SƯ ĐOÀN 10 TRONG CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG CĂM PU CHIA THÁNG 1/1979

                            

                               Phần 2

 .         TIẾN VỀ GIẢI PHÓNG PHNOM PENH

              ( Nguyễn Đình Thi - Sư đoàn 10 )


    Sau 2 ngày truy quyét bọn tàn quân địch ở phía Đông Kampong Cham . Ngày 3/1/1979 , Sư đoàn được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ là lực lượng thọc sâu của Quân đoàn đánh vào thủ đô Phnom Pênh từ hướng Bắc - hướng bến phà Tông Lê Sáp , phối hợp Quân đoàn 4 đánh vào Phnom Pênh từ phía phà Nếch Lương và Quân khu 9 đánh vào Phnom Pênh từ phía Tà Keo . 

   Phương án tấn công Phnom Pênh của Sư đoàn lúc đầu được thực hiện bằng 2 mũi , một mũi dùng Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 24 được xuồng máy chở đánh theo đường thủy từ thị xã Kampong Cham về Phnom Pênh và một mũi của Trung đoàn 28 đánh theo đường bộ từ thị xã Kampong Chàm theo quốc lộ 7 và quốc lộ 6 về Phnom Pênh . Trong các đêm 3,4/1/1979 , Trung đoàn 24 đã tổ chức cho cán bộ , chiến sỹ ra sông Mê Kông tập luyện vượt sông nhưng sau đó phương án đánh theo đường thủy bị hủy  bỏ . 

  Kế hoạch đánh chiếm thủ đô Phnom Pênh của Sư đoàn như sau :  Toàn Sư đoàn được ô tô của Bộ và Quân đoàn chuyên chở , hành tiến tấn công địch bằng bộ binh cơ giới . Trung đoàn  28 là đơn vị đi đầu của Sư đoàn , được tăng cường một đại đội xe tăng T54 , một đại đội xe thiết giáp M113 , một đại đội xe tăng lội nước PT85 , 2 pháo 105 ly , 2 pháo 85 ly , 16 M72 , một đại đội pháo phòng không 37 ly , một đại đội công binh cầu phà có nhiệm vụ đánh địch theo đường 7 và đường 6 từ Thị xã Kampong Cham tới bến phà Tông Lê Sáp . Sau khi Trung đoàn 28 chiếm được bến phà Tông Lê Sáp , Trung đoàn 24 sẽ tổ chức vượt sông đánh chiếm Phnom Pênh . Trung đoàn 66 đi sau cùng làm nhiệm vụ dự bị .

  Vào những ngày này trên trục đường 7 , xe ô tô chở bộ đội , xe tăng , xe bọc thép , xe kéo pháo , xe chở cầu phà của công binh , xe chở hậu cần của Sư đoàn và Quân đoàn đỗ dày đặc , dài hàng chục km . Khí thế tấn công của bộ đội ta lúc này thật nhộn nhịp , khẩn trương .

    10 giờ 30 ,  sáng ngày 6/1/1979 , sau khi Sư đoàn 320 chiếm được thị xã Kampong Cham . Sư đoàn 10 được lệnh nhanh chóng vượt sông Mê Kông tiến về Phnom Pênh . Do địa hình đường 7 chật hẹp , các phương tiện xe chở vũ khí , khí tài và xe chở bộ đội rất đông nên ảnh hưởng tới xe bắc phà của công binh lúc này đi ở phía sau , mãi tới 15 giờ 30 ngày 6/1/1979 , Lữ đoàn 7 và Lữ đoàn 249 công binh mới ghép xong phà . Hai chiếc phà trọng tải 50 tấn của bộ đội công binh hối hả đưa bộ đội và khí tài qua sông . Đến 23 giờ đêm 6/1 , đội hình Trung đoàn 28 mới qua hết được sông  

  Theo yêu cầu của Bộ chính trị , các đơn vị tấn công Phnom Penh phải giải phóng xong Phnom Penh trước ngày 8/1 để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của bạn ( CPC) tại Liên hợp quốc nên lúc 3 giờ đêm ngày 6/1/1979 , Trung đoàn 28 được Sư trưởng Bùi Đình Hoè và chính ủy Lưu Quý Ngữ giao nhiệm vụ nhanh chóng tổ chức đội hình , hành tiến tấn công ngay . Để tăng cường sức mạnh đột phá cho Trung đoàn 28 , Quân đoàn đã điều thêm 6 xe tăng lội nước PT85 đang đi cùng đội hình Sư đoàn 320 sang cho Trung đoàn 28 . Sư đoàn cử Sư đoàn phó Trần Đình Ngự đi cùng , trực tiếp chỉ đạo Trung đoàn 28 . Đi đầu đội hình của Trung đoàn 28 là Tiểu đoàn 1 do Tiểu đoàn trưởng Đỗ Bá Tỵ chỉ huy . Trung đoàn 28 cử Trung đoàn phó Võ Hồng Kháng trực tiếp đi cùng Tiểu đoàn 1 . 

  Mặc dù vẫn đang là đêm nhưng do tính cấp bách của nhiệm vụ giải phóng Phnom Pênh nên sau khi nhận lệnh của Sư đoàn , Trung đoàn 28 đã khẩn trương sắp xếp , dàn đội hình xe , pháo để lên đường tấn công . Do đã có kinh nghiệm trong tác chiến hành tiến hợp đồng binh chủng của năm 1975 , cách đánh của Trung đoàn 28 trong ngày 7/1 như sau : Xe thiết giáp đi đầu , sau đó đến xe tăng , trên các xe đều có bộ binh , đi cùng lực lượng thọc sâu có pháo binh , pháo cao xạ 37 ly , trinh sát , công binh , hỏa lực còn lại như ĐKZ , cối 82 , 12,7 ly đặt trên các xe tải , trên đường đi gặp địch đâu đánh đó . 

  Sáng sớm ngày 7/1/1979 , đội hình Trung đoàn vừa phát triển đến ngã ba sân bay thì gặp một trận địa phòng ngự của địch . Địch sau khi thất thủ ở thị xã Kampong Cham đã chạy về đây lập tuyến phòng thủ , chúng phá hỏng nhiều đoạn đường và rải rất nhiều mìn xung quanh phòng tuyến nhằm chặn bước tiến quân của ta , nhiều quả mìn do vội vã chúng còn chưa kịp lấp đất . Sau 30 phút tập trung hỏa lực của xe tăng , xe thiết giáp , ĐKZ , cối 82 ly bắn dữ dội vào tuyến phòng thủ của địch , tuyến phòng ngự của địch ở đây đã nhanh chóng bị phá vỡ , một số tên địch bị tiêu diệt , số còn lại hoảng sợ bỏ chạy . Khắc phục xong các quả mìn địch gài trên đường đội hình Trung đoàn tiếp tục phát triển . 

   9 giờ 30  ngày 7/1  , Trung đoàn phát triển tới ngã 3 SKun , điểm giao cắt giữa đường 7 và đường 6 . Tại khu vực ngã ba Skun địch có Sở chỉ huy của vùng 41 , lực lượng địch ở đây khá đông . Khi phát hiện lực lượng của ta tiến đến địch tổ chức chống trả quyết liệt . Xe tăng , xe thiết giáp cùng pháo cao xạ của Trung đoàn dùng hỏa lực bắn áp đảo quân địch , rồi dũng mãnh tấn công , xông thẳng vào trận địa địch , bắn cháy 3 xe ô tô chở đầy lính  . Sau 30 phút chiến đấu Trung đoàn 28 đã làm chủ hoàn toàn trận địa , thu 5 pháo cao xạ 37 ly , 2 pháo 105 ly , 1 pháo cối 120 ly cùng một số ô tô chở đầy súng đạn . 

12 giờ ngày 7/1 , Trung đoàn phát triển tới dãy núi Phu Chê . Phía trước dẫy núi là hồ nước rộng , nổi lên ở đây có 2 quả núi án ngữ trục đường 6 , rất tốt cho việc phòng thủ . Khi đội hình đi đầu của Tiểu đoàn 1 vừa phát triển đến đây thì bị địch phục ở hai bên dãy núi dùng hỏa lực ĐKZ , B41 , cối 82 bắn ra xối xả , làm một chiếc xe thiết giáp M113 bị cháy và một chiếc khác bị hỏng,   một số cán bộ , chiến sỹ của ta hy sinh , trong đó có đại đội trưởng đại đội 1 - Liệu . Trước tình hình địch bắn ra rất dữ dội , Trung đoàn phó Võ Hùng Kháng cho đội hình dừng lại để tổ chức tấn công . Để tiêu diệt cụm quân địch ở đây , tất cả  các loại hỏa lực của Trung đoàn như pháo 85 ly , ĐKZ , cối 82 ly , pháo cao xạ 37 ly được lệnh bắn dữ dội vào trận địa phòng ngự của địch ở hai bên quả núi . Phối hợp với pháo binh , Tiểu đoàn 1 đã tổ chức cho hai mũi bộ binh vòng sang 2 bên sườn tấn công . Sau 30 phút tập trung hỏa lực bắn phá dữ dội , nhiều tên địch ở đây đã bị tiêu diệt , số còn lại hoảng sợ bỏ cả súng tháo chạy . Tại đây Tiểu đoàn 1 đã thu khá nhiều súng đạn của địch , trong đó có hàng trăm quả đạn B40 , B41 còn nguyên trong hộp . 

     13 giờ ngày 7/1 , giải quyết xong cụm quân địch chặn ở núi Phu Chê , Trung đoàn tiếp tục tiến về hướng bến phà Tông Lê Sáp . Tại bến phà Tông Lê Sáp , binh lính địch cùng rất nhiều  xe cộ các loại , có cả xe còn chở nguyên những khẩu pháo 105 ly , bị ta đánh ở các nơi rút chạy về đây nằm ngổn ngang trên đường và lối xuống bến phà , kéo dài tới gần 1 km . Khi thấy xe tăng , xe bọc thép cùng bộ binh của ta xuất hiện chúng đã hoảng loạn bỏ chạy . Bộ binh và xe tăng của Tiểu đoàn 1 liền tổ chức truy kích , diệt nhiều tên . 

  Theo kế hoạch , sau khi chiếm được bến phà Tongle Sáp , Trung đoàn 28 sẽ dừng lại làm nhiệm vụ bảo vệ bến phà cho đội hình Trung đoàn 24 vượt sông đánh chiếm thủ đô Phnom Pênh , nhưng xét thấy lực lượng Trung đoàn 28 còn rất mạnh và Trung đoàn 24 chưa tới kịp nên Sư trưởng Bùi Đình Hoè và chính ủy Lưu Quý Ngữ quyết định tiếp tục sử dụng Trung đoàn 28 vượt sông tấn công Phnom Pênh . 

 Tại bến phà Tongle Sáp , khi phát hiện đội hình Tiểu đoàn 1 tiến đến , địch ở bờ Tây sông đã nổ súng bắn sang . Lập tức Trung đoàn cho tập trung hỏa lực pháo 85 ly , pháo 105 ly , pháo cao xạ 37 ly , cối 82 ly bắn cấp tập sang phía bờ Tây sông , làm hỏa lực địch im bặt . 

   Lúc này một khó khăn xuất hiện , phà ở đây đã bị địch tháo cho trôi xuống hạ lưu , lối lên xuống của bến phà xe cộ địch quá nhiều , đỗ ngổn ngang trên bến phà chặn không còn lối xuống cho xe tăng , xe bọc thép và xe chở bộ đội vượt sông . Nếu giải quyết di chuyển xong số xe này thì mất khá nhiều thời gian mà tình hình lúc này đòi hỏi phải hết sức khẩn trương , không thể chậm trễ đưa lực lượng qua sông để tiến vào thủ đô Phnom Pênh  . Sau khi cùng chỉ huy của Lữ đoàn công binh số 7 và Lữ đoàn 249 công binh xem xét cụ thể , Sư đoàn phó Trần Đình Ngự đã quyết định tổ chức bến vượt mới .

 15 giờ , ngày 7/1 , sau khi công binh làm xong bến vượt mới , dưới sự yểm trợ của pháo binh , những chiếc xe tăng lội nước PT85 , xuồng máy chở theo bộ đội đã dũng mãnh vượt sông , hai chiếc phà trọng tải 50 tấn cũng liên tục đưa xe tăng , pháo binh qua sông .   Một cảnh tượng vượt sông thật hùng dũng , giống hệt như trong các bộ phim chiến tranh . Nhóm xe tăng PT85 và bộ binh đầu tiên của Tiểu đoàn 1 khi tới bờ Tây đã tổ chức thành 2 mũi đánh mở rộng ra hai bên và chốt giữ bờ Tây cho đội hình Trung đoàn vượt sông . 

    18 giờ ngày 7/1 , toàn bộ đội hình Trung đoàn 28 đã sang được bờ Tây sông Tongle Sáp . Dưới sự chỉ huy của Trung đoàn phó Võ Hùng Kháng và Tham mưu trưởng Lê Ngọc Châu , bộ binh cùng xe tăng của Trung đoàn đã nhanh chóng tỏa ra đánh chiếm các mục tiêu của thủ đô Phnom Pênh như khu phố phía Tây , Takleat , nhà máy xay , nhà máy hoa quả , kho súng đạn , kho xi măng , xưởng cơ khí , sau đó tiếp tục phát triển đánh chiếm khu Hoàng Cung và Bộ Tổng tham mưu địch . Địch ở đây hoàn toàn không chống trả được phải bỏ chạy . 20 giờ tối ngày 7/1/1979 , Trung đoàn đã hoàn thành việc chiếm phía Bắc thủ đô Phnom Penh và bắt liên lạc được với cánh quân của Quân đoàn 4 và Quân khu 9 . 

   Có thể nói cuộc tiến công ngày 7/1/1979 của Sư đoàn 10 là một cuộc tiến công hết sức táo bạo và thần tốc . Dù phải vượt qua một con sông rộng tới hàng km nhưng chỉ trong một ngày tấn công , Sư đoàn đã đập tan toàn bộ tuyến phòng ngự của địch trên suốt chặng đường dài 110 km từ Kampong Chàm về thủ đô Phnom Pênh . Đây là một kỷ lục cao về tốc độ hành tiến tấn công tiêu diệt địch , hiếm có đơn vị nào trong toàn quân trong một ngày tấn công thực hiện được điều như trên. 

   Sự kiện đánh chiếm thủ đô Phnom Pênh trong ngày 7/1/1979 của Sư đoàn và Quân đoàn 4 , Quân khu 9 có thể nói là một sự kiện chính trị hết sức đặc biệt , có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng CPC . Nó đã đập tan hoàn toàn chế độ diệt chủng tàn bạo Pôn Pốt , mở ra chương mới cho cách mạng Cam Phu Chia phát triển và tạo ra ổn định cho biên giới của ta ở phía Tây Nam .

 

Nhận xét