TRẬN ĐÁNH CĂN CỨ 53 VÀ SÂN BAY PHỤNG DỰC ( SÂN BAY HOÀ BÌNH ) - TRẬN ĐÁNH KHỐC LIỆT VÀ BI THƯƠNG NHẤT TRONG TRẬN ĐÁNH BUÔN MA THUỘT - THÁNG 3/1975 . ( Phần 1 )

                       Nguyễn Đình Thi - Sư đoàn 10

.  


 Lâu nay mọi người thường biết đến trận đánh vang dội của ta ở thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10 và 11/3/1975 nhưng ít ai biết được trận đánh cùng ngày hôm đó ở sân bay Phụng Dực ( sân bay Buôn Ma Thuột ngày nay ) và căn cứ 53 . Đây là một trong 5 mục tiêu quan trọng của trận đánh thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 . Trong trận đánh này , từ ngày 10/3 đến ngày 17/3/1975 , ta đã sử dụng tới 3 Trung đoàn ( Trung đoàn 66 , Trung đoàn 149 , Trung đoàn đặc công 198 ) , 2 đại đội xe tăng , cả pháo binh , pháo cao xạ mà sang ngày thứ 8 mới dứt điểm được căn cứ này , trong khi thị xã Buôn Ma Thuột ta chỉ đánh có 1,5 ngày là dứt điểm . Có thể nói đây là trận đánh khốc liệt và bi thương nhất của ta trong trận Buôn Ma Thuột tháng 3/1975 . 

                                  


                                    PHẦN I

    TRẬN CHIẾN ĐÊM NGÀY 9 VÀ NGÀY 10/3/1975


Sân bay Hoà Bình ( còn gọi là sân bay Phụng Dực ) và Căn cứ 53 là một trong 5 mục tiêu quan trọng của trận Buôn Ma Thuột . Sân bay này cách thị xã Buôn Ma Thuột 8 km về hướng Đông , cạnh sân bay là Căn cứ 53 . Căn cứ 53 là hậu cứ của Trung đoàn 53 thuộc Sư đoàn 23 , trong căn cứ 53 còn có hậu cứ của Trung đoàn 44 . Sân bay Hoà Bình được  xây dựng trên khu vực bằng phẳng, kẹp giữa 2 trục đường , Đường 21A , Buôn Ma Thuột đi Khánh Dương và đường 21B , Buôn Ma Thuột đi Trung Hoà , Đà Lạt. Sân bay rộng chừng 12 héc ta, Căn cứ 53 rộng 5 héc ta, xung quanh trống trải, cách xa từ 400 mét đến 1000 mét trở ra có các đồn điền cao su và cà phê . Lực lượng địch ở Căn cứ 53 gồm có : Sở chỉ huy Trung đoàn 53 , hậu cứ Trung đoàn 44 , tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 53 , đại đội thám sát của Trung đoàn 53 , quân số của chúng ở đây lúc đầu khoảng 500 tên . Căn cứ 53 trước đây là căn cứ của quân đội Mỹ nên được chúng xây dựng rất kiên cố . Bao quanh căn cứ có từ 6 đến 8 lớp rào thép gai và một hào chống tăng rộng 3 mét, sâu 1,4 mét chạy suốt 4 phía , trong cùng là bờ thành đắp cao 2,5 mét, mặt thành rộng tới 1,2 mét được cấu trúc công sự bắn và ẩn nấp giống như một pháo đài , bên trong căn cứ phân thành nhiều khu, ngăn cách bằng 1 lớp rào dây thép gai . Trong khu chỉ huy có tới 11 hầm ngầm bê tông kiên cố , chìm sâu dưới lòng đất , đủ sức chịu đựng đạn pháo 130 ly , lối đi trong hầm ngầm rất rộng , xe jeep có thể chạy được . 


 Do mục tiêu này có ý nghĩa rất quan trọng đối với trận đánh thị xã Buôn Ma Thuột nên Bộ chỉ huy chiến dịch đã giao cho Trung đoàn 198 - đặc công và Tiểu đoàn 9 - Trung đoàn 149 - Sư đoàn 316 đảm nhiệm nhiệm vụ này . Cũng do hướng này xa , không có xe tăng , pháo binh chi viện nên Bộ Chỉ huy chiến dịch đã tăng cường cho Trung đoàn 198 một đại đội hỏa lực gồm pháo ĐKZ , H12 , cối 82 ly , súng máy 12 ly 7 và một phân đội A72 đi cùng để bắn máy bay địch .


Theo kế hoạch được Bộ chỉ huy Chiến dịch phê duyệt  , vào lúc 2 giờ sáng ngày 10/3/1975 , Trung đoàn 198 là đơn vị nổ súng tấn công đầu tiên vào sân bay Hoà Bình , làm hiệu lệnh cho tất cả các đơn vị nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột . Sau đó Tiểu đoàn 5 sẽ tấn công căn cứ Trung đoàn 53 , Tiểu đoàn 27 (thiếu Đại đội 18) cùng Tiểu đoàn 9 - Trung đoàn 149 sẽ tấn công sân bay và hậu cứ Trung đoàn 44 .

  12 giờ đêm 9/3 , toàn Trung đoàn đã vào tới sát hàng rào sân bay an toàn . 2 giờ 10 phút sáng ngày 10/3 , ngay sau khi có lệnh nổ súng  của Trung đoàn trưởng Trần Kình , các loại hỏa tiễn H12 , ĐKZ , cối 82 ly của Đại đội hỏa lực tăng cường cho Trung đoàn đã tới tấp nã đạn vào trong sân bay . Ngay từ những loạt bắn đầu tiên , hỏa lực của ta đã bắn trúng nhiều mục tiêu trong sân bay , phá hủy một số máy bay , trong đó có một chiếc máy bay vận tải CH-47 , gây nên nhiều tiếng nổ và đám cháy lớn . 

  Trong lúc hỏa lực bắn phá , Tiểu đoàn 27 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Tiết cũng đã hình thành các mũi tấn công vào sân bay và hậu cứ của Trung đoàn 44 . Ở mũi tấn công vào sân bay của Đại đội 17 do đại đội trưởng Dương Văn Bản chỉ huy , chiến sỹ Võ Văn Trung đã dùng bộc phá đánh sập khu nhà đèn , làm mất điện toàn bộ sân bay , tiếp đó bộ đội  ta dùng thủ pháo , AK , B40 , B41 đánh vào khu nhà điều không 4 tầng , khu đậu máy bay , khu trận địa pháo . Bị quân ta tấn công bất ngờ , địch không chống đỡ nổi đã rút xuống các hầm ngầm cố thủ . Đến sáng ngày 10/3 , mũi tiến công vào sân bay của Đại đội 17 đã chiếm được khu vực phía Nam sân bay . 

Ở hướng của Đại đội 1 đánh vào hậu cứ Trung đoàn 44 cũng phát triển thuận lợi , sau một giờ chiến đấu Đại đội 1 cũng đã chiếm được nhiều mục tiêu trong căn cứ .


  Ở hướng của Tiểu đoàn 5 đánh vào Căn cứ 53 do Tiểu đoàn trưởng Tôn chỉ huy ,  sau khi dùng bộc phá mở xong hàng rào , Tiểu đoàn đã nhanh chóng đánh phát triển vào trong , bộ đội dùng thủ pháo , AK , B40 , B41 đánh chiếm được một số lô cốt trong căn cứ nhưng sau đó bị địch chống trả quyết liệt , Tiểu đoàn không phát triển thêm được phải dừng lại ở một số vị trí đã chiếm . 


  Về phía địch , sau khi bị quân ta tấn công bất ngờ trong đêm , sáng 10/3 , Võ Ân - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 53 đã vạch kế hoạch phản công. Từ ngã 3 đường 21A và 21B, Đại đội pháo binh của Tiểu đoàn pháo 231 đã được lệnh bắn pháo vào các vị trí có bộ đội ta , bộ binh chúng lúc này từ hầm ngầm chui lên phản công , chúng tổ chức đưa xe bọc thép cùng bộ binh ra bịt cửa mở, không cho lực lượng ta ở ngoài vào tiếp viện đồng thời tổ chức lực lượng từ trong căn cứ phản kích . Máy bay địch lúc này cũng được chúng huy động ném bom dữ dội vào các khu vực có bộ đội ta . Lợi hại nhất lúc này là địch có một đại đội thám kích nằm ở ngoài sân bay . Lực lượng này quan sát rất rõ vị trí bộ đội của bộ đội ta và chỉ điểm cho pháo binh bắn phá , gây thiệt hại lớn cho Trung đoàn 198  . Bị hỏa lực và bộ binh địch phản kích dữ dội lại không có công sự , vật che khuất che chắn , bộ đội ta lúc này được lệnh phân tán thành những tổ nhỏ đánh trả quân địch . Do địa hình khu vực sân bay trống trải , hỏa lực của địch mạnh , đến khoảng  9 giờ sáng ngày 10/3/75 , địch đã chiếm lại được nhiều vị trí trong sân bay và dồn bộ đội ta về một góc phía Bắc sân bay . Trong suốt ngày 10/3 , các phân đội của bộ đội đặc công vẫn bám trụ , kiên cường chiến đấu nhưng do hỏa lực của địch mạnh , quân ta thương vong khá nhiều ( 49 đồng chí hy sinh , trong đó có cả Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 27 - Nguyễn Đình Tiết và một số cán bộ đại đội , khoảng gần 20 đồng chí bị địch bắt , 92 đồng chí bị thương ) . Do lực lượng chi viện không có , đạn đã cạn nên lúc 18 giờ , Trung đoàn trưởng Trần Kình quyết định rút lực lượng còn lại ra khỏi sân bay , về tổ chức phòng ngự ở phía Bắc và Tây Bắc sân bay chờ lực lượng tăng viện .


 Theo kế hoạch , trong lúc Trung đoàn 198 tấn công sân bay và Căn cứ 53 , Tiểu đoàn 9 - Trung đoàn 149 của Sư đoàn 316 cũng hình thành một mũi tấn công vào sân bay phối hợp cùng Trung đoàn 198 - đặc công nhưng Tiểu đoàn 9 trên đường phát triển đến sân bay phải đánh nhau với quân địch ở Chi khu Quận lỵ Hoà Bình đã không đến kịp . Mãi tới 17 giờ 30 ngày 10/3 , Tiểu đoàn 9 mới vào tới đầu sân bay , sau đó tổ chức tấn công vào nhưng đã bị địch đánh bật trở lại không phát triển vào trong được . Tiểu đoàn được lệnh dừng lại củng cố chờ ngày hôm sau tấn công .



                                                     PHẦN II

                           TRẬN CHIẾN NGÀY 14/3/1975


    Sau khi chặn được cuộc tấn công và thu được một số vũ khí súng đạn của ta trong ngày 10/3/1975 , nhất là khi được Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 khen ngợi , khích lệ và thông báo lực lượng phản kích của Quân đoàn đang đổ quân xuống để tái chiếm Buôn Ma Thuột , bọn địch trong sân bay Hoà Bình và Căn cứ 53 rất phấn khích , càng tỏ ra rất ngoan cố . Võ Ân bắt tất cả binh lính trong căn cứ củng cố công sự , hầm hào chờ đón quân tiếp viện . 


   Về phía Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên , sau khi chiếm được Buôn Ma Thuột ngày 11/3 , Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã ra lệnh cho các đơn vị nhanh chóng đánh chiếm các vị trí của địch còn lại ở vòng ngoài thị xã , không cho chúng có địa điểm đổ quân tái chiếm Buôn Ma Thuột , đặc biệt là sân bay Hoà Bình . Sư đoàn 316 , sau khi dứt điểm Buôn Ma Thuột trưa ngày 11/3 , đã được Bộ chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ : 

 - Sử dụng một Trung đoàn , được pháo binh và một Đại đội xe tăng của Trung đoàn 273 hỗ trợ , đánh dứt điểm sân bay Hoà Bình và Căn cứ 53 trong ngày 14/3 .  

 Nhận lệnh ngày 13/3 , Trung đoàn 149 lúc này đang đứng chân ở Buôn Ma Thuột đã hành quân cấp tốc xuống sân bay Hoà Bình . Đây là trận đánh gấp theo mệnh lệnh của Chiến dịch nên Trung đoàn 149 không có thời gian làm công tác chuẩn bị , cán bộ các Tiểu đoàn chỉ kịp nhận nhiệm vụ trên bản đồ rồi dẫn quân vào chiến đấu . 

       Theo kế hoạch của Trung đoàn 149 ,  Tiểu đoàn 9 được 3 xe tăng của Đại đội tăng 7 hỗ trợ sẽ đánh thẳng theo trục đường vào sân bay sau đó đánh phát triển sang Căn cứ 53 từ hướng Tây . Tiểu đoàn 8 cũng được 3 xe tăng hỗ trợ đánh hướng chủ yếu vào cổng chính sân bay sau đó cũng đánh phát triển sang Căn cứ 53 . 

 

  5 giờ 30 phút sáng 14/3 , Sau 1 giờ tập trung hỏa lực pháo binh bắn phá vào sân bay và Căn cứ 53 . Tiểu đoàn 9 cùng xe tăng đã nhanh chóng đột phá đánh thẳng vào sân bay , chiếm được Đài chỉ huy sân bay . Phát huy thắng lợi bộ binh và xe tăng đánh tiếp lên khu vực phía Bắc sân bay . Bị tiểu đoàn 9 đánh mạnh bọn địch ở sân bay rút chạy về Căn cứ 53 . Tiểu đoàn 9 cùng xe tăng liền tổ chức đánh sang Căn cứ 53 nhưng khi đánh sang Căn cứ 53 thì bị địch dùng hỏa lực chống trả quyết liệt , bộ đội bị thương vong khá lớn Tiểu đoàn phải dừng lại .

      

Mũi tiến công của tiểu đoàn 8 đánh vào cổng chính sân bay lúc đầu  cũng phát triển khá thuận lợi , sau 30 phút chiến đấu bộ binh và xe tăng đã chiếm được khu hành chính ở cổng chính sân bay . Lẽ ra sau khi chiếm được khu hành chính sân bay , bộ binh cùng xe tăng đánh thẳng vào cổng Căn cứ 53 nhưng do không nắm được địa hình , xe tăng và bộ binh lại đánh tạt sang trái vào khu kho sân bay . Địch từ các lô cốt ở bờ thành Căn cứ 53 bắn tạt sườn vào đội hình bộ binh và xe tăng của Tiểu đoàn gây nên tổn thất lớn , làm nhiều chiến sỹ ta bị thương và hy sinh . Xe tăng 976 do Vắn Lều Phố - Trung đội trưởng chỉ huy cũng bị trúng đạn hỏa tiễn chống tăng của địch , trưởng xe bị thương nặng . Xe 881 của Đại đội tăng 7 do chính trị viên Ngữ chỉ huy sau khi vượt cổng chính đánh vào trong sân bay ,  do không nắm được địa hình , xe 881 đã đánh lên phía Bắc sân bay cùng nhóm xe của Đại đội trưởng Phạm Xuân Hời . Ở hướng đánh vào Căn cứ 53 lúc này chỉ còn xe 877 của Trưởng xe Nguyễn Văn Tiến . Do địch bắn ra dữ dội , bộ binh bị dạt lại phía sau . Không có bộ binh hỗ trợ  , xe 877 bắn gần hết đạn phải lùi về vị trí lúc đầu . Đến 10 giờ sáng 14/3 , Tiểu đoàn 8 cũng phải dừng lại bên ngoài căn cứ 53 .


Trước tình hình Trung đoàn 149 gặp nhiều khó khăn trong việc tấn công Căn cứ 53 , Sư đoàn 316 đề nghị Bộ chỉ huy Chiến dịch tăng cường thêm lực lượng và lùi thời gian tấn công nhưng do tình hình chiến sự lúc này rất khẩn trương , địch đang đổ 2 Trung đoàn 44 và 45  xuống phía Đông Buôn Ma Thuột nên việc nhanh chóng dứt điểm sân bay Hoà Bình và Căn cứ 53 càng trở nên rất cấp thiết , Bộ Chỉ huy chiến dịch đã không chấp nhận đề nghị của Sư đoàn 316 lùi thời gian tấn công , vẫn yêu cầu Sư 316 phải dứt điểm Căn cứ 53 trong ngày 14/3 . 

   Ngay trưa 14/3 , Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định điều 5 xe tăng T54 của Đại đội tăng 8 đang bảo vệ thị xã Buôn Ma Thuột xuống tăng cường cho Trung đoàn 149 . Trung đoàn 149 cũng điều tiếp Tiểu đoàn 6 đang chốt giữ bảo vệ Buôn Ma Thuột xuống tăng cường tấn công . Với 5 xe tăng của Đại đội tăng 8 vừa được tăng cường cùng với 4 xe tăng còn lại của Đại đội tăng 7 , Trung đoàn 149 lúc này có tất cả 9 xe tăng .

    

     Kế hoạch tác chiến của Trung đoàn 149 buổi chiều ngày 14/3 như sau :

Hướng thứ nhất do Tiểu đoàn bộ binh 9 đảm nhiệm sẽ cùng 2 xe tăng của Đại đội tăng 7 và 1 xe của Đại đội tăng 8 đánh từ hướng Tây theo trục đường rồi đột phá vào sân bay , sau đó đánh thẳng sang Căn cứ 53.

Hướng thứ 2 , do Tiểu đoàn bộ binh 6 đảm nhiệm , được tăng cường 3 xe của Đại đội tăng 8 , đột phá từ hướng Tây Nam lên , đánh thẳng vào cổng chính sân bay sau đó đánh sang Căn cứ 53 . 3 xe tăng còn lại của Đại đội tăng 7 bố trí ở khu vực phía Bắc sân bay làm nhiệm vụ bắn trực tiếp vào Căn cứ 53 hỗ trợ cho 2 mũi tấn công .


Thời gian tấn công bắt đầu vào lúc 17 giờ 30 phút . 


  Về phía Trung đoàn xe tăng 273 , sau khi nghe kế hoạch tác chiến của Trung đoàn 149 , thấy quân địch ở Căn cứ 53 còn rất mạnh , tổ chức hiệp đồng giữa bộ binh và xe tăng chưa đảm bảo , Tiểu đoàn 6 của Trung đoàn 149 theo kế hoạch sẽ cùng xe tăng đánh vào hướng Tây Nam nhưng hiện giờ vẫn chưa có mặt để hợp đồng tác chiến nên Trung đoàn phó Trung đoàn xe tăng 273 - Đỗ Phùng đề nghị Trung đoàn 149 lùi thời gian trận đánh sang sáng ngày 15/3 để làm công tác chuẩn bị cho kỹ hơn nhưng do Trung đoàn 149 chưa thực hiện được nhiệm vụ dứt điểm Căn cứ 53 trong ngày 14/3 mà Bộ chỉ huy Chiến dịch giao cho nên Trung đoàn 149 không đồng ý với đề nghị của Trung đoàn phó xe tăng , thậm chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn 149 còn nói : Nếu xe tăng không tham chiến thì một mình bộ binh cũng tấn công .


    17 giờ 30 phút ngày 14/3 , sau 30 phút bắn pháo , Trung đoàn 149 liền tổ chức cho bộ binh và xe tăng tấn công .


  Ở hướng Tây . Lúc 18 giờ 30 , Tiểu đoàn bộ binh 9 cùng 2 xe tăng của Đại đội tăng 8 và 1 xe tăng của Đại đội tăng 7 đã nổ súng tấn công .  3 xe tăng này do Chính trị viên Đại đội tăng 8 - Phạm Khắc Văn chỉ huy đã tập trung hỏa lực bắn mạnh vào các hỏa điểm của địch trên thành hào , tiêu diệt được một số hỏa điểm địch . 20 giờ 30 ngày 14/3 , ba xe tăng của Đại đội tăng 8 sau khi phát triển vào trong sân bay đã tiến sát hàng rào căn cứ 53 , nhưng do trời tối , cây cối nhà cửa đổ 3 xe này không tìm được lối vào cổng chính căn cứ 53 . Địch trong căn cứ 53 lúc này vẫn bắn ra rất mạnh . Hỏa lực của địch bắn ra nhiều đến nỗi cả 3 xe tăng của Đại đội 8 phải tắt động cơ , tắt đèn , dừng tại chỗ bắn , vì mỗi khi nghe tiếng  động cơ xe tăng bọn địch ở trong Căn cứ 53 lại nhằm xe tăng bắn . Lực lượng bộ binh lúc đầu còn đi cùng xe tăng nhưng do hỏa lực địch bắn ra dữ dội , nhiều anh em thương vong đã bị tách ra khỏi xe tăng . Lúc 22 giờ đêm 14/3 , xe 915 do Trung đội trưởng Phan Trọng Sơn chỉ huy bị địch bắn hỏng , trưởng xe bị thương , xe phải lùi lại phía sau .  2 xe còn lại tiếp tục chiến đấu . Đến 23 giờ đêm ngày 14/3 , không còn bộ binh hỗ trợ và gần hết đạn nên 2 xe này cũng phải rút ra vị trí ban đầu .


Ở hướng Tây Nam , theo hợp đồng giữa bộ binh và xe tăng , lúc 17 giờ 30 , Tiểu đoàn 6 của Trung đoàn 149 phải có mặt tại vị trí tấn công cùng xe tăng nhưng đến 18 giờ 15 phút Tiểu đoàn 6 mới có mặt . Để nhanh chóng đưa bộ binh lên mở cửa , 3 xe tăng 945, 953 , 954 của Đại đội tăng 8 được lệnh , mỗi xe chở theo một Trung đội bộ binh tiến vào tuyến triển khai tấn công đồng thời tập trung hỏa lực bắn hỗ trợ cho bộ binh lên mở cửa . Địch trên bờ thành phía Nam và bờ thành phía Tây Căn cứ 53 bắn trả rất mạnh , do địa hình khu vực này bằng phẳng , trống trải , bộ binh bị thương vong khá nhiều , không phát triển lên được . Xe 953 của Đại đội trưởng Lê Văn Phiến bị hỏng máy thông tin , trong khi tấn công nòng pháo gạt vào cây to bị hỏng , xe phải dừng lại . Đại đội trưởng Phiến lệnh cho lái xe ra ngoài đến báo tình hình trên cho các xe khác biết . Lái xe vừa ra khỏi xe thì trúng đạn địch hy sinh . Xe 945 khi vào gần hàng rào cũng trúng một quả đạn xuyên của địch , lái xe hy sinh nhưng rất may xe vẫn chiến đấu được . Bộ binh Tiểu đoàn 6 bị địch bắn ra dữ dội , thương vong nhiều đã bị tách khỏi đội hình xe tăng . Đến 24 giờ đêm ngày 14/3 , sau nhiều lần đột phá , bộ binh và xe tăng của Tiểu đoàn 6 cũng không phát triển lên được , phải dừng lại bên ngoài căn cứ 53 .


Ở hướng Bắc , 3 xe tăng của Đại đội tăng 7 do Đại đội trưởng Phạm Xuân Hời chỉ huy sau khi có lệnh đã tiến vào đầu phía Bắc sân bay bắn sang căn cứ 53 hỗ trợ bộ binh tấn công nhưng suốt cả buổi tối , 2 hướng tấn công của Trung đoàn 149 vẫn không phát triển lên được , đến 23 giờ ngày 14/3 ,  3 xe tăng của Đại đội 7 cũng được lệnh lùi lại vị trí lúc ban đầu .

     Như vậy suốt cả ngày 14/3 và đêm 14/3 , Trung đoàn 149 cùng hai Đại đội xe tăng 7 và 8 của ta vẫn chưa vượt qua được hàng rào Căn cứ 53 .



                                             PHẦN III

             TRẬN CHIẾN CHIỀU VÀ ĐÊM 16/3/1975


Trước tình hình Trung đoàn 149 và hai Đại đội xe tăng suốt ngày 14/3 và đêm 14/3 vẫn chưa chiếm được căn cứ 53 trong khi đó địch đang đổ tiếp Trung đoàn 44 xuống phía Đông Buôn Ma Thuột , việc  dứt điểm căn cứ 53 càng trở nên rất cấp thiết . Ngày 16/3 , mặc dù Sư đoàn 10 còn đang đánh quân phản kích của Sư đoàn 23 ở phía Đông Buôn Ma Thuột nhưng Bộ Tư lệnh chiến dịch vẫn quyết định lệnh rút Trung đoàn 66 , một Trung đoàn có truyền thống đánh công sự vững chắc của Sư đoàn 10 vào cùng Trung đoàn 149 đột phá đánh căn cứ 53 . Bộ chỉ huy Chiến dịch cũng quyết định tăng cường thêm 2 pháo 105 ly và một Đại đội pháo cao xạ của Trung đoàn 234 vào tham chiến .


   Về phía Trung đoàn 66 lúc này đang cùng đội hình Sư đoàn 10 truy kích quân Sư đoàn 23 đến phản kích trên đường 21 đã được lệnh quay lại cùng Trung đoàn 149 - Sư 316 đánh căn cứ 53 . Lực lượng của Trung đoàn lúc này chỉ còn 2 tiểu đoàn 7 và 9 , tiểu đoàn 8 đang cùng Trung đoàn 24 vào bao vây chuẩn bị đánh Phước An . Thời gian gấp không kịp trinh sát địa hình . Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 - Nguyễn Đình Kiệp cùng một số cán bộ 2 tiểu đoàn 7 và 9 vượt lên trước để nắm tình hình , Chính ủy tổ chức cho đội hình hành quân bám theo sau . Theo mệnh lệch của Bộ chỉ huy Chiến dịch giao cho lúc 3 giờ sáng ngày 16/3 do đồng chí Sư đoàn phó Quốc Biên mang tới Sở chỉ huy Trung đoàn , Bộ Tư lệnh Chiến dịch yêu cầu Trung đoàn 66 cùng Trung đoàn 149 - Sư đoàn 316 phải dứt điểm sân bay Hoà Bình và căn cứ 53 ngay trong ngày 16/3 . Nhưng xét thấy công tác chuẩn bị chưa đảm bảo nên Sư đoàn 316 và Trung đoàn 66 đã đề nghị lên Bộ chỉ huy Chiến dịch xin lùi thời gian tấn công căn cứ 53 sang chiều 16/3 .

Kế hoạch đánh căn cứ 53 chiều 16/3 của Trung đoàn 66 và Trung đoàn 149 được Sư đoàn 316 thông qua như sau : 

 - Trung đoàn 66 sẽ là lực lượng chủ chốt đánh vào căn cứ 53 theo 2 hướng : Bắc và Đông Bắc . 

- Trung đoàn 149 cũng chia thành 2 mũi đột phá đánh vào hướng Tây và Tây Nam . 

- Các mũi tấn công đều có xe tăng yểm trợ .

 

   15 giờ ngày 16/3 , pháo binh chiến dịch cùng pháo binh Sư 10 đồng loạt bắn cấp tập vào Căn cứ 53 . Trận bắn pháo kéo dài 1 giờ đồng hồ của ta đã phá hủy nhiều trận địa hỏa lực của địch , làm sập rất nhiều hầm hào trong Căn cứ 53 . 

  

   Ở hướng Đông và Đông Bắc . Lợi dụng kết quả của hỏa lực pháo binh và xe tăng , Trung đoàn 66 đã tổ chức cho bộ đội ôm bộc phá lên mở cửa . Do phải vận động xa tới gần 1 km , địa hình lại trống trải , địch đã phát hiện được hướng tấn công của ta đã dùng hỏa lực và máy bay ném bom ngăn chặn , gây thương vong khá lớn cho bộ đội . Đến 9 giờ tối ngày 16/3 , đội hình Tiểu đoàn 7 và 9 mới vào được gần tới hàng rào căn cứ 53 . 1 giờ sáng ngày 17/3 , Tiểu đoàn 9 tiếp tục tổ chức cho bộ đội lên mở cửa . Vừa mở được 2 lớp hàng rào thì địch phát hiện , chúng dùng đủ các loại hỏa lực như pháo , cối , M79 , đạn thẳng , bắn như vãi đạn về hướng cửa mở . Do địa hình trống trải nên bộ đội ta rất nhiều đồng chí bị thương và hy sinh . Riêng đội ngũ cán bộ cũng bị tổn thất lớn , tiểu đoàn trưởng Bạch Công Nghĩa bị thương nặng , chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Duy Trinh cũng bị thương , đại đội trưởng Bùi Xuân Bình của đại đội 11 hy sinh , chính trị viên Đại đội 9 -Hà Văn Tư bị thuương nặng , ngay trong đêm Trung đoàn 66 phải điều đồng chí Quỳnh - Tham mưu phó Trung đoàn xuống trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 9 , đồng chí Phạm Chào phái viên của Ban chính trị đang đi cùng Tiểu đoàn 9 được bổ nhiệm làm chính trị viên Tiểu đoàn thay đồng chí Trinh bị thương . Để tăng cường cho mũi tấn công của Tiểu đoàn 9  , ngay trong đêm Trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Kiệp quyết định điều 3 xe tăng từ phía sau lên hỗ trợ Tiểu đoàn 9 mở cửa . Được sự tăng cường hỏa lực của xe tăng , bộ binh tiểu đoàn 9 tiếp tục ôm bộc phá lên mở cửa . Đến 5 giờ sáng ngày 17/3 , lớp rào cuối cùng cũng đã mở xong .

  Ở hướng Đông Bắc của tiểu đoàn 7 do tiểu đoàn trưởng Hoàng Ngọc Toái và chính trị viên Phạm Quang Vinh chỉ huy , khi pháo binh bắn vào căn cứ 53 , Tiểu đoàn tổ chức cho Đại đội 3 ngồi trên xe tăng tiến lên mở cửa nhưng anh em Đại đội 3 cùng xe tăng vừa vượt ra khỏi rừng liền bị máy bay địch phát hiện , ném bom . Trung đội 3 ngồi trên xe tăng trúng bom địch hầu hết bị thương và hy sinh . Suốt đêm 16/3 , Đại đội 3 nhiều lần tổ chức lên mở cửa nhưng đều bị hỏa lực địch bắn ra quyết liệt , bộ đội ta thương vong khá lớn , không phát triển lên được . Trong đêm 16/3 , Tiểu đoàn trưởng Hoàng Ngọc Toái quyết định đưa Đại đội 2 lên thay Đại đội 3 mở cửa . Đến 5 giờ sáng ngày 17/3 , Tiểu đoàn 7 mới mở xong cửa mở . 

 Đêm 16/3 , 4 xe tăng của Đại đội 7 chia thành 2 mũi , dùng hỏa lực  chi viện cho 2 cánh quân của Trung đoàn 66 tấn công , do quân địch trong căn cứ 53 bắn ra dữ dội , 4 xe tăng của Đại đội tăng 7 chiến đấu đến 12 giờ đêm thì hết đạn . Ngay trong đêm Trung đoàn xe tăng 273 phải dùng xe Zep chở 4 chuyến đạn xuống cho Đại đội tăng 7 . Được bổ xung đạn kịp thời , cả 4 xe lại tiếp tục chiến đấu . Đến tận 5 giờ sáng ngày 17/3 , trên cả 2 hướng tấn công của Trung đoàn 66 và Trung đoàn 149 mới mở được 2 cửa , còn 2 cửa mở nữa vẫn chưa mở xong . 

   Trước tình hình công sự hầm hào của địch rất vững chắc , B40 và B41 của bộ binh bắn vào các bức thành hào phá hủy không đáng là bao . Sư trưởng Sư 316 - Đàm Nguỵ cùng Sư phó Sư 10 - Quốc Biên quyết định tăng cường hỏa lực pháo binh và quyết dứt điểm bằng được căn cứ 53 trong sáng 17/3 . 


                                                PHẦN IV

                  TRẬN CHIẾN ĐÊM 16 VÀ NGÀY 17/3/1975


6 giờ sáng ngày 17/3 , pháo binh của Chiến dịch và của Sư đoàn 10 tiếp tục bắn cấp tập vào căn cứ 53 , Tiểu đoàn 1 pháo cao xạ của Trung đoàn 234 cũng đưa pháo sát phía sau bộ binh và xe tăng đánh trả máy bay địch . Địch đã huy động nhiều lần chiếc máy bay A37 ném bom để ngăn chặn , đặc biệt chúng ném bom vào xe tăng và trận địa pháo cao xạ của ta làm hỏng một khẩu pháo 37 ly và gần chục bộ đội cao xạ thương vong . Trước đợt tấn công dồn dập bằng pháo binh của ta , quân địch trong căn cứ 53 phản ứng đã giảm hẳn . Từ 4 hướng bộ binh và xe tăng ta bắt đầu được lệnh tấn công  .

 Ở hướng Đông Bắc ,  4 xe tăng của Đại đội tăng 7 do đại đội trưởng Phạm Xuân Hời chỉ huy từ vị trí tấn công đã vượt lên tiến sát bờ thành căn cứ 53 , bắn chi viện cho bộ binh , mặc dù quân ta đã phá được các lớp rào nhưng khi tới thành hào thì xe tăng không vượt qua được vì hào rộng , thành lại cao , bộ binh Trung đoàn 66 phải dùng bộc phá bạt thấp thành hào , bộc phá hết , Đại đội trưởng Phạm Xuân Hời lệnh cho pháo thủ bắn vào thành hào rồi dùng sức mạnh của xe tăng xô đổ bức thành hào . 7 giờ sáng ngày 17/3 , sau khi xô đổ bờ thành hào , 4 xe tăng của Đại đội tăng 7 nhanh chóng vượt qua và chia làm 2 mũi cùng bộ binh xung phong đánh vào bên trong căn cứ . 7 giờ 30 phút , bộ binh và xe tăng tiểu đoàn 9 đã chiếm khu trận địa pháo . Địch bị bộ binh và xe tăng ta tấn công mạnh chúng lui dần về khu Trung tâm chỉ huy . Tiểu đoàn 9 tổ chức thành 2 mũi tấn công . Mũi của Đại đội 9 cùng 2 xe tăng đánh về khu Chỉ huy sở , mũi thứ 2 do Đại đội 11 đảm nhiệm cùng 2 xe tăng đánh về khu hầm ngầm và khu trận địa pháo . Xe tăng 880 của đại đội trưởng Phạm Xuân Hời khi vượt hào không để ý , nòng pháo chúc xuống thành hào , pháo thủ không kiểm tra đã bắn làm toác nòng pháo . Tuy không sử dụng được pháo , đại đội trưởng Hời cho xe dùng xích sắt đè bẹp các lớp rào ngăn cách và các công sự của địch cùng các xe khác tiếp tục chiến đấu . Mũi tiến công của Đại đội 9 trên đường tiến về khu Sở chỉ huy thì bị địch từ hầm ngầm chống trả , Đại đội trưởng Nguyễn Văn Gia bị một viên đạn thẳng của địch bắn gần xuyên qua ngực , được y tá băng bó xong vết thương , trên đường cáng anh về phía sau anh nhảy ra khỏi cáng , tiếp tục lao vào chỉ huy đơn vị . Khi tiến tới một hầm ngầm trong khu chỉ huy phát hiện bọn địch ở trong hầm ngầm khá đông , bộ đội ta dùng loa gọi mấy lần chúng vẫn không ra . Lần cuối anh em tuyên bố nếu không ra hàng sẽ sử dụng súng phun lửa tấn công , lúc đó bọn chúng mới lóc ngóc chui lên . Đại đội 9 bắt gần 30 tù binh trong đó có cả vợ những tên lính ở đây .


 Ở hướng tiểu đoàn 7 , khi bộ đội ta tổ chức xung phong địch vẫn chống trả quyết liệt làm đại đội trưởng đại đội 3 - Lê Viết Hoạ hy sinh . Được sự hỗ trợ của hỏa lực pháo binh và xe tăng , lúc 6 giờ Tiểu đoàn 7 cũng mở xong cửa mở , bộ đội ta đã nhanh chóng tấn công vào bên trong căn cứ 53 . Tuy tên chỉ huy trưởng căn cứ 53 - Võ Ân biết không chống đỡ nổi đã trốn chạy trong đêm 16/3 , nhưng bọn còn lại vẫn điên cuồng chống trả , chúng gọi máy bay đến ném bom vào đội hình quân ta gây thương vong cho bộ đội và một khẩu đội pháo cao xạ 37 ly . Quân địch trong căn cứ 53 sau mấy lần bị ta tấn công sức chiến đấu của chúng đã suy yếu nhiều nay thấy xe tăng và bộ binh ta đã tràn vào trong căn cứ , biết không chống cự nổi chúng từ các hầm ngầm lũ lượt chui lên , tháo chạy về phía Tây . Bộ binh và xe tăng tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn 7 liền tổ chức truy kích rồi  tỏa ra các nơi truy lùng tiêu diệt các vị trí còn lại . 9 giờ 30 phút , Trung đoàn đã làm chủ căn cứ 53 , bắt 109 tên tù binh .

     

    Ở hướng Tây Nam của  Trung đoàn 149 , lúc 17 giờ 30 ngày 16/3 , trong lúc pháo binh và xe tăng bắn vào căn cứ 53 , Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 149 cũng tổ chức cho bộ đội xông lên mở cửa . 2 xe tăng do Đại đội trưởng tăng 8 - Lê Văn Phiến  chỉ huy đã nhanh chóng tiến vào khu cửa mở , bắn hỗ trợ cho bộ binh . Địch trên bờ thành trong căn cứ 53 tập trung hỏa lực  bắn trả rất dữ dội . Bấp chấp hỏa lực địch bắn ra , 2 xe tăng của Đại đội tăng 8 vẫn dũng cảm vượt lên , dùng hỏa lực chi viện cho công binh và bộ binh lao lên mở cửa . Do hỏa lực địch bắn ra quá ác liệt đến 21 giờ đêm ngày 16/3 , Tiểu đoàn 9 - Trung đoàn 149 vẫn chưa mở được cửa mở . Xe tăng của Đại đội trưởng Phiến khi vào gần bờ thành hào thì gặp hàng rào bùng nhùng , xe không tiến lên được và bị địch dùng chai xăng ném ra , làm cháy bên ngoài xe . Phát hiện xe cháy , Đại đội trưởng Phiến cùng 2 pháo thủ mở nắp xe ra dập lửa , vừa ra khỏi xe thì anh bị trúng hỏa tiễn chống tăng M72 của địch  , Đại đội trưởng Phiến bị thương nặng sau đó hy sinh , 2 pháo thủ cũng bị thương , xe lúc này chỉ còn một mình lái xe Nguyễn Kiến Trúc , nhận thấy không còn khả năng chiến đấu , lái xe Trúc đã cho xe lùi lại khu trận địa bắn lúc chiều . Lực lượng bộ binh tiểu đoàn 9 bị địch bắn ra ngăn chặn ác liệt cũng bị tách khỏi đội hình xe tăng . Suốt đêm 16/3 , Tiểu đoàn 9 vẫn không mở xong được cửa mở . 

   

Ở hướng Tây của tiểu đoàn 8 - Trung đoàn 149 đánh vào cổng chính căn cứ 53 , địch cũng chống trả quyết liệt nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ tổ chức nhiều đợt lên mở cửa . Tầm 1 giờ sáng ngày 17/3 , tiểu đoàn 8 đã mở thông được các lớp hàng rào . Bộ đội đã tổ chức đào công sự , bám trụ giữ cửa mở .


  Sáng 17/3 , Đại đội tăng 8 lúc này chỉ còn 2 xe là xe 915 của Trung đội phó Độ và xe 953 của chính trị viên - Phạm Khắc Văn ( đêm 16/3 , sau khi đại đội trưởng Phiến hy sinh , chính trị viên Văn lên thay chỉ huy xe 953 ) khi tiến sát thành hào thấy thành hào cao khó vượt  chính trị viên Văn quyết định cho xe tiến theo đường nhựa về phía cổng chính . 2 xe tăng 915 và 953 tập trung hỏa lực đánh thẳng vào các ổ hỏa lực địch ngăn chặn ở phía trước cổng chính , dẫn dắt bộ binh vượt cổng chính đánh vào bên trong căn cứ 53  . 8 giờ sáng 17/3 , bộ binh và xe tăng do chính trị viên Phạm Khắc Văn chỉ huy đã chiếm được khu nhà xe , khu nhà kho , câu lạc bộ sỹ quan . Xe 915 và xe 953 nhanh chóng phát triển về khu chỉ huy . Trước sự tấn công dũng mãnh của bộ binh và xe tăng ta quân địch còn lại số bị tiêu diệt , số bị bắt sống . Đến 9 giờ 30 ngày 17/3 , trung đoàn 149 cũng đã tiến tới Sở chỉ huy căn cứ 53 và gặp Trung đoàn 66 tại đây . Trận đánh căn cứ trung đoàn 53 địch đến đây cũng kết thúc . 

  Trung tá Võ Ân - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 53 , Chỉ huy trưởng Căn cứ 53 , một Trung đoàn đã nhiều lần giáp mặt với Sư đoàn 10 , không biết có phải vị Trung tá này biết tin Trung đoàn 66 của Sư đoàn 10 , một Trung đoàn nổi tiếng của Mặt trận Tây Nguyên vào tham chiến hay không mà đêm 16/3 , vị chỉ huy này bỏ lại rất nhiều binh lính để trốn chạy . Thực ra đêm 16/3 , Trung tá Võ Ân không trốn chạy chắc cũng bị bắt sống cùng hơn 100 binh lính tại đây .


    Với trận đánh căn cứ 53 ta đã phá tan âm mưu biến nơi này thành bàn đạp tấn công tái chiếm Buôn Ma Thuột của địch . So với trận Buôn Ma Thuột thì Căn cứ 53 nhỏ hơn rất nhiều , lực lượng địch ở đây cũng ít hơn nhiều nhưng ta đã phải đánh tới ngày thứ 8 mới dứt điểm được căn cứ này . Tuy ta đã giành thắng lợi nhưng tổn thất trong trận đánh này cũng không hề nhỏ . Hơn 300 cán bộ , chiến sỹ của Trung đoàn 198 , 149 , 66 và Trung đoàn pháo cao xạ 234 đã bị thương và hy sinh . Riêng Trung đoàn đặc công 198 còn bị địch bắt khoảng 20 chiến sỹ . 

 Tại sao trận đánh này ta đã sử dụng tất cả tới 3 Trung đoàn ( Trung đoàn 66 , Trung đoàn 149 và Trung đoàn 198 đặc công ) cùng hai đại đội xe tăng mà ta vẫn bị tổn thất nhiều và kéo dài như vậy . Nguyên nhân chính là do lúc đầu ta nắm địch ở đây chưa chắc . Địch ở Căn cứ 53 phòng thủ rất vững chắc , hầm hào của chúng ở đây nhiều và rất kiên cố , hỏa lực của chúng lại mạnh , lực lượng của địch ở đây tất cả phải tới 2 tiểu đoàn trong khi đợt đầu ta tổ chức tấn công vào đây lực lượng chỉ có 2 tiểu đoàn là tiểu đoàn 5 và tiểu đoàn 27 , lại không có pháo binh và xe tăng chi viện . Hai là cách đánh của ta ở đây chưa phù hợp . Ngày 14/3 , ta đã tập trung hai Đại đội xe tăng 11 chiếc nhưng chưa biết tập trung sức mạnh của xe tăng đánh thẳng vào khu cổng chính căn cứ 53 mà dàn trải xe tăng ở nhiều nơi dẫn đến phân tán hỏa lực . Địch phòng thủ ở tuyến ngoài cùng rất vững chắc , có thành cao , hào sâu xe tăng rất khó vượt qua , trong khi ở bên trong căn cứ địch phòng thủ yếu . Nếu ta tập trung xe tăng và hỏa lực đánh bung cổng chính ,  khu vực cổng chính không có hào , sau đó dùng xe tăng đột phá vào trong , chắc chắn địch sẽ tan và thời gian tiêu diệt căn cứ này không dài tới ngày thứ 8 .


          


                                  

Nhận xét