TRẬN ĐÁNH VƯỢT SÔNG MÊ KÔNG Ở THỊ XÃ KAMPONG CHÀM NGÀY 6/1/1979 , TRẬN ĐÁNH VƯỢT SÔNG CÓ MỘT KHÔNG HAI CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

                   Nguyễn Đình Thi


     Sau khi tuyến phòng thủ Mặt trận đường 7 của quân Pôn Pốt ở phía Đông thị xã Kampong Chàm bị phá vỡ . Nhận thấy tuyến đường 6 chạy về phía sau -  hướng biên giới Thái Lan sẽ bị quân ta cắt đứt như thế sẽ không còn đường rút chạy nên Pôn Pốt đã chỉ thị cho Xon Xen - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng , tập trung lực lượng về hướng thị xã Kampong Chàm , gấp rút lập tuyến phòng thủ nhằm chặn đứng cuộc tiến công của ta tại đây . Thực hiện chỉ đạo của Pôn Pốt , ngay trong ngày 4/1/1979 , Xon Xen và Bộ Tổng tham mưu của chúng đã đưa 2000 quân cùng nhiều vũ khí súng đạn đến phía Tây bờ sông Mê Kông ở thị xã Kampong Chàm lập tuyến phòng thủ mới . Lực lượng phòng thủ của địch ở thị xã Kampong Chàm lúc này ngoài Sư đoàn 520 và 2000 lính vừa được tăng cường chúng còn bắt thêm 700 dân , trang bị cho súng đạn để chốt chặn cùng quân chủ lực . Thị xã Kampong Chàm lúc này trở thành một cứ điểm quân sự lớn của địch . Để ngăn chặn cuộc tiến công vượt sông của ta chúng đã tung một lực lượng ra liên tục theo dõi giám sát mặt sông , đồng thời huy động binh lính và dân ở các khu vực xung quanh lập một phòng tuyến khá vững chắc kéo dài tới 20 km bao quanh suốt bờ sông phía Tây thị xã với hơn 500 ụ súng , công sự , hỏa điểm . Phía sau các công sự , ụ súng hỏa điểm là tuyến hào dài chạy dọc theo bờ sông . Tại các công sự , hỏa điểm chúng đều bố trí các loại hỏa lực mạnh như ĐKZ , súng máy 12,7 ly , súng đại liên , B40 , B41 , cối 60 , M79 , cùng với đó là xe tăng , xe bọc thép chốt chặn ở các ngã ba , ngã tư . Dưới mép sông chúng gài mìn và lựu đạn . Với lực lượng đông , hỏa lực mạnh lại được ngăn cách bởi một con sông rộng tới hơn 1 km , Xon Xen tin tưởng rằng chúng sẽ chặn đứng được cuộc tiến công của ta . 

     Với lực lượng địch phòng thủ đông như trên về mặt lý thuyết để tiêu diệt được lực lượng này của địch ta phải sử dụng ít nhất là 3 Sư đoàn . Nhưng trong trận đánh này , Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và Sư đoàn 320 quyết định sử dụng  phương án : DÙNG SỨC MẠNH ĐỂ TẤN CÔNG VƯỢT SÔNG

   Nhận thức được tầm quan trọng của trận đánh , nếu Sư đoàn 320 không vượt được sông thì toàn bộ lực lượng của Quân đoàn không thể tiến được về Phnom Penh nên Quân đoàn đã tập trung cao về hỏa lực , phương tiện chiến đấu cho Sư đoàn 320 . Trong trận đánh này ngoài hỏa lực của Sư đoàn , Quân đoàn 3 đã tăng cường cho Sư đoàn 320 một đại đội pháo 155 ly 6 khẩu , 4 pháo 105 ly , 4 pháo cao xạ 57 ly , 4 pháo cao xạ 37 ly , 6 xe tăng lội nước PT76 , 4 xe tăng T54 và Lữ đoàn công binh 249 , một Lữ đoàn công binh được trang bị các thiết bị hiện đại của Bộ Quốc phòng . Để tăng cường sự lãnh đạo chỉ huy cho Sư đoàn 320 , Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã cử Phó Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Quốc Thước và Tham mưu trưởng Quân đoàn - Lê Minh xuống trực tiếp cùng Sư đoàn 320 chỉ đạo trận đánh .

  Về phía Sư đoàn 320 , ngay sau khi thực hiện xong giai đoạn 1 của chiến dịch A88 và nhận thức được tầm quan trọng của việc phải chiếm bến phà ở phía Đông Kampong Chàm để phục vụ cho nhiệm vụ tiếp theo nên ngày 1/1/1979 , Sư trưởng Khuất Duy Tiến đã quyết định giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 48 đánh chiếm bến phà phía Đông Kampong Chàm để tạo thế . Bị mất bến phà phía Đông Kampong Chàm , trong suốt các ngày từ 1 đến ngày 4/1/1979 , địch liên tiếp dùng pháo binh và đưa lực lượng đến tấn công nhằm tiêu diệt Tiểu đoàn 1 , chiếm lại bến phà . Mặc dù bị hỏa lực địch cày nát các công sự , hầm hố nhưng các chiến sỹ Tiểu đoàn 1 đã chiến đấu kiên cường , đánh lui được tất cả các đợt phản kích của địch , giữ vững được trận địa . 

 Đến ngày 4/1/1979 , trên các hướng tấn công của toàn Mặt trận lúc này quân ta đã thu được nhiều kết quả . Các mũi tấn công của Quân đoàn 4 , Quân khu 7 đã phá vỡ các phòng tuyến của địch đang tiến về Phnom Penh . Để đảm bảo cho lực lượng thọc sâu Sư đoàn 10 tiến về Phnom Penh . Trưa ngày 4/1/1979 , Tư lệnh Quân đoàn - Kim Tuấn chính thức giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320 : " Tổ chức vượt sông Mê Kông , giải phóng thị xã Kampong Chàm , mở cửa cho lực lượng Sư đoàn 10 tiến về giải phóng thủ đô Phnom Penh " . 

   Thời gian tấn công lúc đầu Bộ Tư lệnh Quân đoàn giao cho Sư đoàn 320 là : " ngay trong đêm 4 rạng ngày 5/1/1979 , Sư đoàn phải tổ chức vượt sông " nhưng đến 20 giờ đêm ngày 4/1/1979 , thời gian tấn công vượt sông được thay đổi , chuyển sang đêm ngày 5 rạng ngày 6/1/1979 . 

   Với một trận đánh lớn cấp Sư đoàn lại ở một địa hình rất khó khăn , phía trước là một con sông rộng tới hơn 1 km , địch phòng thủ mạnh thì thời gian chuẩn bị chỉ có một ngày một đêm là quá ngắn . 

  Suốt chiều ngày 4 và cả ngày 5/1 , cả Sư đoàn khẩn trương bắt tay vào làm công tác chuẩn bị . Đêm 4/1 , lợi dụng ánh sáng đèn dù của địch , Tham mưu trưởng Quân đoàn - Lê Minh , Sư trưởng Khuất Duy Tiến , Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 - Vũ Cối cùng cán bộ tác chiến , công binh , trinh sát của Sư đoàn , Trung đoàn 64 và Lữ đoàn công binh 249 đã ra tận bờ sông Mê Kông khảo sát , nghiên cứu địa hình , tình hình địch . Sau khi nghiên cứu địa hình , tình hình địch , Sư đoàn 320 quyết định sử dụng hai phương án vượt sông :

  • Phương án thứ nhất : dùng một lực lượng bí mật  vượt sông đánh chiếm bàn đạp , sau khi lực lượng này chiếm được bàn đạp thì nhanh chóng đưa  lực lượng tiếp theo vượt sông . 
  • Phương án thứ hai : Nếu phương án thứ nhất bí mật vượt sông đánh chiếm bàn đạp không thực hiện được thì tổ chức vượt sông bằng sức mạnh

 Về sử dụng lực lượng , Sư đoàn 320 quyết định :

  • Dùng Trung đoàn 64 là lực lượng chủ yếu vượt sông . Trung đoàn 64 tổ chức thành hai tuyến vượt .
  •   Tuyến vượt chủ yếu do Tiểu đoàn 7 đảm nhiệm tại bến phà chính ở thị xã Kampong Chàm
  • Tuyến vượt thứ 2 do Tiểu đoàn 9 đảm nhiệm ở khu vực thượng lưu , cách bến vượt của Tiểu đoàn 7 chừng 2 km . Tuyến vượt này nhằm phân tán lực lượng địch , hỗ trợ cho tuyến vượt chính của Tiểu đoàn 7 . Trung đoàn 64 cử Tham mưu phó Trung đoàn - Khuất Duy Hoan đi trực tiếp chỉ đạo mũi tấn công vượt sông .

     Có thể nói trận đánh vượt sông Mê Kông của các chiến sỹ Sư đoàn 320 lần này thực sự là trận đánh cảm tử .

     Đêm 5/1 , mặc dù hỏa lực của địch ở bên kia sông vẫn bắn sang liên tục nhưng bấp chấp đạn địch các đơn vị của ta vẫn bí mật tiến ra bờ sông triển khai đội hình tấn công . Ngay trong đêm các chiến sỹ công binh đã đưa xong các xuồng máy xuống mép sông . Xe tăng , pháo cao xạ 57 , 37 ly , pháo mặt đất 105 ly cũng được đưa ra tận bờ sông lập trận địa để sẵn sàng nhả đạn . 

  4 giờ 30 phút sáng ngày 6/1 , mặc dù lúc này trời vẫn tối nhưng lợi dụng ánh đèn pháo sáng của địch , Tham mưu phó Trung đoàn 64 - Khuất Duy Hoan ra lệnh cho Đại đội bộ binh 9 bắt đầu tổ chức vượt sông . 4 chiếc xuồng máy của đại đội 9 - Tiểu đoàn 9 , mỗi chiếc chở một Trung đội bộ binh cùng bộ phận hỏa lực của Tiểu đoàn đã nổ máy rất nhẹ , bí mật vượt sông . Các xuồng máy của đại đội 9 chạy ra gần giữa sông thì bị địch phát hiện , chúng dùng hoả lực bắn dữ dội vào đội hình . Chiếc đi đầu trúng đạn . Xuồng thủng , gần chục chiến sỹ trúng đạn bị thương và hy sinh , anh em đại đội 9 dùng hỏa lực bắn trả và cởi áo , quần bịt lỗ thủng , ngăn nước không cho chảy vào . Nhận thấy yếu tố bí mật không còn nữa , Sư trưởng Khuất Duy Tiến quyết định cho các xuồng máy của Đại đội 9 quay lại bờ . Trước tình hình địch đã phát hiện được hướng vượt sông bí mật của ta , Sư đoàn 320 đã báo cáo và đề nghị Quân đoàn cho Sư đoàn chuyển sang đánh theo phương án hai : Vượt sông bằng sức mạnh . Tư lệnh phó Quân đoàn Nguyễn Quốc Thước , người được Tư lệnh Quân đoàn Kim Tuấn giao theo dõi , chỉ đạo trận đánh của Sư đoàn 320  đã nhất trí với đề xuất trên của Sư đoàn 320 .

   5 giờ 45 sáng ngày 6/1/1979 , Sư trưởng Khuất Duy Tiến bắt đầu ra lệnh khai hỏa tấn công . Các trận địa pháo binh , pháo phòng không , pháo xe tăng , ĐKZ , pháo cối 82 của ta từ bờ Đông sông Mê Kông đã đồng loạt nã những quả đạn chính xác vào các ụ súng, hoả điểm và trận địa pháo binh địch ở bên kia sông . Có thể nói chưa có trận đánh vượt sông nào ta lại tập trung một lực lượng lớn hỏa lực như trận đánh này . Trận bắn phá bằng hỏa lực của ta đã gây tổn thất lớn cho quân địch , nhiều trận địa pháo địch bị phá hủy , nhiều ụ súng , tuyến hào của địch bị phá vỡ , nhiều binh lính địch bị tiêu diệt , một kho đạn lớn trong thị xã trúng đạn nổ kinh hoàng , một kho xăng bốc cháy , khói đen trùm lên cả thị xã , 3 chiếc xà lan địch đỗ dưới sông cũng trúng đạn bốc cháy dữ dội . Cả một khúc sông vang dền những tiếng nổ đinh tai , nhức óc của đạn pháo . Có thể nói trận bắn phá này của ta  đã gây khiếp đảm cho binh lính địch . 

  Đúng  06 giờ 30 , sau khi dùng pháo khói bắn sang bờ Tây để tạo một lớp khói che khuất địch , 4 chiếc xuồng đầu tiên chở các chiến sỹ đại đội 3 cùng hoả lực của tiểu đoàn 7 do Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Điều và đại đội trưởng đại đội 3 - Nguyễn Đức Thại chỉ huy đã mở hết tốc lực , dàn đội hình rẽ sóng sông Mê Kông nhằm thẳng thị xã Công Pông Chàm lướt sang . Một chiếc vừa chạy được chừng 100m thì thuyền chết máy , loay hoay mãi không khắc phục được , bộ đội ta phải dùng tay bơi quay lại vào bờ . 3 chiếc còn lại như những mũi tên xuyên dưới làn đạn địch nhằm thẳng bên kia sông tiến . Càng tiến gần bờ sông phía Tây quân ta càng vấp phải sự chống trả quyết liệt của địch . Hỏa lực ĐKZ , 12,7 ly , đại liên , cối 60 của địch từ trên bờ bắn như vãi đạn vào 3 xuồng máy của ta . Cả Sở chỉ huy Sư đoàn và Trung đoàn 64 nín thở , dán mắt vào các ống nhòm theo dõi 3 xuồng máy của đại đội 3 . Chiếc xuồng thứ hai tiến cách bờ chừng 100m thì một chiến sỹ trúng đạn hy sinh , Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Điều cũng dính đạn  bị thương . Bấp chấp hiểm nguy các xuồng máy của đại đội 3 vẫn dũng mãnh lao thẳng vào bờ . Khi gần tới bờ , xuồng của đại đội trưởng Thại bị địch bắn thủng , binh nhất Vũ Mạnh Tuấn phải cởi áo để bịt lỗ thủng , đại đội trưởng Thại lúc này cũng dính đạn bị thương . Khi xuồng máy vào tới tầm bắn , các chiến sỹ đại đội 3 đã tập trung hỏa lực bắn dữ dội vào quân địch ở vị trí đổ bộ . Một toán địch thấy các xuồng của ta tiến đến đã nhảy xuống một khe đá sát mép sông định  dùng khẩu súng máy 12,7 ly bắn vào quân ta nhưng toán địch này chưa kịp khai hỏa đã  bị hỏa lực trên xuồng máy của ta tấn công tiêu diệt . Xuồng vừa vào sát bờ , các chiến sỹ đại đội 3 đã ào ạt nhảy xuống mép nước , dùng AK , B40 , B41 nhằm thẳng các ụ súng của địch nổ súng . Bị các chiến sỹ đại đội 3 tấn công mạnh , địch hốt hoảng tháo chạy . Đại đội trưởng Thại vớ ngay một khẩu ĐKZ của địch vừa thu được , quay nòng súng nhằm thẳng bọn địch đang tháo chạy bắn liền 5 quả đạn , diệt gần chục tên địch . Chớp thời cơ hỏa điểm địch bị diệt , từ phía bờ sông , Trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Phương dẫn Trung đội vượt lên , đánh sâu vào phía trong . Một khẩu đại liên địch đặt sau cây thốt nốt bất ngờ bắn dữ dội vào đội hình Trung đội do Phương chỉ huy làm 2 chiến sỹ ngã gục , đội hình Trung đội không phát triển lên được . Để tiêu diệt khẩu đại liên này của địch , Nguyễn Đình Phùng dùng súng PRĐ bắn thu hút địch để Đinh Xuân Khoa bò lên tấn công . Mặc dù lúc này cũng dính đạn địch bị thương song Khoa vẫn bình tĩnh dùng B40 nhằm thẳng vào khẩu đại liên địch bắn . Khẩu đại liên địch bị diệt , Trung đội trưởng Phương dẫn Trung đội băng qua đường tiếp tục tấn công . Ở hướng Nam , mặc dù bị thương , Tiểu đoàn phó Điều vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội , đánh bật quân địch ở các công sự , chiếm được một số ụ súng . Sau 30 phút chiến đấu các chiến sỹ đại đội 3 đã chiếm được một khu vực chạy dài 300 m ở bãi đổ bộ . Lúc này đại đội 3 được lệnh giữ vững bàn đạp , chờ lực lượng của ta từ bên kia sông sang tăng cường . Việc Đại đội 3 đổ bộ được lên bờ và chiếm được bàn đạp của địch thực sự là một tin vui và nguồn cổ vũ lớn cho toàn thể cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn 64 đang ở bên này sông . Ngay sau khi nhận được tin đại đội 3 chiếm được bãi đổ bộ , Tiểu đoàn trưởng Kiều Bảo đã tổ chức cho đại đội 1 và 2 nhanh chóng vượt sông . Tiếp sau đó 6 xe tăng lội nước PT76 của Lữ đoàn tăng 215 cũng ào ạt lao xuống nước , vượt sông . Các xe tăng PT76 vừa vượt sông , vừa dùng hỏa lực bắn chi viện cho bộ binh Tiểu đoàn 7 . Các trận địa hỏa lực của ta ở bờ Đông sông lúc này được lệnh chuyển làn bắn sâu vào phía trong .

 8 giờ 10 , toàn bộ tiểu đoàn 7 qua hết được sông . Phát triển chiến đấu , Tiểu đoàn tổ chức đánh chiếm tiếp các mục tiêu phía trong thị xã . Tiếp sau Tiểu đoàn 7 , các tiểu đoàn 8 và 9 cũng đã nhanh chóng được phà và các xuồng máy ào ạt đưa qua sông . Cảnh vượt sông của các chiến sỹ Sư đoàn 320 thật hùng dũng chẳng khác gì trong các bộ phim chiến tranh  . Tiểu đoàn 8 sau khi vượt sông đã thọc sâu , chia cắt địch thành hai mảng ở Bắc và Nam thị xã . Cả 3 Tiểu đoàn cùng xe tăng , xe bọc thép nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu còn lại , dồn địch vào các ngõ cụt và mở rộng địa bàn ra các khu vực xung quanh . 10 giờ ngày 6/1/1979 , Trung đoàn 64 đã làm chủ hoàn toàn thị xã Kampong Chàm .

   Sau 5 giờ chiến đấu , trận đánh vượt sông Mê Kông của Sư đoàn 320 đã giành thắng lợi hết sức mỹ mãn . Có thể nói đây là một trận đánh vượt sông mẫu mực và lớn nhất của Quân đội ta từ trước tới nay . Một trận đánh thể hiện tinh thần quả cảm tuyệt vời , sẵn sàng hy sinh vì thắng lợi  . Nhờ có trận thắng này lực lượng đột phá của Quân đoàn đã nhanh chóng vượt sông , đánh thẳng vào thủ đô Phnom Penh , cùng với các đơn vị trong toàn quân đập tan chế độ Pôn Pốt , hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang của bạn giành chính quyền . Trận đánh này của Sư đoàn 320 là những bài học kinh nghiệm quý báu góp phần vào kho tàng kinh nghiệm chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam .

Nhận xét