TRÒ CHUYỆN VỚI THIẾU TƯỚNG PHÙNG BÁ THƯỜNG 

                               Nguyễn Đình Thi

   

   Phải đến 4 tháng , hôm nay tôi mới lại có dịp đến thăm người Thủ trưởng cũ của mình - Thiếu tướng Phùng Bá Thường - nguyên Sư trưởng Sư đoàn 10 . Anh bảo vệ ngân hàng Công thương dẫn tôi vào nhà . Vừa bắt tay tôi , Thủ trưởng vừa tươi cười giới thiệu với đồng chí bảo vệ : 

     - Đồng đội cùng chiến đấu với mình ở Tây Nguyên đó ! Nghe Thủ trưởng giới thiệu vậy tôi thấy thật ấm lòng và kính trọng Thủ trưởng cũ của mình biết bao . Nếu như người khác không quý trọng , thương yêu lính thật sự , họ sẽ giới thiệu : 

 - Lính của mình ngày trước đấy ! Giới thiệu thế cũng chẳng sao .

       Thiếu tướng Phùng Bá Thường sinh năm 1924 tại làng Thu Lũng ,xã Nghi Thu , thị xã Cửa Lò , tỉnh Nghệ An . Năm nay ông đã 94 tuổi . Có lẽ ông là người cao tuổi nhất trong số các Tướng lĩnh của Mặt trận Tây Nguyên còn sống tới thời điểm hiện nay . Hiện mắt ông có kém , đi lại có chậm chạp nhưng trí nhớ vẫn rất tuyệt vời . Ông vẫn còn nhớ từng chi tiết của các trận đánh do mình chỉ huy cách đây tới 53 năm . Ông nhập ngũ năm 1946 . Kết thúc kháng chiến chống Pháp ông đã là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 - Sư đoàn 304 . Năm 1965 , ông dẫn Trung đoàn 24A vào Tây Nguyên trên cương vị Trung đoàn Trưởng . Sau này ông trở thành Sư trưởng Sư đoàn 10, rồi Hiệu trưởng Trường sỹ quan Hậu cần . Khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra , ông làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 14 , đánh nhau với quân Trung Quốc ở mặt trận Lạng Sơn . Là một tướng lĩnh được đào tạo bài bản , ông có 3 năm học ở trường Quân sự Hoàng Phố - Trung Quốc ( 1962 - 1964 ) . Ông là một chỉ huy gan dạ , rất giỏi trận mạc .Ngay từ ngày đầu vào chiến trường ông đã chỉ huy Trung đoàn 24A đánh trận đầu tiên quân Ngụy ở Tu Mơ Rông và sau đó đánh quân Mỹ đến giải tỏa , diệt 900 tên Mỹ , 200 tên Ngụy , trong đó diệt gọn 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 101 lính Dù Mỹ . Ngày ấy ta mới đụng độ với quân Mỹ mà giành thắng lợi như thế phải nói là rất xuất sắc . Rồi tiếp đó là trận đánh căn cứ Ka Te ở phía Đông Bu Prăng , diệt 200 tên , có 70 lính Mỹ ,bắn rơi 14 máy bay , thu 6 pháo 105 ly . Sau này là một loạt các trận đánh khác ở Play Cần , Đắc Siêng , Lam Sơn , Non Nước , Đắc Tô - Tân Cảnh  gây cho địch những thiệt hại lớn . Tên tuổi ông đã làm cho quân địch ở Kon Tum lúc bấy giờ rất sợ hãi mỗi khi phải đụng độ với Trung đoàn 66 ( địch gọi là Trung đoàn 2 râu ) do ông chỉ huy  . Tuy là một chỉ huy giỏi nhưng con đường thăng tiến của ông lại không suôn sẻ . Tết Mậu Thân 1968 , Trung đoàn 24A do ông chỉ huy nhận lệnh tấn công thị xã Kon Tum . Là Trung đoàn trưởng chỉ huy trận đánh trong khi thời gian rất khẩn trương , nhưng ông lại được cấp trên lệnh đi chỉ huy bộ đội vận chuyển gạo , đạn . Còn chỉ huy trinh sát địa hình lại là Chính ủy . Khi chuẩn bị vào trận đánh , cấp trên lại ra lệnh rút một nửa số cán bộ ra thành lập bộ khung Trung đoàn mới . Đấy là điều bất lợi cho ông khi chỉ huy trận đánh .  Khi trận đánh xảy ra , quân ta chưa tới kịp thì pháo hiệu tấn công đã phát ra . Địch phát hiện quân ta tấn công , chúng thả đèn dù , pháo sáng , nhìn rõ tới từng ngọn cỏ . Cả đội hình Trung đoàn trơ trọi trên mặt đất , không công sự , hầm hào . Hỏa  lực địch từ máy bay trực thăng , máy bay C130 và từ biệt khu 24 cứ thế nhằm đội hình Trung đoàn xả đạn . Bộ đội thương vong khá nhiều . Biết tấn công nữa vào biệt khu 24 cũng không giải quyết được vấn đề mà bộ đội càng hy sinh nhiều hơn . Ông bàn với Chính ủy quyết định lui quân . Ông bảo đây là quyết định khó khăn nhất của đời ông nhưng vì sinh mạng người lính ông vẫn làm .Thà ông nhận kỷ luật với cấp trên chứ không để người lính chết thêm vô ích . Vì họ là con người , họ còn bố , còn mẹ , còn vợ , còn con . Nghe ông kể vậy tôi thật kính trọng tính nhân văn cao cả trong con người chỉ huy của ông . Sau trận này ông bị cấp trên kỷ luật , nhưng ông bảo ông không vì thế mà buồn . Rồi ông kể tôi nghe trận đánh căn cứ Sư đoàn 22 Ngụy  ở Tân Cảnh tháng 4/1972 mà lúc đó ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 ( đơn vị chủ công đánh căn cứ Sư đoàn 22 ) . Căn cứ Sư đoàn 22 Ngụy là cụm cứ điểm lớn nhất của địch tại Bắc Kon Tum lúc bấy giờ . Tại đây địch có Sở chỉ huy Sư đoàn 22 , Sở chỉ huy Trung đoàn 42 , Sở chỉ huy Trung đoàn thiết giáp 14 , khu cố vấn Mỹ . Một tiểu đoàn xe tăng M41 , một tiểu đoàn pháo binh . Căn cứ này được chúng phòng thủ rất vững chắc , nhiều lớp rào kẽm gai bao quanh , nhiều hầm ngầm , công sự chằng chịt . Riêng lực lượng phòng thủ ở đây khoảng 1500 tên . Địch tính toán nếu đánh được căn cứ này ta phải dùng tới 3 Sư đoàn . Thế mà trực tiếp đánh vào căn cứ này hôm đó chỉ có Trung đoàn 66 cùng tiểu đoàn 37 đặc công , 9 xe tăng của Trung đoàn 273 , một đại đội pháo phòng không tự hành 57 ly 3 khẩu , 1 đại đội hỏa tiễn chống tăng B72 . Để giành được thắng lợi vang dội trong trận đánh này, bản thân ông đã tới 3 lần bò vào tận hàng rào địch, quan sát từng vị trí trong căn cứ rồi về lập sa bàn cho bộ đội tập luyện. Nhờ tác phong sâu sát , tỷ kỷ của ông trận đánh đã thu được kết quả thật mỹ mãn . Sau 2 ngày đêm chiến đấu Trung đoàn 66 của ông đã làm chủ hoàn toàn căn cứ này . Tên Đại tá Sư trưởng Sư đoàn 22 - Lê Đức Đạt và tên Đại tá cố vấn Mỹ bị bắn chết . Bắt 426 tên , trong đó có tên Sư đoàn phó Vi Văn Bình . Thu 20 pháo 105 và 155 ly , 9 xe tăng , 100 xe ô tô , hàng vạn quả đạn pháo , bắn rơi 14 máy bay . Đây là trận thắng lớn nhất của bộ đội Tây Nguyên đến thời điểm đó . Mở ra một vùng giải phóng dài tới 60 km , từ Võ Định tới Play Cần . Tôi có hỏi ông . Tại sao chỉ có Trung đoàn 66 và tiểu đoàn 37 đặc công đánh căn cứ lớn như căn cứ 42 , tầm cỡ cấp Sư đoàn lại thắng lợi giòn giã vậy ? Ông bảo : Ngoài việc dùng mưu và kế để tiêu diệt địch  thì phải giải quyết được 3 vấn đề : 

1/ CHỌN HƯỚNG ĐỘT PHÁ : Nếu người chỉ huy không bò vào tận nơi trinh sát địa hình thì sẽ không phát hiện được hướng nào địch phòng thủ mạnh , hướng nào phòng thủ yếu . Sau khi vào tận nơi quan sát tôi phát hiện hướng Bắc và Táy Bắc địch phòng thủ yếu . Tôi quyết định dùng Tiểu đoàn 8 cùng xe tăng đột kích vào hướng này . Đây là phía đau Sở chỉ huy Sư đoàn 22 nên chúng chủ quan cho rằng ta không thể tấn công từ hướng này . Do vậy khi thấy bộ binh và xe tăng ta xuất hiện từ phía sau chúng rất bất ngờ , vô cùng hoảng loạn  .

 2/ VIỆC TỔ CHỨC BẮN PHÁO : Việc tổ chức cho pháo bắn để đạt hiệu quả cao nhất cũng phải tính toán , cân nhắc rất kỹ . Ở Căn cứ Sư đoàn 22 , buổi tối bọn chỉ huy của chúng thường ngủ ở chỗ khác , không ngủ ở Sở chỉ huy . Nên khi bắn pháo vào đây lúc đầu tôi chỉ đạo chưa bắn vào Sở chỉ huy mà bắn vừa phải vào khu vực xung quanh , để bọn chỉ huy ngủ ở nơi khác rút về Sở chỉ huy , sau đó mới ra lệnh cho pháo binh bắn cấp tập vào Sở chỉ huy , để tiêu diệt chúng , làm cho chúng mất chỉ huy ngay từ đầu . 

  3/ VIỆC TỔ CHỨC ĐƯA XE TĂNG VÀO VỊ TRÍ CHIẾN ĐẤU . Đây là một việc rất khó khăn vì địa hình xung quanh Đắc Tô - Tân Cảnh nhiều đồi núi , sông suối . Lại phải qua nhiều vị trí của địch . Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã phải làm đường vượt núi phía Đông dãy Ngọc Tụ để đưa xe tăng vào . Đường thì xa , lại hoàn toàn mới mở , có chỗ chỉ đánh dấu nên phải bố trí trinh sát , công binh ở từng vị trí dẫn lối xe tăng để xe tăng không bị lạc . Rồi chọn thời điểm lúc pháo binh bắn tổ chức cho xe tăng tiếp cận . Xe tăng của ta đêm hôm đó có hướng vào cách vị trí cửa mở 200 mà địch hoàn toàn không biết gì . Vì vậy lực lượng của ta trực tiếp đánh vào đây chỉ bằng 1/3 của địch mà ta vẫn giành thắng lợi . 

  Trong chiến dịch Hồ Chí Minh trên cương vị Sư đoàn phó , ông đã cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 10 chỉ huy đánh chiếm 2 mục tiêu quân sự quan trọng nhất của địch tại Sài Gòn là Bộ Tổng Tham mưu và sân bay Tân Sơn Nhất , góp phần quan trọng vào giải phóng Sài Gòn , thống nhất Đất nước . Ông kể tiếp cho tôi nghe một loạt các trận đánh nữa do ông chỉ huy đánh quân Pôn Pốt ở biên giới Việt Nam - CPC mà lúc đó ông là Sư trưởng . Khi quân Pôn Pốt tràn sang tấn công vào biên giới của ta ở Tây Ninh tháng 10/1977 . Sư đoàn 10 của ông lúc này đang ở Tây Nguyên thì được lệnh cơ động gấp về Tây Ninh tham gia chiến đấu . Đối diện với Sư đoàn 10 lúc này là Sư đoàn 4 cùng 3 tiểu đoàn địa phương quân của quân Pôn Pốt . Để tiêu diệt quân địch sang phá hoại biên giới ở Tân Biên - Tây Ninh trả thù cho đồng bào ta bị địch sát hại . Sư đoàn quyết định tổ chức chiến dịch mang mật danh Đ8 . Trong chiến dịch này ông đã táo bạo tổ chức , đưa cả Trung đoàn 66 vu hồi đánh vào sườn quân địch ở Phum Rau . Rồi đưa Trung đoàn 64 di chuyển lên phía Tây bao vây , chặn địch từ phía sau . Trung đoàn 28 đánh theo trục đường 22 rồi đánh thẳng vào Trung tâm chỉ huy của chúng ở bản Phờ Loong . Địch hoàn toàn bất ngờ trước cách đánh của ông , tháo chạy toán loạn . Chỉ trong một ngày chiến đấu  , Sư đoàn do ông chỉ huy đã đập tan phòng tuyến quân địch . Diệt hơn 400 tên địch , thu gần 1000 súng các loại  . Rồi đến chiến dịch Đ7 bắt đầu từ ngày 22/12/1977 , Sư đoàn 10 cũng tổ chức cho Trung đoàn 66 luồn sâu đánh thọc sườn vào phòng tuyến của địch ở đường 7 , Trung đoàn 28 đánh thọc sườn bên trái đường 7 . Trung đoàn 24 cùng xe tăng đánh thẳng theo trục đường 7 .Bằng cách đánh táo bạo này Sư 10 do ông chỉ huy đã nhanh chóng phá vỡ phòng tuyến quân khu Đông Bắc của địch trên trục đường 7 , tiếp tục phát triển tiến công vào hậu phương của chúng sâu tới 30km tận Đầm Be . Gây thiệt hại nặng cho Sư đoàn 4 và Sư đoàn 5 của chúng . Sư đoàn đã diệt 1274 tên , bắt 64 tên , phá hủy 8 xe tăng , 8 xe quân sự , thu hàng ngàn súng các loại . Sau chiến thắng này quân địch không còn dám đưa quân sang quấy nhiễu ta ở biên giới Tây Ninh . 

  Mải trò chuyện , chẳng mấy chốc đã tới giờ ăn trưa .  Người giúp việc xin phép mời ông đi ăn . Mặc dù đi lại chậm chạp , ông vẫn tiễn tôi ra tận cổng và không quên gửi lời thăm hỏi tới vợ , con tôi . Nhìn vị Tướng già đã bao năm xông pha trận mạc , có lẽ ông là vị Tướng duy nhất của Mặt trận Tây Nguyên trực tiếp tham gia cả 4 cuộc chiến của dân tộc - đánh Pháp , đánh Mỹ , đánh quân Pôn Pốt và đánh quân Trung Quốc nay ở tuổi “ Xưa nay hiếm “ nhưng ông vẫn không quên nghĩa tình đồng đội năm xưa . Thật đáng phục , thật đáng kính trọng . Đúng là một thế hệ Tướng lĩnh mẫu mực . Một thế hệ Tướng lĩnh vàng của Đất nước 

Nhận xét