SƯ ĐOÀN 10 TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN 

                                                  Phần  V

ĐÁNH BẠI CUỘC PHẢN KÍCH TÁI CHIẾM BUÔN MA THUỘT CỦA SƯ ĐOÀN 23 VÀ LIÊN ĐOÀN 21 - BIỆT ĐỘNG QUÂN

                           

     

   Sau khi thị xã Buôn Ma Thuột thất thủ trưa 11/3 thì ngay chiều 11/3 , Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống Việt Nam Cộng hoà  đã chỉ thị cho Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 và Vùng 2 chiến thuật phải tổ chức lực lượng tái chiếm bằng được Buôn Ma Thuột . Thực ra sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ địch mới chỉ có mất 2 Tiểu đoàn của Trung đoàn 53 và một số đơn vị địa phương quân , lực lượng của địch ở Tây Nguyên lúc này vẫn còn rất mạnh gồm Sư đoàn 23 thiếu Trung đoàn 53 và 7 Liên đoàn biệt đông quân ( 21 , 22 , 23 , 24 , 25 , 4 , 6 ) tương đương 10 Trung đoàn cùng 36 Tiểu đoàn bảo an . Kế hoạch tái chiếm Buôn Ma Thuột của Phú  được đích danh Nguyễn Văn Thiệu phê duyệt như sau : 

   1:    Sử dụng lực lượng của Liên đoàn 21 biệt động quân đang ở phía đông  Buôn Ma Thuột phối hợp với số quân còn lại của Trung đoàn 53 tại căn cứ 53 hình thành một cánh quân tại chỗ để phản kích .

   2: Dùng trực thăng khẩn cấp đưa Trung đoàn 45 và Trung đoàn 44 của Sư đoàn 23 từ PLay cu về phía đông Buôn Ma Thuột tổ chức tấn công đánh thẳng vào Buôn Ma Thuột .

   3: Huy động tối đa lực lương không quân còn lại ở PLay cu , Đà Nẵng , Cần thơ để phục vụ cho cuộc chuyển quân .

 

 Thực hiện lệnh của Nguyễn Văn Thiệu , Phạm Văn Phú quyết định điều Sư đoàn 23 một Sư đoàn mạnh nhất của Quân đoàn 2 địch tới Mặt trận Buôn Ma Thuột . Từ sáng ngày 12/3/75 , địch đã cho không quân ồ ạt ném bom , bắn phá dọn bãi ở phía đông Buôn Ma Thuột  để phục vụ cho việc đổ quân . Suốt chiều ngày 12/3 , từng đàn máy bay trực thăng và máy bay vận tải của địch liên tiếp bay đến đổ 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 45 và một đại đội thám kích của Sư đoàn 23 xuống khu vực điểm cao 581 , cách Buôn Ma Thuột gần 10km về phía Đông , đây là một điểm cao có lợi thế về mặt quân sự có thể khống chế được khu phía Đông Buôn Ma Thuột và trục đường 21 . Ngày 13/3 , Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguỵ cho  đổ tiếp Trung đoàn 44 , pháo đội 232 và Tiểu đoàn 3 còn lại của Trung đoàn 45 xuống khu vực điểm cao 581 , Nông Trại , Phước An . Âm mưu của địch là chiếm điểm cao 581 làm bàn đạp , kết hợp với lực lượng của Liên đoàn 21 biệt động quân đang ở phía Đông Buôn Ma Thuột và lực lượng của căn cứ 45 và căn cứ 53 ở sân bay Hoà Bình hợp thành một lực lượng đột kích từ phía Đông và Đông Nam vào Buôn Ma Thuột . Có thể nói đây là cuộc đổ quân lớn nhất của địch từ sau hiệp định Pa Ri năm 1973 , cuộc đổ quân lớn như vậy của địch cho thấy quyết tâm tái chiếm Buôn Ma Thuột của chúng . Đích danh Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân Đoàn 2 và vùng 2 chiến thuật bay trên máy bay đến vùng trời Buôn Ma Thuột chỉ huy cuộc đổ quân tái chiếm .

 

 Đối với ta , việc đánh chiếm được Thị xã Buôn Ma Thuột là rất quan trọng nhưng việc giữ được Buôn Ma Thuột , đánh bại cuộc phản kích của địch lúc này cũng quan trọng không kém , vì nếu không đánh bại cuộc phản kích này , nếu để địch chiếm lại được Thị xã Buôn Ma Thuột thì hậu quả đối với ta về mọi mặt cũng không hề nhỏ . Do vậy ngay từ khi xây dựng phương án đánh Buôn Ma Thuột , Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã xây dựng phương án đánh địch đưa quân về ứng cứu , tái chiếm Buôn Ma Thuột nên ngay từ trưa 11/3 , sau khi chiếm được Buôn Ma Thuột , Bộ chỉ huy Chiến dịch đã chỉ đạo Sư đoàn 10 , Sư đoàn 316 và Trung đoàn 95B phải nhanh chóng tiêu diệt các căn cứ vòng ngoài thị xã như căn cứ 45 , căn cứ 53 , sân bay Hoà Bình , không cho địch lợi dụng các căn cứ này làm bàn đạp tấn công Buôn Ma Thuột . Riêng Sư đoàn 10 phải nhanh chóng cơ động lực lượng còn lại  ở Đức Lập gấp rút trở về Buôn Ma Thuột để đánh quân tái chiếm . 


   Đối phó với cuộc đổ bộ tái chiếm Buôn Ma Thuột của địch , lực lượng của ta ở Buôn Ma Thuột lúc này có Sư đoàn 10 , Sư đoàn 316 và Trung đoàn 95 B nhưng Sư đoàn 316 và Trung đoàn 95 B lại đang làm nhiệm vụ truy quyét bọn địch còn lại xung quanh khu vực thị xã và chốt giữ bảo vệ thị xã . Lực lượng đánh quân phản kích lúc này thực ra chỉ có Sư đoàn 10 mà Sư đoàn 10 lúc này cũng chỉ có 2 Trung đoàn 66 và 24 mà Trung đoàn 66 lúc này lại làm nhiệm vụ dự bị cho chiến dịch , Trung đoàn 28 vẫn còn ở Đức Lập nên thực chất đến ngày 14/3 trong tay Sư đoàn 10 chỉ có mỗi Trung đoàn 24 là sẵn sàng tham gia đánh quân phản kích được , tuy Trung đoàn 24 có thể tham gia tác chiến được nhưng các đơn vị của Trung đoàn lúc này cũng còn đang phân tán . Tiểu đoàn 5 còn đang ở Chư Nga , Tiểu đoàn 4 hiện đang bảo vệ Sở chỉ huy Sư 23 ở thị xã Buôn Ma Thuột .

 

  Để thực hiện tốt nhiệm vụ của Bộ chỉ huy chiến dịch giao , ngay chiều ngày 12/3 , Sư đoàn đã tiến hành điều chỉnh lực lượng như sau :

    - Với Trung đoàn 24 : trước mắt yêu cầu Trung đoàn 24 đưa tiểu đoàn 6 vừa dứt điểm căn cứ 45 trưa 12/3 về phía Tây điểm cao 581 chuẩn bị đánh quân đổ bộ . Rút tiểu đoàn 4 đang làm nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy Sư 23 ở thị xã Buôn Ma Thuột về đội hình Trung đoàn , điều Tiều đoàn 5 vừa đánh xong Chư Nga ngày 11/3 nhanh chóng cơ động về phía Đông cùng đội hình Trung đoàn . 

   - Đề nghị Bộ chỉ huy Chiến dịch cử một lực lượng của Trung đoàn 95B đang bảo vệ thị xã ra bảo vệ căn cứ 45 thay cho Tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 rút đi

     Lệnh cho Trung đoàn 4 pháo binh và pháo cao xạ cơ động lực lượng từ phía sau lên phía trước để chi viện cho Trung đoàn 24 tấn công quân phản kích .

   - Đề nghị Bộ chỉ huy Chiến dịch cho ô tô chuyển gấp Trung đoàn 28  hiện đang ở Đức Lập về Buôn Ma Thuột cùng đội hình Sư đoàn . 

   - Chỉ đạo cho trinh sát bám chắc khu vực địch đổ quân .

Tinh thần chỉ đạo của Sư đoàn lúc này là tập trung lực lượng đánh phủ đầu ngay khi địch vừa mới đến , không cho chúng kịp củng cố lực lượng .

  Kế hoạch tác chiến đánh quân đổ bộ của Sư đoàn 23 địch ở khu vực điểm cao 581 và trên trục đường 21 ngày 14/3 của Sư đoàn như sau :

 

 1/ Dùng tiểu đoàn 6 và tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 24 là lực lượng đột kích chính được tăng cường một đại đội xe tăng T54 , một đại đội xe thiết giáp , một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly , một đại đội lựu pháo 122 ly , một đại đội pháo cối 120 ly , một đại đội công binh , đột phá đánh thẳng vào khu vực địch vừa đổ quân xuống điểm cao 581 ,  Trước hết tập trung lực lượng tiêu diệt tiểu đoàn 2  - Trung đoàn 45 , sau đó đánh phát triển tiêu diệt tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 45

2/ Đề nghị Bộ chỉ huy Chiến dịch cho tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 đang làm nhiệm vụ dự bị của chiến dịch ra chặn cầu A1 trên đường 21 và phía Nam Đạt Lý , sẵn sàng đánh địch rút chạy từ khu vực điểm cao 581 chạy về .


  Suốt đêm 13/3 , địch thả pháo sáng và cho máy bay C130 bắn đạn 20 ly quanh khu vực điểm cao 581 và dọc đường 21 để ngăn chặn quân ta xâm nhập và trấn an tinh thần binh lính  . Bấp chấp sự ngăn cản của hỏa lực địch , cả đêm 13/3 , hai Tiểu đoàn 4 và 6 của  Trung đoàn 24 vẫn bí mật hành quân áp sát mục tiêu . Trong đêm 13/3 , Pháo binh, pháo cao xạ của Sư đoàn cũng triển khai lên sát bộ binh bố trí trận địa sẵn sàng đánh địch .

  Về phía địch , lường trước quân ta sẽ tấn công , ngày 13/3 chúng đã tung một Trung đội thám sát lên phía Bắc điểm cao 581 lùng sục và đưa một Đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 2 cơ động sang phía Tây để ngăn chặn lực lượng của ta , pháo binh địch từ khu vực Nông Trại và Phước An liên tục bắn phá hỗ trợ cho bộ binh của chúng

  7 giờ 30 phút sáng 14/3 , cuộc tấn công vào lực lượng phản kích của Sư đoàn 23 địch bắt đầu . Sau khi 4 khẩu lựu pháo 122 ly của Trung đoàn 4 pháo binh cùng 2 khẩu cối 120 của Đại đội pháo cối của Sư đoàn cấp tập bắn vào các vị trí địch ở khu vực điểm cao 581 , bộ binh Tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Chu Minh Thực đã cùng 4 xe tăng của Đại đội tăng 5 hình thành 2 mũi tấn công tiến về điểm cao 581 .

  Do địch mới đổ quân xuống đây , công sự hầm hố còn đơn giản nên khi bị pháo binh ta bắn phá một số bị tiêu diệt , một số hoảng sợ bắt đầu bỏ chạy về phía sau . Phát hiện địch nhốn nháo bỏ chạy , Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 - Vũ Tài liền ra lệnh cho pháo cối chuyển làn , bắn vào khu chỉ huy Sở tiểu đoàn 2 và lệnh cho xe tăng và bộ binh xung phong  . Bấp chấp hỏa lực địch , xe tăng , xe bọc thép của ta chở theo bộ binh Đại đội 9 đã dũng mãnh lao lên tấn công . Bị pháo binh ta gây thiệt hại , đặc biệt thấy xe tăng ta xuất hiện , địch hoảng loạn , chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy . Đại đội trưởng đại đội 9 - Nguyễn Xuân Cự liền chỉ huy xe tăng , xe thiết giáp đánh thẳng vào Sở chỉ huy Tiểu đoàn 2 , rất  nhiều tên địch tại đây đã bị tiêu diệt  . Phát triển tiến công , Tiểu đoàn 6 cùng xe tăng tiếp tục truy kích tiến ra trục đường 21 . Tại Khu vực đường 21 do Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 45 phòng ngự , từ sáng địch đã cho máy bay ném bom ồ ạt để ngăn chặn nhưng máy bay địch đã bị pháo cao xạ của ta đánh trả quyết liệt làm chúng không dám xà thấp ném bom . 10 giờ 30 phút , sau khi tập trung hỏa lực bắn vào tuyến phòng ngự của Tiểu đoàn 1 ở bên đường 21 , xe tăng , xe bọc thép chở theo bộ binh của Đại đội 9 đã dũng mãnh lao lên tấn công . Địch phòng ngự ở đây chủ yếu là các hố cá nhân nên khi xe tăng , xe thiết giáp của ta tấn công , địch náo loạn bỏ chạy . 11 giờ trưa 14/3 , bộ binh và xe tăng Trung đoàn 24 tiếp tục tiến về cầu số 2 , Đại đội bảo an địch chốt giữ ở đây biết không chống đỡ được đã dùng bộc phá phá cầu rồi bỏ chạy . 13 giờ ngày 14/3 , sau khi Công binh khắc phục xong ngầm , Đại đội 9 cùng xe tăng tiếp tục tổ chức tấn công . Vừa ra tới đường 21 , xe tăng do chính trị viên Đại đội tăng 5 - Nguyễn Hữu Thìn chỉ huy phát hiện được một trận địa pháo 105 ly của địch đặt ngay trên đường , cách xe tăng chừng 500 m . Chính trị viên Nguyễn Hữu Thìn lệnh cho pháo thủ dùng pháo và súng 12,7 ly bắn vào trận địa pháo địch , đồng thời lệnh cho lái xe mở hết tốc lực xông thẳng vào trận địa pháo này . Bọn pháo thủ ở đây chưa kịp nổ súng đã bị xe tăng ta ập tới tiêu diệt , ta thu nguyên vẹn 4 khẩu pháo 105 ly và hàng trăm viên đạn . Thấy quân địch hoảng loạn bỏ chạy , bộ binh cùng xe tăng ta liền tiếp tục truy kích tiến về chi khu Phước Bình . Tại chi khu Phước Bình địch có một Tiểu đoàn bao an đang chốt giữ . Khi bộ binh và xe tăng ta xuất hiện tấn công chúng chống cự yếu ớt rồi cũng bỏ chạy . Đến chiều 14/3 , toàn bộ lực lượng Tiểu đoàn 1 và 2 Trung đoàn 45 vừa đổ xuống trong ngày 12 và 13/3 đã cơ bản bị quân ta tiêu diệt và làm tan dã . Ta bắt sống 182 tên và làm chủ một đoạn đường dài 12 km . Tên chuẩn tướng Lê Trung Tường - Tư lệnh Sư đoàn 23 , Tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuột lúc này bay trên một chiếc trực thăng chỉ huy trận chiến đã bị pháo cao xạ của ta bắn trúng , chiếc trực thăng này phải hạ cánh khẩn cấp , Lê Trung Tường dính đạn bị thương phải đưa vào bệnh viện cấp cứu . Thế là mới ra quân Sư 23 đã bị tổn thất nặng cả quân lẫn Tướng .


 Về phía địch , sau khi tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 , Trung đoàn 45 bị ta tiêu diệt , số sống sót chạy về khu vực ngã ba Nông Trại kết hợp với lực lượng của chúng ở đây lập tuyến phòng thủ . Tại Nông Trại , lực lượng của địch lúc này có : Sở chỉ huy Trung đoàn 45 , tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 45 , tàn quân của Tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 , 4 khẩu pháo 105 ly . Nhiệm vụ của bọn địch ở đây là ngăn chặn không cho quân ta tiến về Phước An . Quân địch ở Nông Trại khá đông nhưng sau những trận bị ta tấn công tiêu diệt tinh thần binh lính ở đây đã giảm đi rất nhiều . Không cho địch có thời gian chuẩn bị , củng cố . Ngay chiều 14/3 , Sư đoàn chỉ đạo cho Trung đoàn 24 , ngay trong ngày 15/3 phải tổ chức lực lượng tấn công quân địch ở Nông Trại .  Kế hoạch đánh Nông Trại của Trung đoàn 24 như sau : 


    Sử dụng đại đội 10 của tiểu đoàn 6 cùng một đại đội xe tăng , một đại đội xe bọc thép , một tiểu đoàn pháo cao xạ là mũi đột kích binh chủng hợp thành , đánh theo trục đường 21 , sau đó đột kích thẳng vào Sở chỉ huy Trung đoàn 45 địch ở Nông Trại . Lực lượng còn lại của tiểu đoàn 6 luồn về phía sau Nông Trại hình thành thế bao vây từ phía sau . Tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 5 đánh phát triển theo 2 bên trục đường 21 .


   7 giờ 15 phút ngày 15/3 , pháo binh Sư đoàn và pháo binh chiến dịch bắn cấp tập vào căn cứ Nông Trại . Ngay đợt bắn pháo đầu tiên pháo binh ta đã bắn trúng Sở chỉ huy Trung đoàn 45 làm chúng hoảng loạn , kêu la rối rít . Địch gọi máy bay đến ném bom ngăn chặn nhưng bị pháo cao xạ của ta đi cùng đội hình đánh trả , bắn rơi một máy bay AD6 làm bọn còn lại  hoảng sợ chuồn thẳng . Trong lúc pháo binh bắn , xe thiết giáp 032 của đại đội thiết giáp 3 do Trung đội trưởng Nguyễn Văn Nhất chỉ huy chở theo bộ binh dẫn đầu đội hình lao thẳng vào đội hình tiểu đoàn 3 địch phòng ngự hai bên đường 21 tấn công , các xe tăng , xe bọc thép khác chở bộ binh đại đội 10 cũng dũng mãnh xông lên dùng hỏa lực tiêu diệt địch . Trước sức tấn công dũng mãnh , áp đảo của xe tăng và bộ binh ta địch không chống cự nổi , số bị tiêu diệt , số còn lại hốt hoảng bỏ chạy . 

 8 giờ ngày 15/3 , sau khi đánh tan lực lượng Tiểu đoàn 3 của địch chốt chặn trên đường 21 , xe tăng , xe bọc thép cùng bộ binh đại đội 10 chia thành hai mũi đánh thẳng vào Sở chỉ huy Trung đoàn 45 . Căn cứ Nông Trại do địch mới tạo dựng nên hầm hố , công sự chưa vững chắc , khi xe tăng ta tiến vào bọn chỉ huy Trung đoàn 45 hốt hoảng bỏ chạy đến nỗi không kịp lên máy bay , ta thu nguyên vẹn một chiếc trực thăng vẫn còn đang nổ máy đỗ ở sân . Tầm 9 giờ , tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 đã làm chủ căn cứ Nông Trại . Bắt 26 tù binh , thu 4 khẩu pháo 105 ly và nhiều vũ khí súng đạn khác . Bọn địch ở Nông Trại chạy thoát về phía sau lại rơi vào trận địa đón lõng của đại đội 9 và đại đội 11 , hầu hết số này bị đại đội 9 và đại đội 11 tiêu diệt và bắt sống . Với trận Nông Trại , Trung đoàn 45 địch đến đây đã hoàn toàn bị xoá sổ . 

 

   Về phía địch , do căn cứ 53 và sân bay Hoà Bình vẫn bị ta vây hãm suốt từ ngày 10/3 đến nay nên buộc Phạm Văn Phú phải chọn Phước An làm đại bản doanh của cuộc hành quân tái chiếm Buôn Ma Thuột . Ngày 15/3 ,  Phạm Văn Phú cho đổ tiếp Sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 23 cùng lực lượng còn lại của Trung đoàn 44 xuống Phước An . Âm mưu của Phú biến Phước An thành một căn cứ mới của cuộc phản kích . Tại Phước An lực lượng của chúng lúc này khá đông , gồm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , Trung đoàn 44 , liên đoàn 21 biệt động quân và tàn binh của Trung đoàn 45 , quân số của chúng lên tới hơn   5 000 tên . 

  Về phía ta , để đề phòng địch tung thêm lực lượng dự bị chiến lược đến phản kích . Bộ chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo Sư đoàn phải tập trung lực lượng , hỏa lực nhanh chóng tiêu diệt lực lượng Sư đoàn 23 địch còn lại ở Phước An , không cho chúng có thể phối hợp với lực lượng khác đổ quân xuống . Ngay trong đêm 15/3 , mặc dù máy bay C130 của địch quần thảo bắn đạn suốt hai bên đường 21 , phó Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Năng vẫn đến tận Sở chỉ huy Sư đoàn ở phía trên cầu số 2 để bàn với Sư đoàn phương án tác chiến đánh căn cứ Phước An . 3 giờ sáng ngày 15/3 , Phương án tác chiến đánh cụm quân địch ở Quận lỵ Phước An được Phó Tư lệnh Quân đoàn - Nguyễn Năng phê duyệt như sau : 

  - Dùng Trung đoàn 24 làm lực lượng chủ công đánh căn cứ Phước An . Trong đó sử dụng tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 có xe tăng , xe bọc thép , pháo cao xạ đi cùng là mũi đột kích chính đánh theo trục đường 21 , các tiểu đoàn còn lại là tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 5 cùng lực lượng tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 vòng về hướng Tây Nam hình thành hai mũi đánh vào Phước An .

 - Đưa Trung đoàn 28 vòng bọc phía bắc đường 21 vượt qua ngã ba Phước An hình thành một mũi tấn công đánh vào Phước An từ hướng Bắc  và đông bắc . 


 Thời gian tấn công Phước An bắt đầu từ 7 giờ 15 phút ngày 17/3 .


 Cũng trong đêm 15/3 , vào lúc 2 giờ sáng khi vừa được ô tô chuyển từ Đức Lập về tới phía Đông Buôn Ma Thuột , Trung đoàn 28 đã được lệnh hành quân gấp lên phía Đông Bắc Phước An để cùng Trung đoàn 24 đánh Phước An . Như vậy đến thời điểm ngày 15/3 , lực lượng của Sư đoàn đã có mặt đầy đủ ở phía Đông Buôn Ma Thuột , cả 3 Trung đoàn của Sư đoàn lúc này hầu như chưa bị sứt mẻ mấy , bộ đội ta liên tiếp thắng trận nên khí thế quyết tâm rất cao .


   Sau khi đổ xong lực lượng Sư đoàn 23 xuống phía Đông Buôn Ma Thuột và đặc biệt được cổ vũ bởi chiến thắng của địch ở căn cứ 53 , Tướng Phạm Văn Phú rất tin tưởng vào thắng lợi của cuộc phản kích của Sư đoàn 23  . Sáng 16/3 , Phạm Văn Phú từ PLay Cu đã bay lên Phước An để xem xét tình hình  cuộc phản kích nhưng khi đến Phước An , Phạm Văn Phú hoàn toàn thất vọng khi nhận được tin Trung đoàn 45 đã bại trận , mất gần hết quân số , Nông Trại và các vị trí xung quanh Buôn Ma Thuột đã bị quân ta chiếm  , đại quân  ta sắp tràn về Phước An . Biết  khả năng không chống đỡ nổi , Phạm Văn Phú đã ra lệnh cho Đại tá Lê Hữu Đức , người vừa được Phú chỉ định thay Lê Trung Tường bị

thương rút quân  khỏi Phước An , về Chư Cúc - một địa điểm trên Quốc lộ 21 cách Phước An 40 km lập tuyến phòng thủ mới . 

 Việc địch đột ngột rút quân khỏi Phước An từ sáng ngày 16/3 là một sự việc rất bất ngờ đối với Sư đoàn , cả trinh sát của Sư đoàn và Trung đoàn 24 hoàn toàn không nắm được , nó nằm ngoài dự đoán của Sư đoàn . 10 giờ ngày 16/3 , đại đội 11 đơn vị đi đầu đội hình Trung đoàn 24 đang chốt giữ ở ngã 3 Phước An thì được một người dân  từ Quận lỵ Phước An đến báo , địch ở Phước An đã rút chạy . Kiểm tra lại thông tin thấy chính xác , chính trị viên đại đội 11 - Lương Văn Nhân liền tổ chức cho đơn vị tiến vào chiếm lĩnh Quận lỵ . Do máy thông tin 2 W bị trục trặc không liên lạc được với Tiểu đoàn và Trung đoàn . Chiều 16/3 , thấy pháo trắng của ta bắn vào quận lỵ Phước An , phán đoán pháo ta bắn chỉnh thế nào sáng hôm sau bộ binh sẽ tấn công nên ngay chiều tối 16/3 , chính trị viên Lương Văn Nhân quyết định cho tiểu đội trưởng Trang cùng hai chiến sỹ quay lại phía sau báo cáo Đại đội 11 đã chiếm được Phước An . Đêm 16/3 , do không biết thông tin Đại đội 11 đã chiếm được Phước An , các  tiểu đoàn 4 , 5 của Trung đoàn 24 cùng tiểu đoàn 8 - Trung đoàn 66 vẫn hành quân vào chiếm lĩnh trận địa , mãi đến 2 giờ sáng ngày 17/3 các đơn vị này mới nhận được thông báo ta đã chiếm xong Phước An .


  Theo kế hoạch của Sư đoàn, Trung đoàn 28 có nhiệm vụ đánh vòng lên phía bắc Phước An để phối hợp với cánh quân của Trung đoàn 24 đánh chiếm Phước An nhưng khi được tin địch ở Phước An đã rút chạy , Sư trưởng Hồ Đệ liền quyết định sử dụng Trung đoàn 28 đang ở phía Bắc Phước An chuyển sang truy kích địch về hướng Chư Cúc và cử Sư phó Võ Khắc Phụng trực tiếp chỉ huy mũi tấn công này . 

 Về phía Sư đoàn , qua mấy ngày tác chiến đánh địch trên trục đường 21 , Sư đoàn cũng đã rút ra được một kinh nghiệm là để tiêu diệt địch rút chạy không thể đánh như trước đây mà cần phải tổ chức một lực lượng đột kích binh chủng hợp thành , gồm bộ binh , xe tăng , xe thiết giáp , pháo cao xạ , pháo mặt đất , công binh , thông tin có cán bộ của Sư đoàn đi cùng chỉ huy , hành tiến tấn công , gặp địch đâu đánh đó . Lúc này phải thật khẩn trương , phải triệt để tận dụng thời cơ để tiêu diệt địch , không cho chúng có thời gian củng cố lực lượng . Kế hoạch tấn công địch ở Chư Cúc đã được Sư phó Võ Khắc Phụng thông qua như sau :

  - Sử dụng Tiểu đoàn 3 được tăng cường một đại đội xe tăng , một đại đội xe thiết giáp  , 2 tiểu đoàn pháo phòng không , một đại đội pháo mặt đất cùng một đại đội công binh  tổ chức hành tiến đánh địch theo trục đường 21 về Chư Cúc , Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn nhanh chóng cơ động vòng lên phía Bắc Chư Cúc chặn địch , Tiểu đoàn 1 dùng một đại đội vòng chặn địch ở phía Đông Chư Cúc , lực lượng còn lại của Tiểu đoàn chặn ở phía Nam Chư Cúc . 


   Thị trấn Chư Cúc lúc này như một cái thùng chứa lớn binh lính địch , tại Chư Cúc lực lượng địch gồm có : Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , Trung đoàn 44 , tàn quân Trung đoàn 45 ,tàn quân Liên đoàn 21 - biệt động quân . Lợi dụng khu vực này có một số điểm cao có lợi thế về mặt quân sự , địch cho quân đào công sự , hầm hố chốt chặn .

 7 giờ sáng ngày 18/3 , Tiểu đoàn 3 do tiểu đoàn trưởng Thon và Chính trị viên Tiểu đoàn - Nguyễn Trần Vân Quý được xe tăng , xe thiết giáp pháo cao xạ , pháo mặt đất đi cùng đã hành tiến tấn công về Chư Cúc . Suốt chặng đường dài 40 km tiến về Chư Cúc , Tiểu đoàn bị không quân địch chặn đánh quyết liệt , vừa đánh trả không quân địch , vừa tổ chức đột phá vào các cụm địch chốt chặn trên đường . 18 giờ ngày 18/3 , đội hình Tiểu đoàn phát triển cách thị trấn Chư Cúc chừng 3 km thì gặp lực lượng chốt chặn của Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 44 , ta và địch đều nổ súng nhưng do trời tối không quan sát được mục tiêu nên Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Cẩm cho đội hình dừng lại làm công tác chuẩn bị để sáng hôm sau tấn công .

 

   6 giờ sáng ngày 19/3 , trong lúc đang triển khai đội hình tấn công thì Tiểu đoàn 3 phát hiện địch ở phía trước có hiện tượng nhốn nháo bỏ chạy . Trước tình hình trên Chính trị viên Nguyễn Trần Vân Quý đề nghị Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Cẩm cho Tiểu đoàn nổ súng tấn công ngay , không chờ hỏa lực pháo binh . Để phối hợp với Tiểu đoàn 3 , Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Cẩm lệnh cho tiểu đoàn 2 nhanh chóng cho lực lượng ra chốt chặn đường 21 . Tiểu đoàn 1 lúc này tuy  bị mất liên lạc với Trung đoàn nhưng theo kế hoạch từ trước , Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 - Lẫm vẫn tổ chức đưa bộ đội ra đường 21 chặn địch , đã tiêu diệt được một số tàn binh địch tháo chạy về phía Quận lỵ . Qua một số hiện tượng , thấy có khả năng địch tháo chạy khỏi Chư Cúc , Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Cẩm lệnh cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 - Lẫm , nhanh chóng đưa bộ đội vòng lên phía Đông Chư Cúc chặn địch , không cho chúng tháo chạy . Để cứu nguy cho Tiểu đoàn 1 đang bị ta tấn công, địch sử dụng pháo binh từ phía sau bắn ra ngăn chặn và cho máy bay ném bom vào đội hình Tiểu đoàn 3 , đồng thời dùng bộc phá đánh sập cầu 13 . 11 giờ ngày 19/3 , sau khi  công binh của Trung đoàn khắc phục xong cầu 13 , Trung đoàn tiếp tục tổ chức đợt tấn công thứ 2 vào tuyến phòng ngự của địch ở phía Đông cầu 13 , bị bộ binh và xe tăng ta đánh mạnh làm địch phải lui dần . 11 giờ 30 , Tiểu đoàn 3 đã phát triển tới cầu 15 . 12 giờ , Trung đoàn tập trung hỏa lực pháo binh , cối các loại bắn dữ dội vào chi khu quân sự Chư Cúc . Địch ở đây tuy còn khá đông lực lượng nhưng tinh thần chiến đấu của chúng bị suy sụp nghiêm trọng . Khi bộ binh và xe tăng , xe thiết giáp ta tiến vào hầu hết chúng buông súng đầu hàng , một số chạy thoát về phía Đông nhưng đã bị Trung đoàn 25 chặn đánh . Riêng trong trận này Trung đoàn 25 chốt chặn ở phía sau Chư Cúc đã bắt tại trận gần 500 tên . Đến 12 giờ 30 ngày 19/3 , Trung đoàn 28 đã  làm chủ hoàn toàn căn cứ Chư Cúc . Tiêu diệt và làm tan dã toàn bộ lực lượng  của Trung đoàn 44 , Liên đoàn 21 Biệt động quân , 2 tiểu đoàn bảo an , bắt và phóng thích tại chỗ gần 800 tên , thu 6 pháo 105 ly . 20 máy vô tuyến điện , 15 xe quân sự . 

   Với trận thắng Chư Cúc , sau 5 ngày chiến đấu ( từ 14/3 đến trưa 19/3 ) bằng nhiều cách đánh khác nhau từ tập kích , bao vây , đón lõng đến hành tiến truy kích địch , Sư đoàn đã đánh bại hoàn toàn cuộc phản kích nhằm tái chiếm Buôn Ma Thuột của Sư đoàn 23 và Liên đoàn 21 biệt động quân . Sư đoàn 23 , một Sư đoàn sừng sỏ của quân Nguỵ Sài Gòn , từng được ca ngợi là Sư đoàn : Nam bình , Bắc phạt , Cao nguyên chấn đến đây cũng chính bị xoá sổ .

    

  Trận Buôn Ma Thuột là đòn điểm huyệt hết sức quan trọng , là trận then chốt thứ nhất giáng một đòn mạnh vào quân địch ở  Nam Tây Nguyên . Trận  tiêu diệt Sư đoàn 23 địch đến phản kích là trận then chốt thứ 2 cũng rất quan trọng vì nếu ta không tiêu diệt được lực lượng chủ chốt của Quân đoàn 2 Nguỵ trong trận phản kích này , nếu địch tái chiếm lại được Buôn Ma Thuột thì chưa chắc đã có việc địch rút chạy khỏi Tây Nguyên và nếu địch không rút khỏi  Tây Nguyên thì chưa chắc đã có chiến thắng mùa xuân 1975 . Vì vậy trận tiêu diệt Sư đoàn 23 địch đến phản kích , tái chiếm Buôn Ma Thuột có một ý nghĩa rất quan trọng . Nó đẩy địch vào tình thế đã khó khăn giờ lại khó khăn hơn , góp phần buộc địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên và tạo ra thời cơ cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy của ta trong mùa xuân năm 1975 .

Nhận xét