,7 ly đặt trên các xe tải , trên đường đi gặp địch đâu đánh đó .
Sáng sớm ngày 7/1/1979 , đội hình Trung đoàn vừa phát triển đến ngã ba sân bay thì gặp một trận địa phòng ngự của địch . Địch sau khi thất thủ ở thị xã Kampong Cham đã chạy về đây lập tuyến phòng thủ , chúng phá hỏng nhiều đoạn đường và rải rất nhiều mìn xung quanh phòng tuyến nhằm chặn bước tiến quân của ta , nhiều quả mìn do vội vã chúng còn chưa kịp lấp đất . Sau 30 phút tập trung hỏa lực của xe tăng , xe thiết giáp , ĐKZ , cối 82 ly bắn dữ dội vào tuyến phòng thủ của địch , tuyến phòng ngự của địch ở đây đã nhanh chóng bị phá vỡ , một số tên địch bị tiêu diệt , số còn lại hoảng sợ bỏ chạy . Khắc phục xong các quả mìn địch gài trên đường đội hình Trung đoàn tiếp tục phát triển .
9 giờ 30 ngày 7/1 , Trung đoàn phát triển tới ngã 3 SKun , điểm giao cắt giữa đường 7 và đường 6 . Tại khu vực ngã ba Skun địch có Sở chỉ huy của vùng 41 , lực lượng địch ở đây khá đông . Khi phát hiện lực lượng của ta tiến đến địch tổ chức chống trả quyết liệt . Xe tăng , xe thiết giáp cùng pháo cao xạ của Trung đoàn dùng hỏa lực bắn áp đảo quân địch , rồi dũng mãnh tấn công , xông thẳng vào trận địa địch , bắn cháy 3 xe ô tô chở đầy lính . Sau 30 phút chiến đấu Trung đoàn 28 đã làm chủ hoàn toàn trận địa , thu 5 pháo cao xạ 37 ly , 2 pháo 105 ly , 1 pháo cối 120 ly cùng một số ô tô chở đầy súng đạn .
12 giờ ngày 7/1 , Trung đoàn phát triển tới dãy núi Phu Chê . Phía trước dẫy núi là hồ nước rộng , nổi lên ở đây có 2 quả núi án ngữ trục đường 6 , rất tốt cho việc phòng thủ . Khi đội hình đi đầu của Tiểu đoàn 1 vừa phát triển đến đây thì bị địch phục ở hai bên dãy núi dùng hỏa lực ĐKZ , B41 , cối 82 bắn ra xối xả , làm một chiếc xe thiết giáp M113 bị cháy và một chiếc khác bị hỏng, một số cán bộ , chiến sỹ của ta hy sinh , trong đó có đại đội trưởng đại đội 1 - Liệu . Trước tình hình địch bắn ra rất dữ dội , Trung đoàn phó Võ Hồng Kháng cho đội hình dừng lại để tổ chức tấn công . Để tiêu diệt cụm quân địch ở đây , tất cả các loại hỏa lực của Trung đoàn như pháo 85 ly , ĐKZ , cối 82 ly , pháo cao xạ 37 ly được lệnh bắn dữ dội vào trận địa phòng ngự của địch ở hai bên quả núi . Phối hợp với pháo binh , Tiểu đoàn 1 đã tổ chức cho hai mũi bộ binh vòng sang 2 bên sườn tấn công . Sau 30 phút tập trung hỏa lực bắn phá dữ dội , nhiều tên địch ở đây đã bị tiêu diệt , số còn lại hoảng sợ bỏ cả súng tháo chạy . Tại đây Tiểu đoàn 1 đã thu khá nhiều súng đạn của địch , trong đó có hàng trăm quả đạn B40 , B41 còn nguyên trong hộp .
13 giờ ngày 7/1 , giải quyết xong cụm quân địch chặn ở núi Phu Chê , Trung đoàn tiếp tục tiến về hướng bến phà Tông Lê Sáp . Tại bến phà Tông Lê Sáp , binh lính địch cùng rất nhiều xe cộ các loại , có cả xe còn chở nguyên những khẩu pháo 105 ly , bị ta đánh ở các nơi rút chạy về đây nằm ngổn ngang trên đường và lối xuống bến phà , kéo dài tới gần 1 km . Khi thấy xe tăng , xe bọc thép cùng bộ binh của ta xuất hiện chúng đã hoảng loạn bỏ chạy . Bộ binh và xe tăng của Tiểu đoàn 1 liền tổ chức truy kích , diệt nhiều tên .
Theo kế hoạch , sau khi chiếm được bến phà Tongle Sáp , Trung đoàn 28 sẽ dừng lại làm nhiệm vụ bảo vệ bến phà cho đội hình Trung đoàn 24 vượt sông đánh chiếm thủ đô Phnom Pênh , nhưng xét thấy lực lượng Trung đoàn 28 còn rất mạnh và Trung đoàn 24 chưa tới kịp nên Sư trưởng Bùi Đình Hoè và chính ủy Lưu Quý Ngữ quyết định tiếp tục sử dụng Trung đoàn 28 vượt sông tấn công Phnom Pênh .
Tại bến phà Tongle Sáp , khi phát hiện đội hình Tiểu đoàn 1 tiến đến , địch ở bờ Tây sông đã nổ súng bắn sang . Lập tức Trung đoàn cho tập trung hỏa lực pháo 85 ly , pháo 105 ly , pháo cao xạ 37 ly , cối 82 ly bắn cấp tập sang phía bờ Tây sông , làm hỏa lực địch im bặt .
Lúc này một khó khăn xuất hiện , phà ở đây đã bị địch tháo cho trôi xuống hạ lưu , lối lên xuống của bến phà xe cộ địch quá nhiều , đỗ ngổn ngang trên bến phà chặn không còn lối xuống cho xe tăng , xe bọc thép và xe chở bộ đội vượt sông . Nếu giải quyết di chuyển xong số xe này thì mất khá nhiều thời gian mà tình hình lúc này đòi hỏi phải hết sức khẩn trương , không thể chậm trễ đưa lực lượng qua sông để tiến vào thủ đô Phnom Pênh . Sau khi cùng chỉ huy của Lữ đoàn công binh số 7 và Lữ đoàn 249 công binh xem xét cụ thể , Sư đoàn phó Trần Đình Ngự đã quyết định tổ chức bến vượt mới .
15 giờ , ngày 7/1 , sau khi công binh làm xong bến vượt mới , dưới sự yểm trợ của pháo binh Trung đoàn 4 , những chiếc xe tăng lội nước PT85 , xuồng máy chở theo bộ đội đã dũng mãnh vượt sông , hai chiếc phà trọng tải 50 tấn cũng liên tục đưa xe tăng , pháo binh qua sông . Một cảnh tượng vượt sông thật hùng dũng , giống hệt như trong các bộ phim chiến tranh . Nhóm xe tăng PT85 và bộ binh đầu tiên của Tiểu đoàn 1 khi tới bờ Tây đã tổ chức thành 2 mũi đánh mở rộng ra hai bên và chốt giữ bờ Tây cho đội hình Trung đoàn vượt sông .
18 giờ ngày 7/1 , toàn bộ đội hình Trung đoàn 28 đã sang được bờ Tây sông Tongle Sáp . Dưới sự chỉ huy của Trung đoàn phó Võ Hồng Kháng và Tham mưu trưởng Trung đoàn Lê Ngọc Châu , bộ binh cùng xe tăng của Trung đoàn đã nhanh chóng tỏa ra đánh chiếm các mục tiêu của thủ đô Phnom Pênh như khu phố phía Tây , Takleat , nhà máy xay , nhà máy hoa quả , kho súng đạn , kho xi măng , xưởng cơ khí , sau đó tiếp tục phát triển đánh chiếm khu Hoàng Cung và Bộ Tổng tham mưu địch . Địch ở đây hoàn toàn không chống trả được phải bỏ chạy . 20 giờ tối ngày 7/1/1979 , Trung đoàn đã hoàn thành việc chiếm phía Bắc thủ đô Phnom Penh và bắt liên lạc được với cánh quân của Quân đoàn 4 và Quân khu 9 .
Có thể nói cuộc tiến công ngày 7/1/1979 của Sư đoàn 10 là một cuộc tiến công hết sức táo bạo và thần tốc . Dù phải vượt qua một con sông rộng tới hàng km nhưng chỉ trong một ngày tấn công , Sư đoàn đã đập tan toàn bộ tuyến phòng ngự của địch trên suốt chặng đường dài 110 km từ Kampong Chàm về thủ đô Phnom Pênh . Đây là một kỷ lục cao về tốc độ hành tiến tấn công tiêu diệt địch , hiếm có đơn vị nào trong toàn quân trong một ngày tấn công thực hiện được điều như trên.
Sự kiện đánh chiếm thủ đô Phnom Pênh trong ngày 7/1/1979 của Sư đoàn và Quân đoàn 4 , Quân khu 9 có thể nói là một sự kiện chính trị hết sức đặc biệt , có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng CPC . Nó đã đập tan hoàn toàn chế độ diệt chủng tàn bạo Pôn Pốt , mở ra chương mới cho cách mạng Cam Phu Chia phát triển và tạo ra ổn định cho biên giới của ta ở phía Tây Nam .
.
THẦN TỐC TẤN CÔNG GIẢI PHÓNG CÁC TỈNH XUNG QUANH KHU VỰC BIỂN HỒ
Chiều ngày 7/1/1979 , đang trên đường tiến quân về Phnom Penh thì Trung đoàn 24 nhận được tin các đơn vị của ta đã chiếm được thủ đô Phnom Penh . Cùng lúc đó Trung đoàn 24 nhận được lệnh của Sư đoàn , nhanh chóng quay ngược lại đường 6 tiến đánh thị xã Kampong Thom .
Đêm 7/1/1979 , đội hình Trung đoàn 24 đang trên đường tiến về thị xã Kampong Thom thì gặp một đoàn xe 13 chiếc của địch chở lính cùng quân tư trang , hậu cần , chạy ngược đội hình Trung đoàn về hướng Phnom Penh , bọn này không biết quân ta đã chiếm được Phnom Penh . Do trời tối và các xe của ta chạy đêm tận dụng ánh trăng không bật đèn nên chúng không phát hiện được đoàn xe của ta . Để cho đoàn xe địch lọt vào trận địa phục kích , các xe tăng , xe bọc thép của Trung đoàn 24 cùng bộ binh bố trí hai bên đường đồng loạt nổ súng tấn công . Bị tấn công bất ngờ bọn địch không kịp chống cự . Chỉ trong vòng 20 phút chiến đấu , Trung đoàn đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ bọn địch đi trên xe , thu nguyên vẹn 13 xe chở quân trang , vũ khí súng đạn của địch .
Sau thất bại ở thị xã Kampong Chàm , địch chạy về Kampong Thom lập tuyến phòng thủ mới . Tại Kampong Thom lực lượng của chúng gồm Sở chỉ huy vùng 4 cùng 5 tiểu đoàn quân được bố trí dài theo trục đường 6 và quanh thị xã . Sáng ngày 9/1 , sau khi dùng cao xạ 37 ly , súng máy 12 ly 7 trên xe tăng , xe bọc thép quyét vào các ổ đề kháng của bọn địch chốt chặn ở vòng ngoài . Xe tăng , xe bọc thép chở bộ binh đi cùng của Trung đoàn 24 đã đánh thẳng vào thị xã Kampong Thom . Trước sự tấn công dũng mãnh của xe tăng và bộ binh ta , địch phòng thủ ở đây không chống đỡ nổi , số bị tiêu diệt , số phải bỏ chạy , trong đó có cả các cố vấn quân sự Trung Quốc . Ta thu nhiều tài liệu và cả một kho vũ khí lớn của địch trong đó có hàng trăm khẩu pháo các loại .
Thời gian lúc này thật khẩn trương , quyết không cho địch có cơ hội dừng lại củng cố lực lượng . Ngay sau khi được tin Trung đoàn 24 chiếm được thị xã Kampong Thom , Sư trưởng Bùi Đình Hoè lệnh cho Trung đoàn 66 lúc này đang đi sau Trung đoàn 24 , lợi dụng địa bàn Kampong Thom Trung đoàn 24 vừa chiếm , nhanh chóng tổ chức lực lượng tấn công về thị xã Xiêm Riệp . Phải nói rằng cuộc hành tiến tấn công của Sư đoàn trong những ngày này trên đất CPC là cực kỳ mạo hiểm , nó khác hẳn với cuộc tiến quân của Sư đoàn năm 1975 , vì năm 1975 , Sư đoàn tiến quân trên đất nước mình nên đến đâu cũng được nhân dân địa phương ủng hộ , chào đón . Còn ở đây rất dễ bị địch phục kích , chặn đánh . Tuy phải chiến đấu trong hoàn cảnh như vậy song khí thế quyết tâm chiến đấu của các đơn vị trong Sư đoàn vẫn rất cao .
Ngay trong đêm 9/1 , xe tăng , xe bọc thép , pháo mặt đất , pháo cao xạ 37 ly cùng 36 xe tải chở Trung đoàn 66 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Bùi Thanh Sơn và chính ủy Phạm Văn Đoàn tiếp tục hành tiến tấn công về Xiêm Riệp . Do tốc độ tấn công của ta nhanh , địch hoàn toàn chưa biết ta đã vượt qua thị xã Kampong Thom . Khi vượt qua Kampong Thom chừng 50 km , Trung đoàn 66 lại gặp một đoàn xe của địch từ một con đường nhánh chạy ra quốc lộ 6 để về Xiêm Riệp . Đoàn xe này chạy vào phía sau đội hình Trung đoàn , lúc này địch hoàn toàn không biết đội hình quân ta đang ở phía trên . Bộ đội được lệnh tắt hết các đèn xe , bỏ các các mũ cối đang đội , dùng khăn quấn lên đầu giả như lính địch . Để cho cả đoàn xe địch lọt vào đội hình , Trung đoàn mới ra lệnh nổ súng tấn công . Sau một giờ chiến đấu , Trung đoàn 66 đã diệt 60 tên , bắt sống 18 tên , thu 23 xe chở đầy vũ khí , súng đạn , thuốc men . Suốt đêm 9/1 , Trung đoàn 66 tiếp tục vừa hành tiến , vừa đánh địch , giải phóng Kđen - Công , Sam - Sóc , Ăng - Krong . Diệt hơn 300 tên , bắt 180 tên , thu nhiều súng đạn . Mờ sáng 10/1 , đội hình Trung đoàn phát triển cách thị xã Xiêm Riệp chừng 3 km lại gặp một chiếc xe tải của địch chạy ngược chiều . Bọn địch trên xe hoàn toàn không biết là đội hình của ta đã tới nên chiếc xe này đã bị quân ta bắt sống .
Tại Xiêm Riệp lực lượng địch ở các nơi thua chạy dồn về đây khá đông , gồm Sở chỉ huy Quân khu Tây Bắc , Sở chỉ huy các Sư đoàn 775 và 202 . Quyết không cho địch có thời gian phòng thủ . Vừa tới Xiêm Riệp , Trung đoàn 66 liền tổ chức 2 mũi tấn công ngay . Mũi Tiểu đoàn 8 gồm 4 xe tăng T54 , 4 xe bọc thép M113 đánh hướng chính diện , mũi Tiểu đoàn 7 đánh tạt sườn từ hướng Bắc . Sự xuất hiện bất ngờ một lượng lớn xe tăng , xe bọc thép cùng bộ binh của ta ở đây làm địch hoảng sợ , chúng chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy . 9 giờ ngày 10/1 , Trung đoàn 66 làm chủ hoàn toàn thị xã Xiêm Riệp . Phát triển tấn công , Trung đoàn liền tổ chức đánh mở rộng ra các khu vực xung quanh . Tiểu đoàn 9 đánh phát triển về phía Nam sân bay , Tiểu đoàn 8 cùng xe tăng , xe thiết giáp tiến công xuống khu đền Ăng Co . 11 giờ trưa ngày 10/1/1979 , Trung đoàn đã làm chủ khu đền Ăng Co , một công trình nghệ thuật nổi tiếng của CPC và thế giới .
Tiếp tục phát triển tiến công , Tư lệnh Quân đoàn Kim Tuấn yêu cầu Sư đoàn 10 nhanh chóng tổ chức lực lượng tấn công tiếp về Bát Đom Boong , giải phóng các tỉnh còn lại xung quanh khu vực Biển Hồ . Sáng 12/1 , Trung đoàn 24 được tăng cường Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 cùng xe tăng , xe bọc thép , pháo cao xạ , pháo mặt đất và 40 xe chở quân do Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Chúc và chính ủy Lê Minh Châu chỉ huy hành tiến tấn công theo đường 6 tiến về Bát Đom Boong .
Bát Đom Boong là một tỉnh lớn ở phía Tây CPC , có địa hình rừng núi hiểm trở , lại giáp với Thái Lan . Sau khi thất thủ ở Phnom Penh và ở các nơi , địch dồn cả về Bát Đom Boong , trong đó có cả các cơ quan Trung ương của Pôn Pốt - Iêng Xa Ri . Chúng quyết tâm giữ bằng được Bát Đom Boong để chiến đấu lâu dài với ta . Riêng tại thị xã Bát Đom Boong lực lượng của chúng lên tới 5 Trung đoàn . Chúng rải mìn trên trục đường , phá các cầu , cống , dựng các chướng ngại nhằm chặn đà tiến công của ta . Suốt ngày 12/1 , xe tăng , xe bọc thép cùng bộ binh Trung đoàn 24 liên tục đột phá các điểm ngăn chặn của địch trên trục đường 6 dài gần 100 km từ Xiêm Riệp về Bát Đom Boong . 18 giờ ngày 12/1 , Trung đoàn đã phát triển tới phía Tây thị xã Bát Đom Boong . Mặc dù trời đã sắp tối nhưng quyết không dừng lại , Trung đoàn Trưởng Nguyễn Hồng Chúc quyết định tổ chức thành 2 mũi tấn công ngay . Hướng tiểu đoàn 5 có xe tăng , xe bọc thép đi cùng đánh thẳng hướng chính diện , tiểu đoàn 6 đánh từ hướng Nam thọc sườn . Pháo 105 ly , pháo cao xạ 37 ly tập trung bắn vào các trận địa phòng ngự của địch ở phía Tây thị xã . Địch lúc đầu còn chống cự nhưng trước sức mạnh tấn công áp đảo của ta chúng phải bỏ chạy . 19 giờ 30 ngày 12/1 , Trung đoàn 24 đã làm chủ thị xã Bát Đom Boong , trong đó có sân bay Bát Đom Boong . Ta thu nhiều vũ khí , 3 máy bay địch chưa kịp tháo chạy đã bị ta bắt sống , chính quyền Pôn Pốt - Iêng Xa Ri hoảng sợ đã vội vã tháo chạy về phía Tây Bát Đom Boong , một vùng rừng núi tiếp giáp với Thái Lan . Lúc này quanh khu vực Biển Hồ duy nhất còn thị xã Fur Sat vẫn chưa được giải phóng . Nhiệm vụ giải phóng FurSat được Bộ Tư lệnh chiến dịch giao cho Quân khu 9 , nhưng sau mấy lần đột phá , một Trung đoàn của Quân khu 9 vẫn chưa chiếm được thị xã FurSat . Trung đoàn 66 lúc này đang đứng chân ở Xiêm Riệp đã được lệnh nhanh chóng cơ động về tấn công FurSat . Tại PurSat lực lượng địch ở các nơi thua chạy dồn về đây khá đông , lợi dụng địa hình thuận lợi chúng lập tuyến phòng thủ khá vững chắc theo trục đường 5 . Với cách đánh dùng hỏa lực áp đảo , đánh thẳng vào các trận địa phòng ngự của địch , chưa đầy 2 giờ chiến đấu , Trung đoàn 66 đã giải phóng hoàn toàn thị xã FurSat . Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 cùng xe tăng tiếp tục phát triển về phía Nam và đã gặp được lực lượng của Quân khu 9 .
Thế là vừa tròn 1 tuần ( từ 7/1 đến 14/1 ) , với cách đánh táo bạo , thần tốc , liên tục tấn công , không kể ngày hay đêm , Sư đoàn 10 đã vượt một chặng đường hơn 400km , tiêu diệt và đánh tan một lực lượng lớn quân địch gồm nhiều Sư đoàn của Quân khu Tây Bắc và Quân khu Kang Đan , giải phóng hoàn toàn 4 tỉnh gồm Kông Pông Thom , Xiêm Riệp , Bát Đom Boong , FurSat , đánh chiếm phía Bắc thủ đô Phnom Fenh , góp phần lật đổ chế độ tàn bạo Pôn Pốt - Iêng Xa Ri , hỗ trợ đắc lực cho Quân đội và nhân dân CPC giành chính quyền về tay nhân dân . Có thể nói đây là những trận đánh đạt kỷ lục cao về tốc độ tấn công và tiêu diệt địch . Với các trận đánh trên một lần nữa Sư đoàn 10 thật xứng đáng với truyền thống vẻ vang : SƯ ĐOÀN ANH HÙNG của Quân đội nhân dân Việt Nam
Nhận xét
Đăng nhận xét