TIÊU DIỆT SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN 22 ĐỊCH Ở CĂN CỨ TÂN CẢNH , NGÀY 24/4/1972

 TIÊU DIỆT SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN 22 ĐỊCH Ở  CĂN CỨ TÂN CẢNH , NGÀY 24/4/1972

                          Nguyễn Đình Thi - Sư đoàn 10

                                         

    Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng về mở chiến dịch Xuân Hè năm 1972 ở Tây Nguyên . Cuối tháng 10/1971 , Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây nguyên ra quyết định mở chiến dịch Xuân Hè năm 1972 . Trong Chiến dịch này mục tiêu Sở chỉ huy Sư đoàn 22 địch ở Tân Cảnh là mục tiêu quan trọng của Chiến dịch.


  Về phía địch ở Tây Nguyên chúng cũng phán đoán ta sẽ tấn công lớn ở Kon Tum trong mùa hè 1972 nên ngày 7 tháng 2 năm 1972 địch đã điều Trung đoàn 47 của Sư đoàn 22 từ Bình Định lên Tân Cảnh kết hợp cùng Trung đoàn 42 phòng thủ , sau đó ngày 4/3/1972 chúng điều tiếp Lữ đoàn dù số 2 lên Kon Tum , lập tuyến phòng thủ vòng ngoài tại dãy cao điểm 1015 và 1049 ở phía Tây sông Pô Kô . Mục đích ngăn chặn từ xa cuộc tấn công của ta vào Thị xã Kon Tum và Tân Cảnh nơi có Sở chỉ huy Sư đoàn 22 . Như vậy chỉ riêng tại Kon Tum chúng đã hình thành một tuyến phòng thủ kéo dài suốt từ Kon Tum lên tới tận Play Cần dài tới hơn 60 km . Lực lượng địch tại khu vực Đắc Tô - Tân Cảnh lúc này khá lớn lên tới 12 Tiểu đoàn , gồm Sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 22 ở Tân Cảnh , Trung đoàn 42 và 47 của Sư đoàn 22 , liên đoàn biệt động quân số 2 và số 6 , Lữ đoàn dù số 2 , Trung đoàn thiết giáp số 14 và 2 tiểu đoàn biệt động , tiểu đoàn 223 pháo binh , 7 đại đội bảo an , trên 300 xe cơ giới quân sự cùng một Ban cố vấn Mỹ . 


Về phía ta để hỗ trợ cho Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch , từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1972 , Bộ Tổng tư lệnh và Quân khu 5 đã bổ xung và tăng cường cho Tây Nguyên Sư đoàn bộ binh 320A , Trung đoàn 24B , Sư đoàn bộ binh 2 - Quân khu 5 ( Thiếu Trung đoàn 31 ) , Tiểu đoàn đặc công 20 , 3 Tiểu đoàn pháo phòng không 37 ly , 1 Tiểu đoàn súng máy 14,5 ly , một Tiểu đoàn thông tin, 1 Tiểu đoàn ô tô vận tải ( 827 ) , 2 đội điều trị ( 17 và 25 ) , 2 Tiểu đoàn vận tải bộ. 

  Để việc chỉ đạo Chiến dịch kịp thời, nhanh chóng và có hiệu quả , Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Cánh Đông ( Sở chỉ huy tiền phương của Mặt trận Tây Nguyên) do Đại tá Nguyễn Mạnh Quân làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy .

   Căn cứ 42 ( Tân Cảnh ) nằm ở phía Tây thị trấn Tân Cảnh , cạnh Quốc lộ 14 , cách thị trấn Tân Cảnh chừng 1km , là Sở chỉ huy của Sư đoàn 22 . Đây là cơ quan chịu trách nhiệm chỉ huy toàn bộ tuyến phòng thủ của địch ở phía Bắc tỉnh Kon Tum kéo dài suốt từ Võ Định tới Play Cần . Căn cứ 42 có chiều dài 600m , chiều rộng 400m  , bên trong chia thành 13 phân khu . Căn cứ này được chúng phòng thủ rất vững chắc, bên ngoài được bao bọc bởi 8 lớp hàng rào dây thép gai rộng từ 120 đến 150 m , xen kẽ lớp hàng rào là các bãi mìn các loại . Ngoài ra xung quanh căn cứ là một hệ thống giao thông hào và các lô cốt, ụ súng . Lực lượng địch tại đây gồm có : 

 Sở chỉ huy Sư đoàn 22 bộ binh , khu cố vấn Mỹ , Sở chỉ huy trung đoàn 42 , Sở chỉ huy Trung đoàn 14 thiết giáp , Chỉ huy biên phòng tỉnh Kon Tum , chỉ huy 3 Tiểu đoàn 1,2,4 của Trung đoàn 42 , Tiểu đoàn 223 pháo binh ( gồm 10 pháo 105 ly và 155 ly ) , một Thiết đoàn xe tăng , một Đại đội công binh , một Đại đội trinh sát . Tổng quân số của địch tại đây khoảng 1500 tên . 

  Ngoài lực lượng ở căn cứ Tân Cảnh, địch còn lập một tuyến phòng thủ vòng ngoài khá vững chắc để bảo vệ Sở chỉ huy Sư đoàn 22 . Phía Tây căn cứ Tân Cảnh có Lữ đoàn dù 2 đóng ở khu vực điểm cao 1015 và 1049 , phía Tây Nam có Trung đoàn 47 đóng ở căn cứ Đắc Tô 2 , phía Thị trấn Đắc Tô có 1 Tiểu đoàn bảo an , tại thị trấn Tân Cảnh địch có Tiểu đoàn 2 , khu vực Võ Định có lực lượng Tiểu đoàn 1 của Lữ dù 2 . Với lực lượng phòng thủ đông lại được bố phòng vững chắc trong các công sự, hầm hào địch cho rằng nếu ta có tấn công căn cứ Tân Cảnh thì cũng không thể giành thắng lợi . 

   Về phía ta , lúc đầu có ý kiến cho rằng không nên đánh căn cứ Tân Cảnh trước ( căn cứ Sở chỉ huy Sư đoàn 22 ) mà đánh các căn cứ vòng ngoài như Thị trấn Đắc Tô , Đắc Tô 2 , Diên Bình trước , sau khi diệt xong các căn cứ vòng ngoài mới tấn công căn cứ Tân Cảnh , vì lực lượng địch phòng thủ ở Tân Cảnh rất mạnh , nhưng sau cân nhắc Bộ Tư lệnh Mặt trận đã quyết định cùng lúc đánh các mục tiêu trên sẽ tổ chức một lực lượng đột phá mạnh đánh thằng vào Trung tâm đầu não của địch là Sở chỉ huy Sư đoàn 22 ở căn cứ Tân Cảnh . Để đảm bảo cho trận đánh thắng lợi các trinh sát và cán bộ của ta , kể cả Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Phùng Bá Thường đã nhiều lần bò vào tận bên trong căn cứ Tân Cảnh trinh sát , đo đạc , nắm tình hình rồi về đắp sa bàn , nghiên cứu cách đánh trên sa bàn . Kế hoạch đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 22 địch ở Tân Cảnh được Sư đoàn 2 giao cho Trung đoàn 66 như sau : 

- Trung đoàn 66 dùng Tiểu đoàn 7 kết hợp với 3 xe tăng , 1 xe pháo cao xạ 57 ly , đánh vào hướng chủ yếu ( hướng Đông ) 

- Tiểu đoàn 8 cùng 3 xe tăng , 1 xe pháo cao xạ 57 ly đánh vào hướng Tây Bắc ( hướng thứ yếu ) 

- Tiểu đoàn 37 đặc công do Tiểu đoàn trưởng Đỗ Công Mùi chỉ huy đánh vào từ hướng Nam . 

  Phối hợp với mũi tiến công của Trung đoàn 66 đánh vào căn cứ Tân Cảnh, Trung đoàn 1 - Sư đoàn 2 sẽ tấn công Trung đoàn 47 địch ở Đắc Tô 2 , Trung đoàn 141 - Sư đoàn 2 sẽ tấn công Thị trấn Đắc Tô , Tiểu đoàn đặc công 400 sẽ tấn công quân địch ở Diên Bình . Tiểu đoàn 9 - Trung đoàn 66 sẽ tấn công Thị trấn Tân Cảnh. Trung đoàn 28 đánh cắt đường ở đoạn Võ Định , không cho địch chi viện khi ta tấn công Tân Cảnh.

   Bộ chỉ huy Chiến dịch cũng quyết định tăng cường cho Trung đoàn 66 , 9 xe tăng T54 của Đại đội tăng 7 , 3 pháo cao xạ tự hành 57 ly của Đại đội 53 , Đại đội 29 tên lửa diệt xe tăng B72 , 4 Đại đội súng cối và súng máy phòng không , Trung đoàn pháo binh 675 sẽ trực tiếp chi viện cho Trung đoàn 66 trong quá trình tấn công.


   Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu diệt căn cứ Sở chỉ huy Sư đoàn 22 , từ ngày 30/3/1972 đến ngày 14/4/1972 , Bộ Chỉ huy Mặt trận Cánh Đông đã chỉ đạo cho Sư đoàn 320A tấn công quân dù phòng thủ ở vòng ngoài tại điểm cao 1049 và 1015 , không cho quân dù chi viện khi ta tấn công căn cứ Sở chỉ huy Sư đoàn 22 . 

   Có thể nói đây là một nhiệm vụ rất quan trọng , lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên ta tổ chức tấn công vào Sở chỉ huy Sư đoàn địch trong công sự vững chắc . 

   Để đảm bảo trận đánh chắc thắng một vấn đề rất quan trọng là làm sao đưa được xe tăng vào tham chiến trong khi địa hình ở khu vực xung quanh Đắc Tô- Tân Cảnh có nhiều núi cao , nhiều suối . Với quyết tâm đưa bằng được xe tăng vào tham chiến trong trận này , ngay từ những ngày đầu năm 1972 , Bộ Tư lệnh Mặt trận đã đưa công binh Trung đoàn 7 bí mật mở con đường vượt dãy núi phía Đông Tân Cảnh để đưa xe tăng vào tấn công . Có một sáng kiến rất hay là để tránh máy bay trinh sát của địch phát hiện ra đường đưa xe tăng vào chiến đấu, các chiến sỹ công binh đã tận dụng mùa nước cạn mở đường cho xe tăng bám theo dòng suối đi nên hoàn toàn không có dấu vết gì . Có thể nói việc ta bí mật mở con đường cho xe tăng ở phía Đông vượt qua nhiều núi , nhiều suối là một điều hoàn toàn bất ngờ đối với địch vì chúng cho rằng xe tăng của ta không thể đi vào lối này được . 


     Sau khi tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở phía Tây căn cứ Tân Cảnh là khu vực núi Ngọc Rinh Rua ở điểm cao 1015 và 1049 do Lữ đoàn dù số 2 phòng thủ thất bại . Bộ chỉ huy Mặt trận Cánh Đông quyết định ra lệnh cho Trung đoàn 66 nổ súng tấn công Sở chỉ huy Sư đoàn 22 . 

     15 giờ 30 , ngày 23 tháng 4 năm 1972 , Trung đoàn pháo binh 675 đã được lệnh bắn phá vào các mục tiêu của địch trong căn cứ Tân Cảnh như Sở chỉ huy Sư đoàn 22 , khu cố vấn Mỹ , khu trận địa pháo , khu thông tin , kho đạn , kho xăng dầu . Trận bắn phá này của pháo binh ta đã gây cho địch khá nhiều tổn thất , đặc biệt là đã tiêu diệt được một số hỏa điểm địch và phá hủy hầu hết các khẩu pháo của địch ở đây . Biết tình hình nguy cấp nên lúc 4 giờ đêm ngày 24/4 , nhóm cố vấn Mỹ tại căn cứ  Tân Cảnh đã vội vã xin máy bay trực thăng chạy trốn .

   Suốt đêm 23/4 , địch dùng pháo sáng bắn sáng rực cả bầu trời Đắc Tô - Tân Cảnh , máy bay C130 cùng pháo binh liên tục bắn ra để ngăn cản , bất chấp đạn địch từ các hướng bộ binh ta đã bí mật vào áp sát mục tiêu . Riêng việc dẫn đường đưa xe tăng vào là cực kỳ khó khăn , Trung đoàn 66 phải cử 35 công binh , trinh sát do Tham mưu phó Trung đoàn Hoàng Anh Tài chỉ huy . Xe tăng đi trong đêm phải vượt qua nhiều núi , nhiều suối nhưng xe không dám bật đèn bộ đội phải dùng đèn pin dẫn đường , nhiều chỗ công binh , trinh sát , bộ binh phải đứng làm cọc tiêu , cho xe tăng vượt ngầm , vượt suối . Rất may là đến 2 giờ sáng ngày 24/4 , toàn bộ 9 xe tăng T54 và 3 xe pháo cao xạ tự hành đã vào vị trí tập kết an toàn ở khu vực ngầm Pô Kô Hạ .


   4 giờ 30 phút sáng 24/4 , Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường lệnh cho các mũi nổ súng tấn công căn cứ Tân Cảnh . Hỏa lực các loại của ta đã cấp tập dội xuống các mục tiêu trong căn cứ . Xe tăng ta lúc này  từ vị trí tạm dừng ở ngầm Pô Kô Hạ cũng được lệnh xuất kích đã nhanh chóng vượt qua Thị trấn Đắc Tô , tiến thẳng theo đường 14 , dùng hỏa lực 12 ly 7 tấn công quân địch chặn trên đường rồi tiến xuống Tân Cảnh , trên đường tiến xuống Tân Cảnh một xe pháo cao xạ tự hành 57 ly của Đại đội 53 bị trúng đạn từ máy bay C130 của địch phải nằm lại . Theo kế hoạch xe tăng sẽ vượt ngầm Đắc Ta Can sau đó tấn công vào  căn cứ Tân Cảnh nhưng thấy tình hình ngầm chưa đảm bảo cho xe tăng vượt suối , Đại đội trưởng Bùi Đình Đột đề nghị cho xe tăng quay lại Thị trấn Tân Cảnh, tiến theo đường 18 , vượt qua chốt của địch ở cầu Tân Cảnh đánh thằng vào căn cứ Tân Cảnh.

    Sự xuất hiện bất ngờ của xe tăng ta làm cho bọn địch ở Thị trấn Tân Cảnh vô cùng hoảng sợ . Chớp thời cơ, Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường lệnh cho Tiểu đoàn 9 tấn công Tiểu đoàn 2 địch ở Thị trấn Tân Cảnh. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 9 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Hứa Kính đã dùng hỏa lực tấn công vào quân địch đang bảo vệ tại đây . Đội dân vận của Tỉnh Kon Tum dùng loa kêu gọi binh lính địch ra đầu hàng. Đến 5 giờ 30 phút , Tiểu đoàn 2 địch đã bị ta tiêu diệt và tan hàng. Thị trấn Tân Cảnh hoàn toàn được giải phóng .


   Lợi dụng pháo binh bắn phá , ở hướng Đông , hướng tấn công chủ yếu , Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 - Phạm Văn Vượng đã lệnh cho Đại đội 3 lao lên mở cửa . Địch từ các lô cốt, ụ súng trong căn cứ bắn ra rất quyết liệt , xe tăng địch từ trong căn cứ Tân Cảnh cũng lao ra bịt cửa mở . Trận chiến diễn ra rất quyết liệt, các xe tăng số 328 , 903 , 373 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Bùi Đình Đột dùng hỏa lực bắn vào các lô cốt , trận địa ĐKZ của địch ở phía cổng chính hỗ trợ cho bộ binh mở cửa . Tên lửa B72 của Đại đội 29 lần đầu xuất trận đã bắn trúng hai chiếc xe tăng M41 vừa trong căn cứ bò ra chặn cửa mở  , diệt nhiều ổ hỏa lực của địch , đặc biệt là bắn trúng khẩu ĐKZ của địch đặt trên tháp nước làm cho địch rất hoảng sợ . Bấp chấp hỏa lực địch dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đại đội 3 - Nguyễn Văn Lục , bộ đội ta vẫn dũng  mãnh ôm bộc phá lao lên mở cửa . Tầm 6 giờ sáng 24/4 , cửa mở thông , bộ binh Tiểu đoàn 7 nhanh chóng vượt qua cửa mở . Các xe tăng 903 , 373 , 328 vừa dùng pháo tăng diệt các hỏa điểm của địch vừa dùng súng máy 12,7 ly đánh trả máy bay địch , hai xe pháo cao xạ tự hành 023 , 020 đứng ngoài căn cứ đã xử dụng pháo 57 ly đánh trả quyết liệt máy bay địch làm cho máy bay địch không dám xà xuống thấp ném bom . Địch từ trong căn cứ dựa vào các lô cốt, hầm hào điên cuồng chống trả , chúng sử dụng cả đạn hóa học hơi ngạt , hơi cay bắn ra ngăn chặn , trên trời máy bay địch cũng thi nhau trút bom xuống khu vực cửa mở . Mặc dù bom đạn địch rất dữ dội , chiến sỹ Nguyễn Văn Vật của Đại đội 3 đã bình tĩnh dùng khẩu B40 bắn cháy ngay chiếc xe tăng địch vừa ra chặn cửa mở . Tầm gần 7 giờ 30 , sau khi tiêu diệt các lô cốt, ụ súng phía cổng chính , bộ binh và xe tăng ta đã nhanh chóng vượt qua cổng chính đánh thằng vào trong căn cứ . Xe tăng dùng pháo tập trung bắn vào khu Sở chỉ huy . Bộ binh Tiểu đoàn 7 lúc này cũng nhanh chóng thọc sâu , đánh chia cắt các mục tiêu trong căn cứ . Tại Sở chỉ huy Sư đoàn 22 , ngay từ sáng 24/4 , biết ta tổ chức tấn công , Lê Đức Đạt một mặt tổ chức cho các đơn vị trong căn cứ chống trả , một mặt liên lạc với Trung đoàn 47 ở Đắc Tô 2 và Trung đoàn 42 đưa lực lượng về ứng cứu nhưng cả hai đơn vị này cũng đang bị quân ta tấn công  , liên lạc với Tiểu đoàn 9 dù ở sân bay Phượng Hoàng thì không liên lạc được . Gần trưa ngày 24/4 , Lê Đức Đạt đã quyết định cho công binh phá hàng rào để tháo chạy về phía sân bay Phượng Hoàng nơi có Tiểu đoàn 9 nhảy dù , nhưng ý đồ của chúng không thực hiện được vì các ngả đã bị quân ta bao vây . 11 giờ , bộ binh Tiểu đoàn 7 và xe tăng đã ập tới Sở chỉ huy Sư đoàn 22 . Biết không chống cự nổi  Đại tá Lê Đức Đạt - Sư trường Sư đoàn 22 cùng một số sỹ quan Ban Tham mưu Sư đoàn đã chạy trốn ra ngoài tìm đường thoát nhưng vẫn không chạy thoát và đã bị tiêu diệt . Số còn lại khá đông đã bị quân ta bắt sống .


    Ở hướng Tây Bắc của Tiểu đoàn 8 , ngay sau khi được lệnh tấn công các chiến sỹ của Tiểu đoàn đã dũng cảm ôm bộc phá lao lên mở cửa nhưng bị hỏa lực địch chống trả quyết liệt và bị máy bay địch ném bom trùm lên khu vực cửa mở làm một số cán bộ, chiến sỹ ta bị thương và hy sinh . Trước khó khăn địch chống trả quyết liệt, bộ đội thương vong nhiều , Đại đội trưởng Nguyễn Phước Hậu , Trung đội trưởng Nguyễn Văn Vinh đã gương mẫu ôm mìn ĐH 30 lao lên mở cửa nhưng bị một chiếc xe tăng của địch phục ở gần đó dùng hỏa lực bắn ra rất dữ dội làm đội hình không phát triển lên được . Trước tình hình Tiểu đoàn 8 gặp khó khăn trong khi đó hướng Tiểu đoàn 7 ở phía cổng chính cửa mở đã thông , bộ binh và xe tăng của Tiểu đoàn 7 đã vượt qua cổng chính mà hướng của Tiểu đoàn 8 cách cổng chính không xa nên Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường quyết định lệnh cho bộ binh và xe tăng của Tiểu đoàn 8 đi thẳng vào hướng cổng chính của Tiểu đoàn 7 . 7 giờ 30 sáng ngày 24/4 , Bộ binh cùng xe tăng của Tiểu đoàn đã nhanh chóng vượt qua cổng chính rồi chia thành hai mũi đánh vào bên trong . Từ trong căn cứ địch điều xe tăng ra chặn . Chiếc xe tăng M41 của địch vừa xuất hiện đã bị chiến sỹ Bùi Viết Ngần dùng B40 bắn cháy . Phát triển tấn công , bộ binh và xe tăng của Tiểu đoàn đã dùng hỏa lực nhanh chóng tiêu diệt các ổ hỏa lực địch đang chống trả sau đó đánh vào khu cố vấn Mỹ , khu Sở chỉ huy Trung đoàn 42 , khu nhà sỹ quan . 3 xe tăng 377 , 352 và 369 vừa dùng hoả lực tấn công xe tăng địch, vừa dùng xích sắt trà lên các ụ súng địch kháng cự . Cuộc chiến diễn ra rất quyết liệt, nhiều đồng chí của ta đã bị thương và hy sinh nhưng bộ đội ta vẫn không chùn bước . Đến 10 giờ Tiểu đoàn đã chiếm được khu cố vấn, khu kỹ thuật, khu Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 42 . 11 giờ, cánh quân của Tiểu đoàn cũng đã phát triển tới khu Sở chỉ huy Sư đoàn 22 và gặp cánh quân của Tiểu đoàn 7 tại đây.


  Ở hướng Nam của Tiểu đoàn 37 đặc công do Tiểu đoàn trưởng Đỗ Công Mùi chỉ huy khi bộ đội ta lên mở cửa địch phát hiện đã chống trả quyết liệt , Tiểu đoàn mở được 5 hàng rào thì không phát triển lên được . Lúc này hướng cửa mở của Tiểu đoàn 7 đã thông nên Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường quyết định Tiểu đoàn 37 không mở cửa nữa mà chuyển đánh vào căn cứ Tân Cảnh theo hướng cửa mở của Tiểu đoàn 7 . Trung đoàn lúc này cũng tăng cường 2 xe tăng dự bị cho Tiểu đoàn . Được xe tăng yểm trợ , Tiểu đoàn chia thành hai mũi đột kích vào khu kho hỗn hợp , bãi xe , trận địa pháo . Đến 11 giờ trưa ngày 24/4 , Tiểu đoàn 37 cũng có mặt cùng Tiểu đoàn 7 và 8 tại Sở chỉ huy Sư đoàn 22 . 

    Sau hơn 6 giờ nổ súng tấn công , Căn cứ Sở chỉ huy Sư đoàn 22 của địch đã hoàn toàn bị ta tiêu diệt , ta diệt gần 1000 tên , trong đó có tên Sư đoàn trưởng Lê Đức Đạt , tên Sư đoàn phó Vi Văn Bình trốn chạy cũng bị ta bắt sống . Ta bắt 429 tù binh , bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng, xe bọc thép, 20 khẩu pháo 105 ly , gần 100 xe ô tô quân sự các loại , thu hàng vạn quả đạn pháo cùng nhiều vũ khí , quân tư trang khác . 

  Với chiến thắng Tân Cảnh , đây là lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên ta đã tiêu diệt Sư đoàn địch , phá vỡ tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch ở Bắc Kon Tum , giải phóng một vùng rộng lớn suốt từ Võ Định qua Diêm Bình , Đắc Tô , Tân Cảnh tới tận Play Cần dài tới 60 km . Tạo cục diện mới trên chiến trường Tây Nguyên , làm cho bọn địch còn lại ở Kon Tum vô cùng hoang mang dao động .

Nhận xét