SƯ ĐOÀN 10 TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN 

                                               Phần IV

  ĐÁNH CHIẾM SỞ CHỈ HUY SƯ ĐÒAN 23 ĐỊCH Ở THỊ Xà BUÔN MA THUỘT NGÀY 10 VÀ 11/3/1975 .


     Theo kế hoạch tác chiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên , Sư đoàn 316 là lực lượng chủ yếu đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột , phối hợp với Sư đoàn 316 đánh chiếm chiếm thị xã Buôn Ma Thuột có Trung đoàn 95B của Sư đoàn 325 , Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 và Trung đoàn 198 - đặc công . Sư đoàn 316 hình thành 3 mũi đánh vào Buôn Ma Thuột , trong đó Trung đoàn 148 đánh từ hướng Tây Bắc vào khu thiết giáp , Trung đoàn 149 đánh từ hướng Nam , Trung đoàn 174 đánh từ hướng Tây Nam vào Chư Duê , Trung đoàn 95B đánh vào Tiểu khu Đắc Lắc , Dinh Tỉnh trưởng từ hướng Đông Bắc , Trung đoàn 198 đặc công đánh chiếm kho Mai Hắc Đế , sân bay trực thăng ở thị xã . Sư đoàn 10 chỉ có một đơn vị tham gia đánh thị xã Buôn Ma Thuột đó là Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 nhưng đây là mũi đột phá chủ yếu , mũi đột phá quan trọng nhất đánh vào Trung tâm chỉ huy đầu não của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột đó là Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Hợp điểm cuối cùng của cả 5 mũi tấn công là Sở chỉ huy Sư đoàn 23 .

  Thực ra khi bàn phương án sử dụng lực lượng đánh Buôn Ma Thuột , Đại tướng Văn Tiến Dũng lúc đầu không đồng ý với phương án sử dụng Sư đoàn 316 đánh thị xã Buôn Ma Thuột của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên . Đại tướng Văn Tiến Dũng muốn Sư đoàn 10 , một Sư đoàn đánh giỏi của bộ đội Tây Nguyên sẽ trực tiếp đánh Buôn Ma Thuột . Song do kế hoạch trước đây của Bộ Tổng tham mưu là đánh thị xã Gia Nghĩa và Quận lỵ Đức Lập . Sư đoàn 10 đã được Mặt trận giao nhiệm vụ đánh Đức Lập , giờ nếu chuyển Sư 10 sang đánh Buôn Ma Thuột , sợ không chuẩn bị kịp nên Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên vẫn để Sư đoàn 10 đánh Đức Lập , đánh xong Đức Lập , Sư đoàn 10 sẽ cơ động ngay về Buôn Ma Thuột thực hiện 2 nhiệm vụ : đánh Buôn Ma Thuột nếu Sư đoàn 316 gặp khó khăn và đánh địch đến phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột . Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên phải thuyết phục mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng mới chấp nhận để Sư đoàn 316 là lực lượng chủ chốt đánh Buôn Ma Thuột .

 

  Mục tiêu Sở chỉ huy Sư đoàn 23 mà Sư đoàn 10 đảm nhiệm là mục tiêu quan trọng nhất của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột , mục tiêu này liên quan mật thiết với tất cả các mục tiêu khác của địch trong thị xã , do Đại tá Vũ Thế Quang - Sư phó Sư đoàn 23 chỉ huy . Sở chỉ huy Sư đoàn 23 còn được Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu 2 địch giao cho chỉ huy toàn bộ Mặt trận Nam Tây Nguyên . 

Tại khu vực của Sở chỉ huy Sư đoàn 23 lực lượng địch gồm có : lực lượng bảo vệ Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 53 , một chi đội xe thiết giáp M113 . Phán đoán ta có thể tấn công Buôn Ma Thuột nên địch đã ra lệnh cấm trại toàn bộ lực lượng ở Buôn Ma Thuột , đồng thời ra sức củng cố thêm các công sự , hầm hào và bố trí thêm nhiều hỏa lực xung quanh căn cứ Sở chỉ huy 23 .

  Xác định trận đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 địch có ý nghĩa rất quan trọng tới trận đánh thị xã Buôn Ma Thuột nên ngay từ khi được giao nhiệm vụ tháng 1/1975 , Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã giành nhiều thời gian để thảo luận cách đánh , đã tổ chức cho Tiểu đoàn 4 tập dượt trực tiếp cùng xe tăng , xe bọc thép . Những kinh nghiệm chiến đấu của Trung đoàn 66 trong trận đánh chiếm Sư bộ Sư đoàn 22 của địch ở Tân Cảnh (4-1972) và kinh nghiệm mới nhất của các đơn vị bạn vừa đánh thị xã Phước Long (1-1975) cũng được đưa ra cho bộ đội tham khảo , học hỏi . Sư đoàn đã thành lập thêm một Sở chỉ huy ở Buôn Ma Thuột do Sư phó Quốc Biên chỉ huy để chỉ huy trực tiếp 2 mũi tấn công là Trung đoàn 95 B và Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 .

  Để đánh chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột nhanh nhất , Bộ chỉ huy Chiến dịch và Bộ chỉ huy Sư đoàn đã thực hiện cách đánh theo chiến thuật nở hoa . Sử dụng Tiểu đoàn 4 , một Tiểu đoàn đánh giỏi của Trung đoàn 24 , được tăng cường hỏa lực mạnh , gồm một Đại đội xe tăng T54 ( 8 chiếc ) , một Đại đội xe thiết giáp K63 ( 8 chiếc ) và một Tiểu đoàn pháo cao xạ , hình thành một mũi đột kích mạnh , đánh lướt qua các vị trí vòng ngoài , thọc sâu đánh thẳng vào Cơ quan chỉ huy đầu não của địch là Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , làm cho chúng rối loạn chỉ huy ngay từ đầu trận đánh  . Có thể nói đây là lần đầu tiên ở chiến trường Tây Nguyên ta thực hiện chiến thuật này . 

   

   Ngày 9/3 , trong lúc Trung đoàn 66 và Trung đoàn 28 của Sư đoàn tấn công căn cứ Quận lỵ Đức Lập ở phía Tây thị xã Buôn Ma Thuột thì  đêm 9/3 , bộ binh Tiểu đoàn 4 của Sư đoàn cùng xe tăng , xe bọc thép , pháo cao xạ cũng được lệnh hành quân vào chiếm lĩnh trận địa . Nhờ chuẩn bị tốt các bước chuẩn bị nên trong đêm 9/3 , toàn bộ đội hình bộ binh , xe tăng , xe thiết giáp , pháo cao xạ của Sư đoàn đều vào tới vị trí tập kết an toàn . Duy nhất có một chiếc xe tăng T54 vào gần khu vực cửa mở thì bị xa lầy .


   7 giờ sáng ngày 10/3 , pháo binh Chiến dịch của ta lại tiếp tục bắn phá dữ dội vào các mục tiêu của địch trong thị xã . Thị xã Buôn Ma Thuột chìm trong khói bom đạn . Chưa có trận đánh nào từ trước tới nay ở chiến trường Tây Nguyên ta lại bắn pháo nhiều như trận đánh này . Trong lúc pháo binh bắn phá các mục tiêu , từ 5 hướng các cánh quân của ta đã đồng loạt nổ súng tấn công thị xã Buôn Ma Thuột  

     Ở hướng tấn công vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 từ hướng Tây của Tiểu đoàn 4, lúc 7 giờ 30 phút , được sự hỗ trợ của 2 xe tăng bắn vào khu cửa mở , bộ binh đại đội 2 do đại đội phó Đặng Đức Lập chỉ huy đã ôm bộc phá lao lên mở cửa . Phát hiện hướng cửa mở của ta địch tập trung hỏa lực các loại bắn xối xả về cửa mở làm nhiều cán bộ , chiến sỹ Đại đội 2 hy sinh và bị thương trong đó có cả Tiểu đoàn phó Bùi Văn Bịn , bấp chấp hỏa lực địch các chiến sỹ Đại đội 2 vẫn ôm bộc phá xông lên . 8 giờ cửa mở thông , dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Lê Xuân Chuyển bộ binh đại đội 2 cùng xe tăng đã nhanh chóng vượt qua cửa mở , đánh chiếm các mục tiêu bên trong khu gia binh . Địch lúc này tiếp tục chống trả rất quyết liệt , cả khu vực khu gia binh chìm trong khói bom đạn và tiếng nổ . Xe thiết giáp K63 chở tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh vừa vượt qua cửa mở vào tới khu gia binh thì Tiểu đoàn trưởng Oánh cùng liên lạc trúng đạn thẳng của địch hy sinh . Như vậy chỉ trong khoảng 20 phút cả hai cán bộ quân sự của Tiểu đoàn 4 bị loại khỏi vòng chiến đấu . Cán bộ quân sự không còn ai , Chính trị viên Tiểu đoàn Vũ Hồng Điệp trực tiếp chỉ huy chiến đấu . Càng phát triển vào phía trong khu vực Sư đoàn 23 cuộc chiến càng diễn ra rất quyết liệt , địch bám vào các lô cốt , hầm hào và các ngôi nhà kháng cự quyết liệt , máy bay địch cũng liên tục bổ nhào ném bom vào đội hình tấn công của ta , Tiểu đoàn cao xạ 37 ly đi phía sau đội hình Tiểu đoàn 4 đã đánh trả quyết liệt máy bay địch nên đã hạn chế được phần nào việc ném bom của chúng . Lúc 10 giờ , 2 xe bọc thép M113 của địch từ phía Bắc khu vận tải ra chặn , Đại đội trưởng Lê Xuân Chuyển liền tổ chức một bộ phận cùng xe tăng truy kích , bắn cháy một xe , chiếc đi sau thấy vậy hoảng sợ bỏ chạy về khu vườn cà phê phía Bắc .

       Tầm 10 giờ 30 , cả 2 đại đội 1 và 3 được sự hỗ trợ của xe tăng bắt đầu đánh phát triển sang Khu truyền tin Sư đoàn 23 . Địch ở các lô cốt phía hai bên đường Mai Hắc Đế và các căn nhà bắn xối xả vào đội hình đại đội 3 và đại đội 1 làm đại đội trưởng Dương , chính trị viên phó Tám , trung đội trưởng Phú , trung đội phó Then và nhiều cán bộ chiến sỹ khác hy sinh và bị thương . Khi đánh vào Khu truyền tin , thấy ngôi nhà này có dàn ăng ten lớn và cột cờ cao. Nghĩ đây là Sở chỉ huy Sư đoàn 23, nên cả đại đội 1 và đại đội 3 đều nỗ lực quyết tâm đánh chiếm. Tiểu đội 9 của đại đội 3 do tiểu đội trưởng Bùi Đức Chín chỉ huy được giao nhiệm vụ lên cắm cờ , anh em đã bấp chấp đạn địch bắn ra ngăn cản vẫn cầm cờ lao lên . Khi cắm được lá cờ ở Khu truyền tin thì cả tiểu đội trưởng Chín và 8 chiến sỹ khác của tiểu đội đều bị thương và hy sinh .

 12 giờ 30 , đại đội 3 và đại đội 1 đã chiếm được Khu truyền tin Sư đoàn 23 . Tại cổng Khu truyền tin Sư đoàn 23 , chữ Khu truyền tin bị đạn ta bắn vào nhiều không còn , chỉ còn chữ Sư đoàn 23 , bộ đội ta tưởng đây là Sở chỉ huy Sư 23 nên đã báo về Trung đoàn , Trung đoàn liền báo về Bộ chỉ huy chiến dịch đã chiếm được Sở chỉ huy Sư 23 , sau đó xác minh lại không phải vì lúc này Sở chỉ huy Sư đoàn 23 vẫn đang chỉ huy quân của chúng . Phát triển tiến công Đại đội 1 , Đại đội 3 cùng xe tăng , xe thiết giáp đánh phát triển sang Khu doanh trại , Khu Tiểu đoàn Quân y . 16 giờ ngày 10/3 , Tiểu đoàn 4 đã chiếm xong 2 khu vực trên và áp sát Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Sự có mặt bất ngờ của bộ binh và xe tăng của Tiểu đoàn 4 ngay sát Sở chỉ huy Sư đoàn 23 lúc này đã thực sự làm cho địch rất bối rối , hoảng sợ . 


    17h30 ngày 10/3/1975 , Sở chỉ huy Chiến dịch quyết định cho tiểu đoàn 4 dừng tấn công , làm công tác chuẩn bị để sáng 11/3 cùng các mũi tấn công tiếp . Kiểm tra lại ngày chiến đấu đầu tiên 10/3 , Tiểu đoàn 4 đã có 87 cán bộ , chiến sỹ bị thương và hy sinh , trong đó có Tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh hy sinh , Tiểu đoàn phó Bùi Văn Bịn bị thương .


    Đêm 10/03 , Bộ chỉ huy Chiến dịch cử Tham mưu phó Chiến dịch - Lê Minh  xuống Sở Chỉ huy Trung đoàn 24 ở khu gia binh nắm lại tình hình , bàn phương án tác chiến tiếp theo . Trong đêm , Trung đoàn phó Trương Văn Việt tổ chức cho cán bộ các đại đội lên sát phía địch nắm  tình hình, thống nhất phương án tác chiến ngày 11/3.

  6 giờ 30 sáng ngày 11/3 , sau những đợt pháo kích dữ dội của ta vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 các mũi tấn công của Sư đoàn 316 , Trung đoàn 95B và mũi tấn công của Tiểu đoàn 4 từ 4 hướng tiếp tục tổ chức tấn công đánh chiếm các mục tiêu còn lại và tiến về Sở chỉ huy Sư đoàn 23 .  

   Đội hình tấn công của Tiểu đoàn 4 sáng ngày 11/3 bố trí dọc theo trục đường Mai Hắc Đế , cứ một xe tăng lại đến một xe bọc thép chở bộ binh . Mặc dù ngày 10/3 cuộc chiến rất quyết liệt nhưng rất may toàn bộ 8 xe tăng, 8 xe bọc thép đi cùng Tiểu đoàn vẫn còn nguyên vẹn .  

  Biết ngày 11/3 ta sẽ tấn công tiếp nên đêm 10/3 , địch ra sức củng cố tuyến công sự phía trước Liên đoàn vận tải 350 và hai bên đường Mai Hắc Đế , địch dựng các chướng ngại vật và dùng xe bồn chở xăng chắn ngang đường Mai Hắc Đế để cản đường xe tăng ta tiến công . 

  6 giờ 45 phút , xe tăng đi đầu vừa nổ súng thì trúng chiếc xe bồn của địch chắn ngang đường , xe bốc cháy dữ dội , lửa cháy trùm kín cả mặt đường , khói đen thành cột cao ngút làm cho các xe tăng , xe bọc thép ở phía trên phải dồn lại . Đại đội trưởng Đại đội 2 - Lê Xuân Chuyển quyết định cho xe tăng và bộ binh đánh phát triển sang trái đường Mai Hắc Đế vào Liên đoàn 350 , khu Vận tải , Khu Bộ Tham mưu . Cùng lúc này Đại đội 1 do Đại đội trưởng Hoàng Xuân Thứ chỉ huy cùng xe tăng , xe bọc thép cũng đánh thẳng lên theo trục đường Mai Hắc Đế về Sở chỉ huy Sư 23 . Địch phản ứng rất dữ dội , hỏa lực của chúng từ các công sự , lô cốt dọc theo đường Mai Hắc Đế bắn ra quyết liệt , trên trời máy bay của chúng liên tục nhào xuống cắt bom , cả trục đường Mai Hắc Đế chìm trong khói bom đạn . Bấp chấp bom đạn địch , xe tăng và bộ binh Tiểu đoàn 4 vẫn dũng mãnh tấn công . Với sự áp đảo của hỏa lực xe tăng , xe bọc thép , các ụ súng , hỏa điểm địch ở phía trước và 2 bên đường Mai Hắc Đế đã nhanh chóng bị xe tăng và bộ binh ta tiêu diệt . Tầm 9 giờ 15 , Tiểu đoàn 4 đã chiếm được khu Liên đoàn 350 , khu quân y , khu chiến tranh chính trị , khu Bộ tham mưu đồng thời tiếp tục tiến đánh về Sở chỉ huy Sư đoàn 23 .


 9 giờ 30 phút , Từ bên phải đường Mai Hắc Đế, Đại đội truởng Đại đội 2 - Lê Xuân Chuyển đã nhìn thấy dòng chữ lớn BỘ TƯ LỆNH ghi trên cổng Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , anh liền hội ý với Đại đội trưởng đại đội 9 xe tăng  - Đoàn Sinh Hưởng : Tập trung hỏa lực bắn mạnh về phía bọn địch đang chống trả ở phía trước cổng chính của Sở chỉ huy Sư đoàn 23 .


  10 giờ , sau khi tiêu diệt được cụm hỏa lực của địch chốt giữ ở 2 bên cổng chính . Xe tăng 980 do đại đội trưởng Đại đội 9 - Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã xông thẳng vượt qua cổng chính , tiến vào bên trong Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , tiếp sau xe 980 là các xe tăng 978 ,  815 và 703 . Tiếp sau Đại đội 2 , xe tăng , xe thiết giáp cùng bộ binh Đại đội 1 cũng  dũng mãnh vượt qua cổng chính tiến vào bên trong , nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu còn lại ở Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Địch ở đây một phần đã bỏ chạy, số còn lại chống cự yếu ớt đã nhanh chóng bị tiêu diệt . Biết không chống đỡ nổi , tên Đại tá Vũ Thế Quang - Tư lệnh Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 và tên Tỉnh trưởng Tỉnh Đắc Lắc - Nguyễn Trọng Luật vội vã cởi quần áo lính , bỏ chạy theo cổng sau về phía vườn cà fe nhưng chạy chưa được 500 m , Nguyễn Trọng Luật đã bị các chiến sỹ Đại đội 3 do Chính trị viên Ngô Duy Chuyên chỉ huy truy đuổi bắt sống . Vũ Thế Quang lẩn trốn cũng không thoát , ngày hôm sau 12/3 cũng đã bị các chiến sỹ Trung đoàn 174 tóm được . 

 

  Tầm 10 giờ 30 phút sáng 11/3 , Tiểu đoàn 4 cùng xe tăng của Đại đội tăng 9 và xe thiết giáp của Đại đội 6 đã làm chủ hoàn toàn Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Khoảng 30 phút sau , cánh quân của Sư đoàn 316 ở hướng Tây Nam và cánh quân của Trung đoàn 95B từ hướng Đông Bắc cũng tiến vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và gặp cánh quân của Tiểu đoàn 4 tại đây . Trận Buôn Ma Thuột đến đây kết thúc .

Nhận xét