SƯ ĐOÀN 10 TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN 

                                       Phần II 

                   CUỘC CHUYỂN QUÂN BÍ MẬT 


 Ngày 15/1/1975 , tại hội nghị Phòng Tham mưu Mặt trận Tây Nguyên , Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã chính thức giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 10 : Cơ động Sư đoàn ( thiếu ) về Nam Tây Nguyên để đánh căn cứ Đức Lập . Như vậy Sư đoàn sẽ phải thực hiện nhiệm vụ ở cả hai nơi , cánh Bắc ( Kon Tum ) và cánh Nam ( Đức Lập ) . Để thực hiện nhiệm vụ mới mà Bộ Tư lệnh Mặt trận giao cho , Đảng ủy Sư đoàn họp quyết định : Giao Trung đoàn 24 hiện đang chốt giữ khu vực phía Bắc thị xã Kon Tum , tiếp tục ở lại đây thực hiện nhiệm vụ , Trung đoàn 66 , Trung đoàn 28 và các đơn vị còn lại của Sư đoàn sẽ cơ động về Nam Tây Nguyên . Nhưng sau đó tình hình thay đổi , Mặt trận Tây Nguyên được Bộ Tổng Tư lệnh điều Sư đoàn 968 từ bên Lào sang , vào thay vị trí của Sư đoàn 10 nên toàn bộ Sư đoàn sẽ cơ động về Nam Tây Nguyên chứ không như phương án lúc đầu để lại Trung đoàn 24 ở Bắc Tây Nguyên . Nhiệm vụ của Sư đoàn lúc này cũng có thay đổi , ngoài nhiệm vụ đánh Đức Lập , Sư đoàn được Bộ Tư lệnh Mặt trận giao bổ xung thêm nhiệm vụ : Tổ chức một mũi thọc sâu cấp Tiểu đoàn , có xe tăng , xe thiết giáp , pháo cao xạ đi cùng tấn công đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ở thị xã Buôn Ma Thuột cùng Sư đoàn 316 .

 Thời gian này do Mặt trận chưa cho biết  Sư đoàn cơ động về Nam Tây Nguyên bằng ô tô hay hành quân bộ nên Sư đoàn phải gấp rút xây dựng cả 2 phương án , một phương án hành quân bộ và một phương án hành quân bằng ô tô . Bộ phận lập kế hoạch hành quân do Thiếu tá Đoàn Ngọc Anh - Trưởng ban Tác chiến của Sư đoàn phải vật lộn với kế hoạch, không khác gì chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến , từ việc tổ chức tiền trạm khi hành quân bộ , khi hành quân có xe, cung trạm, thời gian , địa điểm từng khối trên trục đường, rồi kế hoạch thứ tự rút quân của các Trung đoàn từ khu vực đang chốt giữ ra địa điểm tập kết, bàn giao trận địa chốt cho đơn vị bạn , tất cả đều được nghiên cứu để hoàn chỉnh tới từng chi tiết . Rất mừng là ngày 21/1/1975 , Mặt trận Tây Nguyên thông báo có xe của đoàn 559 đến vận chuyển Sư đoàn về Nam Tây Nguyên . Tin có xe ô tô của Chiến dịch cơ động cả Sư đoàn về Nam Tây Nguyên làm cho cán bộ , chiến sỹ trong toàn Sư đoàn rất phấn chấn . Đây là lần đầu tiên đi đánh trận Sư đoàn được hành quân bằng ô tô .

  Việc chuyển cả Sư đoàn từ Bắc Tây Nguyên về Nam Tây Nguyên dài hơn 300 km làm sao an toàn , bí mật , địch không biết là một  vấn đề lớn được đặt ra đối với Sư đoàn cần phải giải quyết . Từ trước tới nay địch luôn theo dõi xít sao sự di chuyển của Sư đoàn , chúng cho rằng Sư đoàn 10 chuyển về đâu thì đánh lớn sẽ diễn ra ở đó . Do vậy việc quán triệt cho cán bộ , chiến sỹ của Sư đoàn làm tốt công tác giữ gìn bí mật lúc này hết sức quan trọng  . Ngoài việc giáo dục giữ gìn bí mật thì một loạt biện pháp cũng được Sư đoàn đề ra như : cấm tất cả bộ đội tiếp xúc với dân vì khu hậu cứ của các Trung đoàn ở phía sau đều gần dân , nếu không giữ bí mật tốt dân sẽ biết và dân biết thì địch cũng sẽ biết . Hai là chỉ đạo cho các đơn vị đang chốt tiếp tục củng cố tuyến công sự , hầm hào rồi tổ chức cho cơ quan , đơn vị gùi đạn , lương thực , thực phẩm ra tuyến chốt sử dụng hẳn trong một tháng để mọi người không nghĩ việc Sư đoàn sẽ rút đi . Ngoài ra để địch không biết Sư đoàn rút đi , các đơn vị của Sư đoàn 968 khi vào thay các đơn vị của Sư 10 đều được chuyển sang mang phiên hiệu của Sư đoàn 10 , đặc biệt là tổ máy 15 W của Sư đoàn , lâu nay địch theo dõi rất chặt chẽ sự di chuyển của Sư đoàn qua việc di chuyển nơi làm việc của tổ máy này nên cả người và máy 15 W đều được ở lại , hàng ngày đến giờ làm việc vẫn phát sóng bình thường làm cho địch không nghĩ rằng Sư đoàn đã rút đi . Việc Sư đoàn rút ra rồi chuyển về Nam Tây Nguyên kể cả Sư đoàn 968 , đơn vị vào thay Sư 10 cũng hoàn toàn không được biết Sư 10 rút ra làm nhiệm vụ gì và đi đâu chỉ được thông tin Sư 10 rút về tuyến sau huấn luyện và cơ động trong phạm vi tỉnh Kon Tum . Ngay cả đối với tỉnh Kon Tum , một địa phương Sư đoàn đã bao năm gắn bó và nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của Đảng bộ , chính quyền và nhân dân ở đây , nhưng vì bí mật nhiệm vụ , Sư đoàn cũng không dám thông báo cho Tỉnh biết . Gần tết , ngày Sư đoàn sắp dời đi , đồng chí Quyết - Bí thư tỉnh ủy dẫn đầu một đoàn cán bộ đến  Sư đoàn chúc tết . Cuộc trò truyện giữa Chỉ huy Sư đoàn với các đồng chí ở Tỉnh ủy diễn ra rất ấm áp , vui vẻ nhưng việc Sư đoàn chuẩn bị chuyển về Nam Tây Nguyên nhận nhiệm vụ mới hoàn toàn cũng không được Chỉ huy Sư đoàn tiết lộ .


  Ngày 15/1/1975 , Sư đoàn 968 từ Lào hành quân sang đã có mặt ở Kon Tum . Những ngày sau đó Sư đoàn đã lần lượt bàn giao các vị trí chốt cho đơn vị bạn . Các cuộc bàn giao thay thế ở các tuyến chốt đều diễn ra vào ban đêm , rất bí mật . Rất mừng là việc Sư đoàn 968 vào tiếp nhận và Sư đoàn rút ra đều suôn sẻ , an toàn , địch hoàn toàn không biết Sư đoàn 968 đã vào thay vị trí của Sư 10  

  Thời điểm Sư đoàn rút ra để chuẩn bị cơ động về Nam Tây Nguyên lúc này đúng vào gần tết Nguyên Đán năm 1975 . Do mấy năm tổ chức tăng gia sản xuất tốt nên đơn vị nào cũng chăn nuôi được lợn , gà . Sư đoàn quyết định phải tổ chức cho bộ đội ăn tết lớn hơn mọi năm , mỗi người được 3 chiếc bánh chưng , mỗi chiếc bánh đủ 4 lạng gạo nếp và 1,5 Lạng thịt , tết năm đó mỗi người còn được 2 điếu thuốc lá , 5 chiếc kẹo do Bác Tôn gửi tặng . Có lẽ đây là cái tết rôm rả , tươm tất nhất từ khi Sư đoàn thành lập .

  Ngày 20/2 , giữa lúc các đơn vị trong Sư đoàn đang chuẩn bị đón tết thì đồng chí Quỳnh - Trung đoàn trưởng Trung đoàn ô tô vận tải của đoàn 559 đến làm việc với Sư đoàn về kế hoạch chuyển quân . Hai bên đã bàn bạc rất kỹ về kế hoạch chuyển quân , số lượng xe, thời gian và địa điểm xe tập kết , lộ tiêu và người đón xe . Quy định tất cả các xe vào bãi đón bộ đội phải vào lúc trời đã tối , 21 giờ 30 phút bộ đội mới được lên xe . Từ khu tập kết ra bãi xe các đơn vị phải tổ chức đi đêm để đảm bảo giữ bí mật . Đội hình hành quân của Sư đoàn chia thành 4 khối , trình tự mỗi khối cách nhau một đêm . Trung đoàn 66 là đơn vị xuất phát đầu tiên sau đó đến Cơ quan Sư đoàn rồi đến Trung đoàn 28 , Trung đoàn 24 là đơn vị đi sau cùng . Quá trình hành quân tất cả các xe đều phải được ngụy trang cẩn thận , xe chạy không được quá tốc độ 20 km/ giờ và phải chạy bằng đèn gầm , cấm  tất cả các đơn vị không được sử dụng mạng vô tuyến điện , cuối ngày đến trạm nào thì chỉ huy đơn vị báo cáo theo đường dây hữu tuyến của trạm về Sư đoàn theo các mật ước đã quy định . Mỗi Trung đoàn khi ra khu tập kết đều có 2 ngày để làm công tác chuẩn bị . Nhìn chung tất cả các đơn vị đều chấp hành nghiêm các quy định trong hành quân của Sư đoàn . Ngày 26 tháng 2 năm 1975, Trung đoàn 66, khối hành quân đầu tiên của Sư đoàn 10 bí mật rời khỏi hậu cứ Kleng về tập kết ở phía bắc dãy núi Chư Mon Ray rồi tiếp tục hành quân cơ giới về nam Tây Nguyên. Những ngày tiếp theo là Trung đoàn 28, Sư đoàn bộ và các đơn vị còn lại của Sư đoàn . Có thể nói đây là cuộc chuyển quân quy mô lớn nhất của Sư đoàn từ trước tới nay . Bao nhiêu năm chiến đấu đều phải hành quân bộ , lần này ra trận được ô tô chuyên chở đây thực sự là ước mơ ngoài sức tưởng của bộ đội ta . Nhìn đoàn ô tô xếp hàng dài tới vài km bộ đội ta ai cũng rất phấn khích , đoán già , đoán non lần này sẽ đánh lớn .  

 Từ Chư Mom Ray đoàn xe chở Sư đoàn chạy ra đường Hồ Chí Minh rồi xuôi về Cánh Nam , nhìn mảnh đất Kon Tum bao nhiêu năm gắn bó với bao nỗi vất vả , gian khó , với bao máu xương của cán bộ , chiến sỹ Sư đoàn đã đổ xuống đang xa dần lòng mọi người ai cũng như chùng xuống . 

Ngày 3 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 24 khối hành quân cuối cùng của Sư đoàn đã tới Đắc Đam , một địa điểm thuộc đất Cam Pu Chia cách Buôn Ma Thuột về phía Bắc chừng 30 km . Đây là điểm tập kết     chiến dịch . Cuộc chuyển quân của Sư đoàn đã hoàn thành tốt đẹp , không có một sự cố gì xảy ra . 

Nhận xét