THĂM TUYẾN VÀNH ĐAI BIÊN GIỚI ĐÔNG BẮC TỔ QUỐC

                         Nguyễn Đình Thi


    Khoảng  9 giờ sáng ngày 13/6/2017, đoàn chúng tôi gồm Trung tướng Phạm Quang Hợi, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú , Đại tá Nguyễn Hồng Tuy , Tiến sỹ Vũ Thành Chương , anh Trần Quốc Bình , anh Ngô Duy Chuyên , cô giáo Nguyễn Trung Du và tôi có mặt ở cửa khẩu Hoành Mô. Đại tá Nguyễn Thế Phẳng - Phó chỉ huy đoàn 327 dẫn đoàn chúng tôi vào làm việc với đồn biên phòng cửa khẩu Hoành Mô. Mọi việc diễn ra rất nhanh do đoàn 327 và đồn biên phòng cùng bảo vệ tuyến biên giới này. Tại cửa khẩu, hàng hoá qua lại giữa 2 bên rất nhộn nhịp nhưng việc vận chuyển hoàn toàn bằng các xe kéo tay chứ không như các cửa khẩu khác hàng hoá qua lại bằng các xe ô tô. Đại tá Phẳng giải thích: Để tạo công ăn việc làm cho người dân bám biên giữ đất, chính phủ hai bên đã thống nhất không cho các phương tiện cơ giới chở hàng qua đây mà chỉ được dùng phương tiện xe kéo tay. Các chủ hàng phải trả tiền thuê dân kéo, nhờ đó mà mỗi ngày, một người kéo xe cũng kiếm được vài trăm ngàn.

Chụp ảnh kỷ niệm xong, đại tá Phẳng dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực cửa khẩu. Chỉ tay về một bụi tre ở phía bên phải, đại tá Phẳng bảo: Bụi tre kia trước đây do Việt Nam quản lý, sau này phân định lại, bụi tre lại thuộc đất Trung Quốc. Đại tá  kể: Khu vực này vào năm 2004 xảy ra tranh chấp rất quyết liệt, mỗi ngày ở cả 2 bên có tới hàng ngàn người dân dùng đá ném sang nhau để bảo vệ chủ quyền. Sau khi 2 bên phân định xong biên giới thì việc ném đá cũng chấm dứt. Hiện tại, những người dân hàng ngày kéo xe hàng qua biên giới có cả người Việt Nam và người Trung Quốc, họ trò chuyện với nhau rất vui vẻ, thân thiện. Thế mới biết chuyện đánh nhau chủ yếu là do Lãnh đạo, còn người dân dù là Việt Nam hay Trung Quốc họ chỉ muốn 2 bên yên ổn để làm ăn. 

9h 30 đoàn chúng tôi dời cửa khẩu Hoành Mô đến thăm Lâm trường 155 thuộc đoàn kinh tế - Quốc phòng 327. Lâm trường này do Quân đội quản lý, nhiệm vụ vừa trồng rừng, vừa bảo vệ rừng, vừa bảo vệ biên giới. Tại đây, chúng  tôi thấy chỗ ăn, ở của bộ đội đều được đảm bảo. Tuy vậy Đại tá Nguyễn Thế Phẳng bảo: Anh em bộ đội ở đây được Quân đội tăng phụ cấp gấp đôi nhưng vẫn vất vả lắm, cán bộ Đại uý, Thiếu tá nhiều khi vẫn phải đi cuốc đất trồng cây như  anh em. Bộ đội bảo vệ biên giới thời nào cũng vất vả, gian khổ là vậy đó. 

Dời Lâm trường 155, chúng tôi bắt đầu tham quan tuyến vành đai biên giới phía Bắc thuộc địa bàn Quân khu 3 quản lý. Trung tướng Phạm Quang Hợi - nguyên Tư Lệnh Quân khu 3, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng tuyến vành đai biên giới của Quân khu  ngồi cạnh tôi kể: Tuyến vành đai biên giới Quân khu 3 được khởi công xây dựng từ năm 1996, đường được đổ bằng bê tông, rộng 3,5m bám theo đường biên, có những chỗ đường cách Trung Quốc chỉ một con suối nhỏ. Theo anh em đoàn 327 kể: Sau khi bên mình làm đường vành đai biên giới, bên Trung Quốc cũng triển khai làm. Nhìn sang phía Trung Quốc tôi thấy đường của họ rộng hơn, nhà cửa ven đường biên xây dựng toàn nhà cao tầng hoành tráng hơn bên Ta, họ còn dựng hàng rào sắt dọc theo tuyến biên giới và sơn đồng màu xanh. Ngẫm lại câu nói của các Cụ ngày xưa thật chí lý: " Láng giềng  yêu nhau phải rào dậu cho kỹ ". Cảm  ơn Cha ông ta ngàn đời nay đã giữ vững biên cương nước Việt. Cảm ơn Đại tướng Phạm Văn Trà, người đã đề ra chủ trương làm đường vành đai biên giới.Thật tự hào, thật đáng mừng cho thế hệ con cháu chúng ta sau này.

Khoảng 10 giờ trưa, sau khi dừng lại nghỉ dọc đường ăn trái cây và chụp ảnh kỷ niệm, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình về cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Thú thật trước lúc đi, tôi cũng đã xác định chuyến đi tuyến vành đai biên giới chắc sẽ vất vả, gian khổ. Nhưng trái với suy nghĩ của tôi, suốt hơn 70 km từ Hoành Mô về Móng Cái tôi thấy đường đi rất " ngon lành", đường khá phẳng, mặc dù quanh co, gấp khúc, lên  xuống liên tục nhưng không sóc, không ổ voi, ổ gà, không bị sụt lún hay nứt, nhiều đoạn xe có thể chạy tốc độ 40/km/ giờ. Đường đã xây dựng được 21 năm, trải qua bao biến đổi của thời tiết mà vẫn giữ được như hôm nay chứng tỏ chất lượng thi công rất tốt. Mọi người ai cũng khỏe mạnh kể cả Nguyễn Trung Du người rất hay say xe mà lần này vẫn thấy vui vẻ, cười tươi. Hai bên đường, hoa sim tím ngát, bỗng Trung Du cất lên tiếng hát: “Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa sim…” khiến mọi người đều thấy bồi hồi xao xuyến. Có đi trên tuyến đường vành đai biên giới mới thấy hết được vẻ đẹp của đất Việt mình , nhiều chỗ cảnh đẹp đến mê hồn , xe ô tô của tôi có lúc đi trong mây, chả là đi trên núi cao ào một cái mây đến phủ kín rồi lại trôi đi nhanh, đi rồi nhìn lại, thấy con đường uốn quanh như một dải lụa mềm mại ngay dưới chân mình. Cũng có đi trên tuyến vành đai biên giới mới thấy hết  được công sức của bộ đội làm nên con đường này và hàng ngày đang bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc. Trung tướng Phạm Quang Hợi  kể: Hôm nay các anh đi thấy đường xá thuận tiện thế này chứ ngày làm đường gian khổ lắm, khu vực thi công đều là núi cao, vực sâu, không có đường xá nào cả, cũng không có dân, đưa được vật tư đến để thi công vô cùng gian nan, phải chặt cây mở lối rồi mới cho xe vào ủi được, có chỗ thi công không có nước phải dùng xe téc chở nước từ xa đến, cực nhất là mùa đông, ở biên giới có ngày rét tới 0 độ C, bộ đội cứng cả tay chân, phải đốt lửa sưởi rồi mới đi làm được. Không biết thế hệ sau này có nhớ tới những người không quản thân mình xây nên công trình “Vạn Lý Trường thành” vĩ đại này không ?

   12 giò 30, đoàn chúng tôi dừng ăn trưa tại nhà hàng cách Móng Cái 3km rồi tiếp tục hành trình ra Mũi Ngọc - Nơi trên bản đồ hình chữ S ghi 0km. Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc số O và bên bức phù điêu màu xanh có khắc hình 3 ngọn dương đang vươn thẳng, kiêu hãnh lên bầu trời với hai câu thơ của Tố Hữu: “Từ Móng Cái rừng dương đến Cà Mau rừng đước”. Điểm dừng chân nơi đây đã kết thúc hành trình tham quan tuyến biên giới phía Bắc của Tổ Quốc và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp về một chuyến đi có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người chúng tôi.



Nhận xét