TẤN CÔNG TIÊU DIỆT CĂN CỨ TRUNG ƯƠNG PÔN PỐT Ở TÀ SANH

                             Nguyễn Đình Thi 


   Sau khi Phnom Penh thất thủ , chính quyền Khơ Me đỏ quyết định rút chạy về phía tây và tây nam tỉnh Battambang . Ý đồ của chúng dựa vào vùng rừng núi hiểm trở giáp biên giới Thái Lan để củng cố lực lượng , chiến đấu lâu dài chống lại ta . Cơ quan trung ương của Pôn Pốt đóng ở thung lũng Tà Sanh , Săm Lốt , cách thị xã Battambang khoảng 60 km về phía tây nam , cách biên giới Thái Lan 12 km . Tại đây lực lượng của chúng khá đông , khoảng 8000 quân . Tuy là căn cứ mới chuyển đến nhưng việc bố phòng của chúng ở đây khá vững chắc . Chúng lập thành 3 tuyến . Tuyến ngoài cùng là gia đình lính mà chúng đưa đi theo , tiếp theo là tuyến phòng thủ 1 với rất nhiều công sự , hầm hào và bãi mìn . Tiếp đến là tuyến phòng thủ 2 , sau tuyến phòng thủ 2 mới đến Cơ quan của Pôn Pốt .

Lúc này việc tiêu diệt bọn thủ lĩnh của chính quyền Khơ Me đỏ là một vấn đề quan trọng đặt biệt đối với ta và bạn . Vì chưa tiêu diệt được bọn đầu sỏ này thì chúng vẫn dựa vào đại diện của chúng tại Liên hợp quốc gây bất lợi lớn cho bạn về mặt chính trị . Đầu tháng 3/1979 ,Tiền phương Bộ Quốc phòng của ta kết hợp với bạn đã quyết định mở chiến dịch mang tên CHIẾN DỊCH III . Chiến dịch này quy mô tuy không lớn như chiến dịch mở màn A88 nhưng chiến dịch này là một chiến dịch hết sức đặt biệt nhằm tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não của chính quyền Khơ Me đỏ .

Lực lượng tham gia CHIẾN DỊCH III gồm có Sư đoàn 10 , Sư đoàn 31 , Sư đoàn 309 của Quân khu 7 , Trung đoàn 726 cùng các đơn vị pháo binh và xe tăng của Quân đoàn . Quân đoàn 3 được Tiền phương Bộ Quốc phòng giao là đơn vị tấn công chính đánh chiếm căn cứ chỉ huy đầu não của chính quyền Khơ Me đỏ ở Tà Sanh , Săm Lốt . Sư đoàn 309 và Trung đoàn 726 đánh phối hợp ở phía Tây Pu Sát nhằm thu hút một lực lượng địch , tạo điều kiện cho hướng tấn công chủ yếu của Quân đoàn 3 .

Thực hiện nhiệm vụ của Tiền phương Bộ Quốc phòng giao cho , ngày 13/3/1979 , Sở chỉ huy Quân đoàn ở Xiêm Riệp đã gấp rút di chuyển đến Battambang để chỉ huy trận đánh  . Ngày 22/3/1979 , Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã điều Sư đoàn 31 đang đứng chân ở Xiêm Riệp về Battambang để chuẩn bị tham gia chiến dịch . Một điều thật không may đối với Quân đoàn , ngày 16/3/1979 , Thiếu tướng Kim Tuấn - Tư lệnh Quân đoàn trên đường xuống kiểm tra công tác chuẩn bị chiến dịch của Sư đoàn 31 thì bị địch phục ở Ph Tốc , cách Battambang chừng 50 km , đồng chí Tư lệnh Quân đoàn bị thương nặng , ngày hôm sau thì hy sinh . Đây thực sự là một tổn thất lớn đối với Quân đoàn , đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến của Quân đoàn đang diễn ra rất quyết liệt . Đồng chí Nguyễn Quốc Thước- Phó Tư lệnh Quân đoàn trực tiếp chỉ huy trận đánh.

   Sau khi nghiên cứu tình hình địch ở khu vực Tà Sanh , Săm Lốt . Phương án tác chiến của Quân đoàn như sau :

- Sử dụng Sư đoàn 31 là lực lượng chủ yếu đánh vào căn cứ Trung ương Pôn Pốt ở Tà Sanh , Tức Sóc . Trong đó sử dụng Trung đoàn 866 cùng 8 xe thiết giáp M113 đánh hướng chủ yếu vào căn cứ Tà Sanh . Trung đoàn 922 đánh ở Đông Nam Tà Nghen để nghi binh . Trung đoàn 977 đánh địch ở khu vực Căng Hót , Thơ Min và làm dự bị .

- Sư đoàn 10 được tăng cường 4 xe tăng T54 của đại đội tăng 4 , 16 xe thiết giáp M113 của đại đội thiết giáp 5 và 8 có nhiệm vụ đánh vào căn cứ Trung ương Khơ Me đỏ ở Săm Lốt . Trong đó Trung đoàn 24 sử dụng Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 6 cùng xe tăng , xe bọc thép đánh hướng chủ yếu , Tiểu đoàn 5 luồn về phía sau Săm Lốt chặn không cho địch chạy sang Thái Lan . Trung đoàn 66 đánh phối hợp ở Chi Săng , Păng Rô Lin .

Do giai đoạn này đang là cuối mùa khô , khu vực tác chiến toàn là rừng núi , không có sông suối , nước rất hiếm , bộ đội mỗi người mang theo một bi đông nước nhưng vẫn không đủ . Bộ phận luồn sâu về phía sau của Trung đoàn 24 thiếu nước , có người phải dùng nước tiểu để uống . Sư đoàn 10 và Sư đoàn 31 đều phải dùng xe tải chở nước đi theo . Riêng Sư đoàn 31 phải chở tới 100 thùng phi nước .

Ngày 24/3 , Quân đoàn chỉ đạo cho các đơn vị bắt đầu nổ súng đánh chiếm các vị trí bàn đạp . Trung đoàn 66 của Sư đoàn 10 đánh chiếm Chi Săng , Păng Rô Lin , Trung đoàn 977 của Sư đoàn 31 mở rộng địa bàn , đánh chiếm Căng Hót , Thơ Min . Trung đoàn 922 đánh thu hút địch ở Nam Tà Nghen . Riêng Trung đoàn 866 , do mục tiêu xa nên từ chiều ngày 23/3 đã bí mật cơ động về hướng Tà Sanh chiếm lĩnh trận địa

Sáng ngày 27 tháng 3 , cuộc tấn công vào Tà Sanh bắt đầu . 6 giờ 30 phút , Sư trưởng Sư đoàn 31 - Phạm Đình Tê đã ra lệnh nổ súng , các trận địa pháo binh của Sư đoàn và Quân đoàn đã cấp tập bắn vào căn cứ Tà Sanh . Ở hướng tấn công chủ yếu của Trung đoàn 866 , lợi dụng lúc pháo binh bắn áp chế các mục tiêu , Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 - Mai Nga đã chỉ huy tiểu đoàn cùng 4 xe thiết giáp xông lên tấn công . Khi phát triển đến gần mục tiêu thì vướng bãi mìn và bị địch bố trí ở các công sự , hầm hào chống trả quyết liệt . 2 xe tăng địch đặt ngầm dưới đất dùng hỏa lực bắn chặn làm nhiều cán bộ , chiến sỹ Tiểu đoàn 3 bị thương và hy sinh . Đội hình Tiểu đoàn 3 phải phải dừng lại ở mép rừng . Trước tình hình trên , trung đoàn trưởng Bùi Thanh Điếm quyết định đưa đại đội 5 của Tiểu đoàn 2 , vu hồi luồn phía Đông đánh vào cụm xe tăng địch , đồng thời đưa tiếp 3 xe thiết giáp ở thê đội 2 lên tham gia tấn công . Sau 30 phút dùng hỏa lực các loại bắn cấp tập vào các mục tiêu trong căn cứ , mũi tấn công vu hồi của Đại đội 5 - Tiểu đoàn 2 cùng 4 xe thiết giáp đã nổ súng tấn công vào cụm xe tăng địch . Ở hướng chính diện của Tiểu đoàn 3 , 4 xe thiết giáp cũng dàn hàng ngang dùng hỏa lực tấn công tiêu diệt các mục tiêu chi viện cho bộ binh tấn công . Từ phía Bắc mũi tấn công vu hồi của Tiểu đoàn 1 cũng đánh tới . Bị pháo binh ta bắn phá , nay lại thấy xe thiết giáp và bộ binh của ta từ các hướng , phía trước mặt , phía bên sườn tấn công , địch hoảng loạn bỏ chạy . Thừa thắng , các xe thiết giáp của ta ào lên , dùng xích sắt trà lên các công sự , rất nhiều tên địch đã bị tiêu diệt . Mất tuyến phòng thủ vòng ngoài , bọn đầu sỏ trong căn cứ Trung tâm Tà Sanh hoảng loạn , một mặt chúng điều lính và xe tăng ra chặn , một mặt tìm cách trốn chạy . 8 xe thiết giáp cùng bộ binh Tiểu đoàn 3 tập trung hỏa lực đánh trả quyết liệt . Sau 30 phút chiến đấu , phần lớn quân địch ở đây đã bị tiêu diệt . Hai xe tăng địch bỏ chạy về hướng Săm Lốt , các xe này đã bị cánh quân của Trung đoàn 24 chặn đánh , địch hoảng sợ bỏ luôn cả xe chạy tháo thân . Tiểu đoàn 3 , đại đội 5 - Tiểu đoàn 2 đã nhanh chóng đột phá vào khu trung tâm cứ điểm , Tiểu đoàn 1 cũng hình thành một mũi đánh vào phía Tây Bắc căn cứ . Bị đánh ở nhiều hướng , bọn địch trong căn cứ hoảng loạn tháo chạy về phía tây nhưng hầu hết số tàn quân này bị ta đón lõng bắt làm tù binh. Các chiến sĩ nuôi quân của tiểu đoàn 1 cũng tham gia đánh địch, bắn cháy 1 xe tăng . Đến 10 giờ ngày 27 tháng 3 , Trung đoàn 866 đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Tà Sanh . Trung đoàn tiếp tục truy quét rộng ra xung quanh cứ điểm . Tại đây ta thu 140 kho vũ khí , đạn dược, phương tiện chiến tranh của địch , trong đó có gần 8 tấn vàng còn nguyên đai , nguyên kiện được chúng chôn dưới đất không kịp mang đi . Phát huy thắng lợi , sáng ngày 28/3, Trung đoàn 866 tiếp tục tiến về phía Nam . 10 giờ ngày 29 tháng 3, tiểu đoàn 2 đánh chiếm được Phum Tức Sóc nơi đặt đài phát thanh và cơ quan Trung ương của tàn quân địch. Cùng thời gian này Tiểu đoàn 1 trên đường cơ động vào Tuôn Tắc đã phát hiện đánh chiếm đoàn xe con của cơ quan Trung ương và Bộ ngoại giao Khơ Me đỏ, thu nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có 2 con dấu Bộ ngoại giao và Vùng IV , 1 hộ chiếu của Iêng Xa Ry . Pôn Pốt cùng đồng bọn của chúng đã xuyên rừng chạy thoát sang biên giới Thái lan .

Ở hướng tấn công của Sư đoàn 10 ở Săm Lốt , Trung đoàn 24 cũng chia thành 2 mũi tấn công . Mũi của Tiểu đoàn 5 do Tiểu đoàn trưởng Phạm Quang Hợi chỉ huy từ ngày 25/3 đã bí mật xuyên rừng luồn về phía sau căn cứ Săm Lốt bao vây . Mũi chính diện do Tiểu đoàn 6 và Tiểu đoàn 4 đảm nhiệm . Sáng 27/3 , sau khi pháo binh bắn phá Săm Lốt , bộ binh Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 6 cùng xe tăng , xe thiết giáp từ 2 hướng Nam và Tây Bắc đã dũng mãnh xông lên tấn công . Địch lúc đầu còn tổ chức chống trả nhưng bị quân ta đánh mạnh và đặc biệt bị mũi vu hồi của Tiểu đoàn 5 đánh từ phía sau đến làm cho đội hình của chúng nhanh chóng bị phá vỡ . Địch hoảng loạn bỏ chạy . Xe tăng , xe thiết giáp cùng bộ binh của Trung đoàn liền tổ chức truy kích . 17 giờ chiều ngày 27/3, Trung đoàn đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Săm Lốt . Diệt khá nhiều địch . Bắt 152 tên , thu 105 xe vận tải , 2 xe tăng cùng nhiều súng các loại , một ba lô tiền đô la Mỹ , giải phóng hơn 9000 dân .

Chiến dịch III đến đây cũng kết thúc . Với chiến thắng Tà Sanh , Săm Lốt ta đã đập tan căn cứ Trung ương cuối cùng của chính quyền Khơ Me đỏ , gây cho địch tổn thất rất nặng nề về nhân lực , hậu cần và phương tiện chiến tranh . Giải phóng toàn bộ vùng phía Tây của tỉnh Battambang , tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng CPC phát triển , nhưng rất tiếc trong chiến dịch này do khu vực rừng núi phía sau Tà Sanh hiểm trở , ta không tổ chức lực lượng chặn phía sau được nên bọn đầu sỏ Pôn Pốt - Iêng Xa Ri đã chạy thoát .



Nhận xét